(Baoquangngai.vn)- Chiều 19/11, Sở KH&CN tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Điều tra, đánh giá nguồn lợi và đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững cua dẹp tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi”.
[links()]
Đề tài “Điều tra, đánh giá nguồn lợi và đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững cua dẹp tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi” do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Lý Sơn chủ trì thực hiện. Kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng, triển khai trong 40 tháng, kể từ tháng 7/2019.
Nhóm nghiên cứu của trung tâm đã điều tra, đánh giá đặc điểm sinh học, sinh sản, hiện trạng nguồn lợi, tình hình khai thác và tái tạo nguồn lợi cua dẹp tại huyện Lý Sơn. Theo đó, cua dẹp phân bố ở đảo Lớn với 2,4ha và đảo Bé với 11,2ha. Trọng lượng dao động trung bình tại thời điểm khảo sát là gần 75g/con.
Quang cảnh cuộc họp. |
Hiện ở Lý Sơn có khoảng 100 người trực tiếp tham gia hoạt động khai thác. Mùa khai thác từ tháng 7 cho đến tháng 2 năm sau. Sản lượng khai thác hàng năm bị suy giảm từ 30 - 40%, có nơi suy giảm đến 70% so với trước đây. Mật độ thích hợp để nuôi cua dẹp là từ 5 - 7 con/m2. Cua ăn tạp, dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, tỷ lệ sống cao.
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp quy hoạch bảo vệ cua dẹp ngoài tự nhiên; xây dựng mô hình nuôi và hướng dẫn kỹ thuật nuôi; đề xuất các nội dung bảo vệ, khai thác, phát triển bền vững nguồn lợi cua dẹp tại huyện Lý Sơn.
Cua dẹp là loài có giá trị kinh tế cao. Ảnh: ST. |
Các thành viên trong Hội đồng đánh giá đề tài đạt, hoàn thành cơ bản các nội dung, đảm bảo mục tiêu, khối lượng và chất lượng các sản phẩm đề ra.
Tuy nhiên, đề tài vẫn còn một số hạn chế, cần phải tiếp tục rà soát, chỉnh sửa. Một số nội dung chưa đảm bảo theo quy định của báo cáo khoa học. Đề tài chưa nêu rõ ý nghĩa khoa học và thực tiễn, cũng như vai trò quản lý và chức năng tham gia của chính quyền địa phương.
Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Văn Thành cho ý kiến tại cuộc họp. |
Các thành viên trong Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu giải đáp lý do cua dẹp có tỷ lệ sống cao nhưng sinh trưởng chậm; nguyên nhân khiến cho sản lượng và kích cỡ chưa đảm bảo; vì sao kỹ thuật nuôi, tốc độ tăng trưởng của cua nuôi tự nhiên và nuôi trong bể lại tương đồng nhau đến gần 90%... Trong 3 tuần, đơn vị chủ trì đề tài phải hoàn thiện các nội dung mà Hội đồng góp ý, sớm có văn bản báo cáo gửi đến Hội đồng và Sở KH&CN.
Cua dẹp (còn gọi là cua đá), chủ yếu sinh sống tại vùng biển Lý Sơn. Trong những năm gần đây, do nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, người dân khai thác theo cách tận diệt nên lượng cua ngoài tự nhiên trên đảo hiện còn rất ít, có nguy cơ tuyệt chủng. Đề tài là cơ sở khoa học, góp phần bảo tồn, phát triển và khai thác bền vững loài cua dẹp trong thời gian đến.
Tin, ảnh:
THIÊN HẬU