Sau khi thực hiện cuộc gọi đầu tiên trên công nghệ 5G thành công, Viettel dự định sẽ triển khai thương mại hóa dịch vụ 5G từ năm 2020, với giá cước dự kiến không tính trên dung lượng sử dụng.
Cuộc gọi thử nghiệm mạng 5G đầu tiên của Viettel đạt tốc độ kết nối mạng di động 5G với thiết bị đầu cuối đạt từ 1,5 - 1,7 Gbps, vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE, tương đương với tốc độ của cáp quang thương mại - Ảnh: T.HÀ |
Ông Tào Đức Thắng, phó tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel cho biết: sau khi thử nghiệm thành công kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng thử nghiệm mạng di động 5G tại Hà Nội và TP.HCM và triển khai thương mại hóa dịch vụ 5G vào năm 2020.
"Bộ Thông tin và truyền thông sẽ công bố qui hoạch tần số cho 5G để sớm làm thủ tục cấp phép tần số 5G"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Về lộ trình triển khai 5G, ông Tào Đức Thắng cho biết sẽ có sự khác biệt so với phương trức triển khai công nghệ 4G trước đây.
Nếu như mạng 4G đã được triển khai đồng thời trên phạm vi toàn quốc, tăng trưởng liên tục, rất nhanh, năm sau lưu lượng gấp đôi năm trước, thì mạng 5G với đặc thù là cuộc cách mạng không chỉ cho viễn thông mà còn các dịch vụ khác ngoài viễn thông nên Viettel dự định sẽ triển khai theo định hướng chỗ nào có lưu lượng sử dụng cao thì sẽ tập trung phát triển 5G ở đó, thay thế cho cáp quang.
Vì thế, lộ trình triển khai 5G trong những năm đầu thương mại hóa dịch vụ này sẽ là các thành phố lớn là những nơi có mật độ sử dụng cao. Cụ thể, 5G sẽ bắt đầu được cung cấp dịch vụ thương mại hóa tại Hà Nội và TP.HCM từ 2020, và tại cả các tỉnh thành còn lại phục vụ eMBB từ 2021. Đến 2022, Viettel sẽ triển khai 5G tại tỉnh lỵ tất cả các tỉnh, thử nghiệm các dịch vụ độ trễ siêu thấp uRLLC, các dịch vụ mMTC.
Về phương án tính giá cước dịch vụ 5G, ông Thắng chia sẻ cũng sẽ có đột phát trong cách tính giá, Viettel đang tính toán các phương án giá khác nhau khi đưa 5G vào thương mại hóa, nhưng có thể sẽ không tính theo dung lượng sử dụng như các dịch vụ hiện nay mà theo kết quả trải nghiệm dịch vụ của khách hàng. Vì với tốc độ nhanh, độ trễ thấp, chất lượng cao của công nghệ 5G, dung lượng sẽ không phải là tiêu chí quan trọng nhất.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết "Khi cấp phép cho các doanh nghiệp thử nghiệm đã giao các nhiệm vụ về thử nghiệm công nghệ 5G ở khu vực tần số cao, 28Ghz, về khả năng phủ sóng của nó trong thành phố, thử nghiệm tốc độ cao, dung lượng lớn để chia tải với 4G, thử nghiệm các ứng dụng của 5G, trong đó bao gồm cả ứng dụng cho nhà máy thông minh, đô thị thông minh, IoT… và tính toán về bài toán kinh doanh 5G".
Cuộc gọi đầu tiên nằm trong chương trình thử nghiệm kỹ thuật do Viettel thực hiện trên công nghệ, thiết bị 5G của tập đoàn Erisson đã đạt tốc độ kết nối mạng di động 5G với thiết bị đầu cuối đạt từ 1,5 - 1,7 Gbps, vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE, tương đương với tốc độ của cáp quang thương mại.
Theo T. HÀ/Tuổi Trẻ Online