Những triệu phú Hrê với giải thưởng Lương Định Của

03:07, 14/07/2013
.

(QNĐT)- Trong hai năm qua, Ba Tơ có liên tiếp hai đoàn viên thanh niên người Hrê được Trung ương đoàn trao giải thưởng Lương Định Của. Họ là những thanh niên dám dấng thân vào con đường mình đã chọn, biết chịu khó, cần cù lao động bằng niềm đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ để làm giàu trên quê hương.  

TIN LIÊN QUAN


*Bí thư hai giỏi

Đó là cụm từ mà cán bộ huyện đoàn Ba Tơ dành cho anh Phạm Văn Ô - Bí thư Chi đoàn thôn Mang Biều xã Ba Tiêu khi giới thiệu với chúng tôi về gương sáng thanh niên triệu phú.

Anh Ô sinh ra và lớn lên ở vùng đất khó. Do ảnh hưởng của khí hậu Tây Nguyên mùa mưa rét buốt, mùa nắng nóng cháy da. Cuộc sống gia đình và bà con trong làng lam lũ mãi mà cơm vẫn chưa no.

Năm 2004, chàng thanh niên người Hrê này bước vào tuổi 17 - cái tuổi mà bạn bè cùng trang lứa còn ăn chơi, phụ giúp gia đình thì anh "bẻ ngang" tìm một con đường đi cho riêng mình để phát triển kinh tế.

Với vốn ban đầu cha mẹ giao cho là hai mẹ con con trâu gầy. Anh áp dụng kiến thức cán bộ khuyến nông phổ biến làm chuồng trại, trồng cỏ và dự trữ rơm rạ, hạn chế thả rông trong mùa mưa để chăm sóc trâu.

Sau gần 10 năm chăn nuôi gia súc, đến nay, (trừ mỗi năm bán một con để chi phí), anh đã có đàn trâu lên đến 14 con. Ngoài ra, anh còn chăn nuôi gia cầm (vịt, gà) để cải thiện bữa ăn gia đình và bán cho bà con quanh xóm.

Đi đôi với chăn nuôi, anh tận dụng đất đồi, với diện tích 5 sào để trồng xen canh mì và keo. Qua một năm đến chu kỳ khai thác mì, thì cây keo cũng phát triển xanh tốt khép kín lá. 5 năm sau, số tiền gom góp từ bán mì, keo, anh tiếp tục mở rộng đất sản xuất trồng đa dạng cây nguyên liêu trên vùng đất đồi. Đồi thấp anh trồng mía, mì, xen bắp, khoai lang, trên đồi cao anh trồng keo.

Cứ thế, hơn 10 năm lao động miệt mài, xen canh và nuôi trồng tổng hợp, anh đã có nguồn thu nhập từ cây, con giống khoảng 100 - 150 triệu đồng.

Khi có chén cơm, hiểu được nỗi khổ của người nghèo anh sẵn sàng giúp đỡ bà con trong xóm, những đoàn viên thanh niên về cây giống, cho mượn trâu để nuôi kiếm lời. Anh còn giải quyết việc làm cho từ 5-6 lao động thường xuyên/năm.

    27 tuổi đời, cái tuổi còn hừng hực ngọn lửa của tuổi trẻ nên bên cạnh làm ăn, anh còn sắp xếp thời gian để tham gia công tác Đoàn. Qua những buổi sinh hoạt anh hiểu hơn tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh của anh em để tìm cách giúp đỡ các đoàn viên trong chi đoàn phát triển kinh tế bền vững. Anh được Huyện đoàn Ba Tơ đề nghị Trung ương đoàn xét giải thưởng Lương Định Của năm 2013.

* "Giải thưởng của nghị lực"

Năm 2012, anh Phạm Văn Thác xã Ba Dinh là 1 trong 6 thanh niên trong toàn tỉnh vinh dự được Trung ương trao giải thưởng Lương Định Của. Nhiều thanh niên trong huyện biết anh đều khâm phục và cho rằng đó là "giải thưởng của nghị lực".


Thác sinh ra đã mồ côi cha lẫn mẹ. Học hết lớp 5, anh nghỉ học bươn chải kiếm sống. 19 tuổi lập gia đình, cái khổ lại nhân đôi. Hai vợ chồng dắt nhau hết làm thuê, cuốc mướn đến khai hoang đất để tỉa lúa, trồng khoai.

Năm 2008, khi Nhà máy đường Phổ Phong cấp giống, phân bón cho nông dân trồng mía, anh Thác đã mạnh dạn nhận giống mía để trồng 2 ha đất đồi. Không hiểu nhiều về kỹ thuật trồng và chăm sóc mía, nên khi có lớp tập huấn anh không bỏ sót lớp học nào. Anh còn tham khảo sách báo về kỹ thuật trồng và chăm sóc.

Học được bao nhiêu, anh áp dụng vào đồng mía của mình bấy nhiêu. Qua nhiều năm "rút tỉa" kinh nghiệm, đến năm 2012, đồng mía của anh đã đạt sản lượng 60 tấn/vụ/năm, trừ chi phí đem lại thu nhập 60 triệu đồng.

Kinh tế dần ổ định, anh tiếp tục đào ao nuôi cá, chăn nuôi heo và trâu. "Siêng nhặt chặt bì", trong vòng mấy năm trở lại đây, bình quân mỗi năm anh thu nhập trên 100 triệu đồng. Cần cù, chịu khó, khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu, Thác trở thành chàng thanh niên giàu nghị lực, là tấm gương tiêu biểu để nhiều thanh niên trong vùng noi theo.
 
Nếu như Thác là biểu tượng của "tinh thần nghị lực", thì chàng thanh niên Phạm Văn Tuân ở xã Ba Điền (được nhận giải thưởng Lương Định Của, năm 2010) được nhiều người ví là thanh niên "dám nghĩ, dám làm".

Trong lúc cuộc sống của nhiều người ở xã Ba Điền cơm chưa đủ no, thì Tuân đã "bạo gang" vay 40 triệu đồng để khai hoang đất đồi trồng đa dạng các loại cây nguyên liệu, lương thực. Anh phân bổ 10 ha để trồng keo, 2 ha để trồng sầu đông, 3 ha trồng mì cao sản, 3 ha trồng mây và 1 ha trồng chuối. Với cách trồng "so le" như thế, anh đã lấy ngắn nuôi được dài. Ngoài ra, anh tận dụng đồi cây để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến năm 2010 thì anh bắt đầu thu hoạch. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm anh đã thu được từ 70 - 80 triệu đồng.

Bí thư huyện đoàn Ba Tơ Trần Thị Thanh Thúy, cho biết: Thông qua các chương trình hỗ trợ cây, con giống, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi nhiều đoàn viên trong huyện đã biết làm giàu trên chính quê hương mình. Tuy nhiên, ở huyện cũng còn nhiều đoàn viên chưa biết cách làm ăn, số lượng đoàn viên nghèo còn khá nhiều. Trong thời gian đến, thông qua những gương điển hình về làm kinh tế giỏi, huyện sẽ biểu dương để các đoàn viên trong huyện học cách làm ăn, trở thành trụ cột về kinh tế trong gia đình.


MAI HẠ
 


.