Tàu vũ trụ NASA cất cánh lên mặt trăng sau loạt trắc trở

08:11, 16/11/2022
.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hôm 16-11 cuối cùng đã phóng thành công tàu vũ trụ thuộc sứ mệnh Artemis 1 sau nhiều lần trì hoãn.
 
Tàu vũ trụ Orion sứ mệnh Artemis 1 đã rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida lúc 0 giờ 17 phút (giờ địa phương). Đây là bước khởi đầu đánh dấu thành công của NASA trong sứ mệnh Artemis nhằm đưa con người trở lại mặt trăng sau hơn nửa thế kỷ.
 
NASA ban đầu dự kiến phóng tên lửa Artemis 1 đưa tàu vũ trụ Orion lên mặt trăng từ cuối tháng 8 nhưng phải hoãn 2 lần do sự cố kỹ thuật. Sau đó, bão Ian và bão Nicole cũng khiến vụ phóng dời tiến độ.
 
NASA hôm 16-11 phóng thành công tàu vũ trụ thuộc sứ mệnh Artemis 1 sau nhiều lần trì hoãn. Ảnh: Reuters
NASA hôm 16-11 phóng thành công tàu vũ trụ thuộc sứ mệnh Artemis 1 sau nhiều lần trì hoãn. Ảnh: Reuters
Trong ngày phóng Artemis 1 vẫn có những sự cố xảy ra nhưng không khiến NASA phải hoãn vụ phóng. Các kỹ sư phát hiện rò rỉ hydro khi nạp nhiên liệu vào tên lửa và đã mất một tiếng để khắc phục.
 
Khoảng 24 máy ảnh được lắp đặt trên tên lửa và tàu vũ trụ, gồm 8 chiếc trên tên lửa đẩy SLS và 16 chiếc trên tàu vũ trụ Orion, để ghi lại hình ảnh quan trọng của sứ mệnh bao gồm cất cánh, hạ cánh, chụp ảnh trái đất và mặt trăng…
 
Trong sứ mệnh này, NASA sẽ thực hiện một chuyến bay thử nghiệm không người lái với tàu vũ trụ Orion kéo dài 25 ngày xung quanh mặt trăng, sau đó quay trở lại trái đất. Sứ mệnh sẽ kết thúc vào ngày 11-12.
 
Bên trong tàu là 3 hình nộm làm bằng vật liệu tái tạo sinh học, có nhiệm vụ thử nghiệm phản ứng trước mức độ rung, gia tốc và bức xạ. Đây được xem là 3 mối nguy hiểm đáng kể nhất đối với con người khi tiến vào không gian sâu.
 
Mục tiêu chính của hoạt động là thử nghiệm tính khả thi của tên lửa và tàu vũ trụ để đảm bảo an toàn cho sứ mệnh có phi hành đoàn, dự kiến diễn ra vào năm 2024.
 
Ông David Melendrez, trưởng nhóm tích hợp hình ảnh Chương trình Orion tại Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA ở Houston-Mỹ, cho biết: "Mỗi cánh pin năng lượng mặt trời trên tàu Orion đều có một camera thương mại gắn ở đầu đã được nâng cấp để sử dụng trong không gian, cung cấp tầm nhìn ra bên ngoài tàu vũ trụ".
 
Các cánh pin năng lượng có thể linh động điều chỉnh vị trí hướng của chúng so với phần còn lại của tàu vũ trụ, điều này nằm giúp tối ưu hóa việc thu thập ánh sáng mặt trời được chuyển đổi thành điện năng để cung cấp năng lượng cho Orion. 
 
Những kinh nghiệm từ lần phóng này sẽ được áp dụng cho sứ mệnh tiếp theo, lần lượt là Artemis 2 và Artemis 3 dự kiến được triển khai vào các năm 2024, 2025 hoặc 2026 với sự góp mặt của các phi hành gia trên tàu.
 
Theo Xuân Mai/NLĐO
 

.