(Báo Quảng Ngãi)- Trong khi nhiều thanh niên nông thôn không còn mặn mà với nghề nông và chấp nhận ly hương để mưu sinh, thì lại có những người trẻ chọn đồng ruộng, chăn nuôi… làm xuất phát điểm để vươn lên làm giàu. Trời không phụ người, bằng sức trẻ của mình, nhiều thanh niên đã áp dụng khoa học kỹ thuật và khả năng sáng tạo của mình vào sản xuất và đã gặt hái thành công.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đổ tiền tỷ vào “hố sình”
Năm 2011, khi hay tin anh Bùi Quang Hiếu thuê khu đất Hố Lộc làm trang trại chăn nuôi, người dân thôn Tây Thuận, xã Bình Trung (Bình Sơn) ai nấy đều ngạc nhiên. Bởi lẽ đây là khu đất mà bà con vẫn quen gọi là “hố sình” - khi mùa mưa thì đất trở nên nhão nhoẹt, còn vào mùa nắng, thứ đất cao lanh này cứng lại như đá.
Anh Bùi Quang Hiếu dùng tiền tỷ xây dựng trại chăn nuôi. Ảnh: Ý THU |
Về phần anh Bùi Quang Hiếu, sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh của Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam, anh quyết định vào Nam lập nghiệp. Có tấm bằng cao đẳng trong tay, lại thêm vốn tiếng Hàn trôi chảy mà anh đã tích cóp được sau 4 năm xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, anh Hiếu nhanh chóng có được một vị trí thông dịch viên tại nhà hàng. Nhưng rồi, sau một năm thử sức ở TP.Hồ Chí Minh, anh Hiếu quyết định khăn gói về lại quê hương. “Ở lại thành phố, tuy tiền làm ra nhiều nhưng rồi chi phí phòng trọ, dịch vụ đắt đỏ, nên nếu làm mãi sẽ rất khó dư dả”- anh Hiếu chia sẻ.
Có được số vốn kha khá sau đợt xuất khẩu lao động, lại tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh nên khi anh Hiếu tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, bạn bè đều khuyên anh nên chọn con đường kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu về chuyện nông dân làm giàu, anh nảy ra ý định lấy nghề chăn nuôi làm xuất phát điểm.
Phải mất một tháng trời máy đào, máy xúc làm việc, mặt bằng Hố Lộc rộng 3 ha mà anh bỏ hơn 100 triệu thuê san ủi mới dần hiện ra. Bỏ thêm 700 triệu để xây 2 dãy chuồng trại rộng 1.600m2 và hệ thống máng ăn, uống tự động, anh Hiếu hợp đồng với Công ty cổ phần CP Việt Nam để nuôi heo thuê. Bởi theo anh Hiếu, cái khó nhất của người nông dân là đầu ra, vì thế khi kí kết với công ty để nuôi heo thuê, anh chỉ cần đầu tư chuồng trại, còn thức ăn, thú y, đầu ra… thì công ty chịu trách nhiệm chi trả.
Tuân thủ đúng quy trình chăm sóc, chỉ sau 4, 5 tháng, 1.200 con heo của trang trại anh đạt trọng lượng 90 - 100kg. Mỗi kilôgam heo hơi anh Hiếu được hưởng từ 1.500 - 2.000 đồng. Vì vậy mỗi năm anh chỉ cần chăn nuôi khoảng 3 lứa là đã có thể bỏ túi cả nửa tỷ đồng. “Muốn thành công phải hiểu rõ về điều mình sắp làm. Vì thế, sau khi xây chuồng trại xong, tôi vào Bình Dương xin làm công nhân cho các trang trại nuôi heo của những công ty lớn. Công đoạn cho ăn, phòng bệnh… tôi cố gắng học hỏi tường tận rồi mới trở về quê và bắt tay vào việc chăn nuôi” - anh Hiếu tâm sự.
Không cho đất nghỉ
Không có nhiều vốn để đầu tư vào trang trại chăn nuôi quy mô như anh Hiếu, anh Trần Quang Vinh ở thôn Đông Thuận, xã Bình Trung (Bình Sơn) lại chọn cây ngắn ngày để phát triển kinh tế. Mảnh vườn nhà chỉ vỏn vẹn 350m2, nhưng quanh năm anh luân phiên từ mướp, dưa leo, ớt… chứ nhất định không để đất trống. Nhìn vườn mướp xanh um, trĩu quả ít ai có thể nghĩ đây là thành quả của một người thanh niên sinh năm 1989, tốt nghiệp ngành cơ khí ô tô.
“Làm vườn tuy có vất vả lại không có tiền đều đặn hằng tháng như khi làm công nhân, nhưng nếu biết áp dụng cách làm mới và quyết tâm thì thu nhập khá hơn hẳn”- anh Vinh khẳng định.
Anh Vinh bên vườn mướp của mình. |
Cải tạo mảnh đất vườn mà cha mẹ anh vẫn thường trồng rau cải, anh Vinh chuyển hẳn sang đầu tư giàn để trồng mướp. Không sử dụng giàn tre như cách làm cũ, anh Vinh tự lên mạng để tra cứu thông tin và làm giàn bằng lưới. Nếu như giàn tre vừa tốn kém lại mất nhiều công sức, thì anh Vinh chỉ mất chưa đến một ngày để hoàn thiện giàn lưới. Chăm sóc đúng cách, lại áp dụng thêm những cách làm sáng tạo học được từ internet nên mô hình trồng mướp của anh Vinh đạt hiệu quả kinh tế khá cao.
“Mỗi lần đến kỳ thu hoạch là thương lái đến mua tận vườn. Quả nào quả nấy đều tăm tắp nên họ chỉ mua theo quả chứ không cần cân ký. Cứ 10 quả mướp là tôi thu về 80 - 100 nghìn đồng”, giọng anh Vinh vui hẳn. Vậy là chỉ với mảnh vườn rộng chỉ hơn 300m2 của mình, người thanh niên trẻ tuổi, chịu khó đã khiến cho đất phải “sinh sôi” ra gần cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Phát huy vai trò của sức trẻ trong thời đại mới, nhiều thanh niên đã nỗ lực vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình và khẳng định được rằng: Làm giàu bằng nghề nông không khó!
Bài, ảnh: Ý THU