(Baoquangngai.vn)- Cây phong ba (danh pháp khoa học Heliotropium foertherianum) là loài cây thuộc họ vòi voi (Boraginaceae), sinh trưởng rải rác ở một số vùng ven biển, đảo ven bờ và đảo xa. Cây này được xem như là loài thực vật đặc chủng trên đảo Lý Sơn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Phong ba phát triển rất chậm, cây trưởng thành sau 10 năm chỉ cao 3-4m, chiều cao có thể tới 10–15 m, nhưng rất hiếm. Phong ba tái sinh bằng hạt và chồi; thân gỗ mềm, cong queo, phân cành thấp; cụm hoa xếp hai dãy nhỏ màu trắng. Quả phong ba hạch tròn đường kính khoảng 5–8 mm, mọc thành chùm, quả tươi màu xanh lục, nhưng do tác động của nhiệt độ và ánh nắng có thể ngả màu vàng hoặc nâu.
Cây phong ba trên vách nham thạch ở đảo Bé |
Do cây có biên độ sinh trưởng rộng, có thể phát triển tốt ở các vùng biển, đảo, chịu được gió bão, nước mặn và có thể sống tốt trên bãi cát san hô nên thường được trồng ven biển để chắn gió, cố định cát. Phong ba cũng được sử dụng làm cây bóng mát ven biển, cây cảnh quan cho các công trình. Gỗ phong ba dùng làm đồ thủ công, đồ dùng gia đình và chất đốt.
Phong ba là loại cây ở vùng nhiệt đới Châu Á, Madagasca, miền Bắc Australia, các đảo san hô của Malesia, cũng như ở nhiều đảo Micronesia và Đông Nam Polynesia.
Cây phong ba cổ thụ ở mé biển phía trước chùa Hang. |
Cư dân vùng New Caledonia và các dân tộc ở khu vực Thái Bình Dương, dùng cây phong ba để giảm độc tố ở cá Ciguatera, một loài cá biển có chứa chất độc ciguatoxin. Các nhà khoa học đã chứng minh lá cây phong ba có chứa acid rosmarinic, một chất có tính kháng virus, kháng khuẩn, chống oxy hóa và kháng viêm.
Chất chiếc bằng lá cây phong ba, acid rosmarinic và các dẫn chất của nó đã được chứng minh có khả năng làm giảm tác dụng độc của ciguatoxin - một độc chất gây triệu chứng tiêu chảy, nôn mửa và các triệu chứng thần kinh. Hằng năm có ít nhất 100.000 người, chủ yếu ở khu vực Thái Bình Dương bị nhiễm độc chất này. Ngoài ra, lá cây phong ba còn dùng làm thuốc chữa rắn biển cắn.
Các tài liệu về thực vật học và y học cho biết, tại Việt Nam cây mọc tự nhiên tại các đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Côn Đảo, Bãi Canh (Bà Rịa-Vũng Tàu), quần đảo Trường Sa (Khánh Hoà). Vùng biển Khánh Hoà đến Ninh Thuận cũng còn một ít cá thể sống rải rác. Trong các chuyến đi điền dã, chúng tôi cũng nhận thấy có sự xuất hiện của cây phong ba, dù khá hiếm, ở vùng ven biển Sa Huỳnh, Sa Kỳ, Mỹ Khê trong đất liền của tỉnh Quảng Ngãi.
Công trình nghiên cứu “Đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi” (2001) của nhóm tác giả do PGS, TS Lê Khắc Huy chủ biên có nhắc đến cây phong ba. Các tác giả công trình nghiên cứu này đánh giá, cây bàng vuông (Barringtonia asiatica) và cây phong ba là 2 loài cây điển hình “quý hiếm đặc hữu hẹp cho khu vực”. Tuy nhiên, tài liệu này lại chỉ đề cập sơ sài, không mô tả và cũng không xác định vùng phân bố cụ thể của cây phong ba ở Quảng Ngãi nói chung, ở đảo Lý Sơn nói riêng.
Quả phong ba |
Theo quan sát thực tế của chúng tôi, cây phong ba mọc hoang khá nhiều ở Lý Sơn, nhiều nhất là ở sườn núi, và chân núi Thới Lới, núi Giếng Tiền, đảo Bé. Đặc biệt, hàng phong ba mọc trước chùa Hang, sát mé biển, cây lá xanh tốt, cao gần 5m, đến mùa cho nhiều hoa trái rất đẹp. Phong ba cũng mọc trên những mỏm nham thạch núi lửa nhiều nơi trên đảo Bé (xã An Bình), đặc biệt là ở vách đá Mom Tàu và vách đá Bãi Hang (Bãi Sau).
Ở đây có những cây phong ba bám vào vách đá núi lửa cheo leo, thân cây gân guốc phơi mình trước gió biển lồng lộng và tiếng sóng ì ầm suốt ngày đêm. Hình ảnh cây phong ba trở thành biểu tượng đẹp và kiên cường của người dân đất đảo, luôn bền gan vững chí trước trùng trùng thử thách đến từ phía biển khơi.
Một số nghệ nhân chơi cây cảnh ở Lý Sơn cũng đã nhân giống cây phong ba, phối ghép với các khối đá núi lửa hoặc san hô, tạo dáng khá sinh động. Gần đây, nhiều du khách đến thăm Lý Sơn cũng đã mua những chậu phong ba dạng bon sai để mang về chơi và làm kỷ niệm.
Phong ba là loài cây đặc hữu, chịu đựng và sinh trưởng trong môi trường nắng gió khắc nghiệt của vùng biển đảo. Chính quyền huyện Lý Sơn cần có biện pháp khuyến khích người dân bảo tồn, phát triển giống cây này trong tự nhiên để làm cây chắn gió, kết hợp tạo cảnh quan môi trường, đồng thời nghiên cứu nhân giống làm cây kiểng, để có thêm một kiểu dạng sinh vật cảnh độc đáo, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của người dân và du khách.
Lê Hồng Khánh