Công trình máy in nhựa 3D của Trường ĐH Phạm Văn Đồng: Đạt giải Sáng tạo trẻ toàn quốc

11:03, 23/03/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với lòng đam mê nghiên cứu khoa học, nhóm giảng viên và sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng đã sáng tạo ra máy in chi tiết nhựa 3D, bắt kịp xu hướng công nghệ hiện đại của thế giới.

TIN LIÊN QUAN


Dù khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, hai năm qua, nhóm sinh viên và giảng viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng (2 sinh viên, 2 giảng viên) đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy in 3D này. Sinh viên Lê Lâm - Khoa Kỹ thuật công nghệ cho biết: Khi tìm hiểu về mô hình này, em và bạn Khoa (cùng lớp) ngay lập tức có ý tưởng sẽ làm, vì nó rất hay và thiết thực trong cuộc sống, nhất là thích chi tiết gì, chẳng hạn như các con vật, bình hoa… thì thiết kế trên máy tính rồi in ra nên chúng em rất thích. Tuy nhiên, ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, vì không biết mua thiết bị ở đâu và cấu tạo cũng tương đối phức tạp, nhưng khi trao đổi với các thầy trong khoa và được hướng dẫn thì mọi việc trôi chảy.

Sinh viên Lê Lâm (bên trái) và thầy giáo Trần Thanh Tùng (bên phải) giới thiệu mô hình in 3D cho các sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng.
Sinh viên Lê Lâm (bên trái) và thầy giáo Trần Thanh Tùng (bên phải) giới thiệu mô hình in 3D cho các sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng.

 

“Máy in chi tiết nhựa 3D” được ứng dụng công nghệ thiết kế mẫu tự động nhờ sự hỗ trợ của máy tính để có thể tạo sản phẩm 3D với nhiều loại vật liệu khác nhau. Sau khi thiết kế, tạo mẫu trên máy tính, thiết bị được kết nối với máy in 3D để cho ra sản phẩm. In 3D tạo ra chi tiết bằng cách in từng lớp vật liệu, xếp chồng lên nhau. Mực in chính là vật liệu muốn áp lên vật thể 3D như nhựa, giấy, bột, polyme hay kim loại.

Hiện nay, trên thế giới, công nghệ in 3D đang được phát triển và ứng dụng đa dạng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp cũng như đời sống. Sản phẩm của công nghệ 3D có mặt hầu hết các lĩnh vực như sản xuất, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng.

Tại Việt Nam ứng dụng in 3D bắt đầu được sử dụng vào nhiều lĩnh vực, nhất là trong may mặc, thiết kế thời trang, y tế, chăm sóc sức khỏe, an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, việc nghiên cứu máy in 3D ở Việt Nam hầu như không có. Máy nhập khẩu thì giá thành cao. Vì vậy, việc nghiên cứu và chế tạo máy in 3D với chi phí chỉ bằng 1/4 giá trị máy nhập khẩu của nhóm tác giả ở Trường ĐH Phạm Văn Đồng là rất cần thiết. Thạc sĩ Trần Thanh Tùng - Khoa Kỹ thuật công nghệ, cho biết: Máy in 3D có thể thiết kế, sáng tạo ra chi tiết mà trước đây đòi hỏi thời gian dài. Với máy in 3D, từ khi có ý tưởng chi tiết, đưa vào máy tính cho ra sản phẩm rút ngắn thời gian. Đây là công nghệ của tương lai.

Với ứng dụng thực tế của mình, công trình "Máy in chi tiết nhựa 3D" là 1 trong số 33 công trình được biểu dương tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ VIII diễn ra tại Hà Nội vào tháng 12.2015. Hiện nay, nhóm đang tiếp tục nghiên cứu để cải tiến, tối ưu hóa hoạt động của máy in chi tiết nhựa 3D này. Trong tương lai không xa, nhóm tác giả trẻ này mong muốn có những bước phát triển mới về công nghệ, đưa máy in 3D gần hơn, trực quan hơn với mọi người và ứng dụng nhiều hơn trong các lĩnh vực.

Bài, ảnh: Thanh Thuận

 


.