(Baoquangngai.vn)- Với mục tiêu hướng tới một nền hành chính điện tử, thời gian qua việc triển khai ứng dụng mô hình "Một cửa điện tử" trong giải quyết các thủ tục hành chính công bước đầu đã tạo hiệu quả rõ nét, giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp thuận tiện nhất khi thực hiện các thủ tục hành chính.
TIN LIÊN QUAN
Giải quyết nhanh chóng, giảm phiền hà
Sơn Hà là một trong những địa phương được tỉnh chọn làm thí điểm mô hình “Một cửa điện tử”, mô hình chính thức đi vào hoạt từ tháng 1.2013. Mặc dù đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng hiện hệ thống này đã thể hiện được sự thuận lợi, minh bạch trong việc thực hiện các dịch vụ hành chính công.
Vừa làm xong thủ tục đăng ký kinh doanh tại bộ phận "Một cửa điện tử", ông Nguyễn Lâm ở thị trấn Di Lăng vui vẻ nói với chúng tôi: Hiệu quả đầu tiên từ mô hình này là giảm phiền hà cho dân, không phải mất thời gian đi lại nhiều lần khi đến giải quyết thủ tục hành chính. Việc công bố kết quả xử lý hồ sơ đưa lên môi trường mạng thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân tiện tra cứu, theo dõi. Chỉ cần vài cái nhấp chuột trên máy tính, người dân có thể biết tiến độ giải quyết hồ sơ, thủ tục của mình.
Ông Nguyễn Phong- Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà nhận định: Qua thời gian triển khai thực hiện cơ chế một cửa hiện đại, các thủ tục hành chính phục vụ của các tổ chức, cá nhân bước đầu được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, được các tổ chức, cá nhân đồng tình ủng hộ. Công tác kiểm tra, kiểm soát việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết hồ sơ được tăng cường, tạo điều kiện cho lãnh đạo của các cơ quan kiểm tra, theo dõi tình hình xử lý hồ sơ để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở cán bộ thụ lý hồ sơ thực hiện xử lý và giao trả đúng hẹn.
Minh chứng cho hiệu quả của việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa hiện đại, ông Nguyễn Phong phấn khởi cho biết: Qua 8 tháng hoạt động, bộ phận một cửa hiện đại của Sơn Hà đã tiếp nhận, xử lý 2.026 hồ sơ thuộc các lĩnh vực: Đất đai, đăng ký kinh doanh, tư pháp- hộ tịch, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng minh nhân dân và lĩnh vực thuế, trong đó trả hẹn đúng 1.990 hồ sơ, đạt 93%.
Ứng dụng mô hình một cửa hiện đại trong giải quyết các thủ tục hành chính công giúp giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân. |
Không riêng gì huyện Sơn Hà, tại TP.Quảng Ngãi, mô hình "Một cửa điện tử" sau khi được triển khai và đi vào hoạt động đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ trong cán bộ, các tổ chức và cá nhân trong thành phố. Hằng ngày, số lượng hồ sơ của tổ chức, công dân nộp vào bộ phận "một cửa điện tử" rất lớn, ước tính mỗi ngày bộ phận này tiếp nhận khoảng 60 hồ sơ các loại.
Qua quan sát tại bộ phận "Một cửa điện tử" của UBND TP. Quảng Ngãi, người dân đến không có tình trạng chen lấn, xô đẩy mà đều lần lượt xếp theo thứ tự. Tất cả quy trình đều được tự động hóa và điều khiển bằng hệ thống máy tính nên quá trình giải quyết thủ tục hành chính đều bình đẳng và công khai.
“Qua nhiều lần đến giao dịch công việc, tôi nhận thấy, hiện nay việc giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa điện tử” của UBND TP.Quảng Ngãi diễn ra tiện lợi, nhanh chóng và rõ ràng hơn trước kia. Hồ sơ, thủ tục đều được giải quyết trong thời gian quy định, không còn phải đi lại nhiều lần...”- chị Huỳnh Thị Xuân ở phường Chánh Lộ chia sẻ.
Ông Nguyễn Tiến Dũng- Phó Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi cho biết: Chúng tôi đang thực hiện mức 2 của thủ tục hành chính công, người dân có thể truy cập Internet để lấy các biểu mẫu thủ tục hành chính về ghi các thông tin, rồi đến các bộ phận một cửa, sẽ có cán bộ hướng dẫn rất cụ thể. Khi cán bộ kiểm tra hồ sơ đầy đủ về mặt pháp lý thì nhận hồ sơ đó và ghi giấy hẹn ngày trả. Hồ sơ này sẽ được chuyển cho các bộ phận chức năng theo đúng quy trình và thời gian yêu cầu. Đến ngày hẹn, người dân quay lại bộ phận một cửa để nhận hồ sơ.
"Phần mềm một cửa hiện đại tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, giảm phiền hà cho người dân. Đồng thời, giúp chính quyền thành phố điều hành, chỉ đạo công việc tốt hơn"- ông Nguyễn Tiến Dũng- Phó Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi nhận định.
Cán bộ tại bộ phận một cửa TP.Quảng Ngãi hướng dẫn người dân làm thủ tục hồ sơ kê khai thuế. |
Nâng cao vai trò "nhạc trưởng"
Có thể nói, trong thời gian qua, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý hành chính Nhà nước bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, mang lại nhiều nét mới trong hoạt động của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT thời gian qua để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả đem lại chưa thật sự như mong muốn.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông cho biết: Hiện nay, hầu hết các sở, ngành đều đã cài đặt các phần mềm cải cách hành chính và đã được tập huấn đào tạo, song hiệu quả khai thác ở từng đơn vị một vẫn còn những điều đáng bàn. Để việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính có hiệu quả thì, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị ấy phải phải được nâng cao.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Ánh Lan -Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng: Sự quyết tâm của lãnh đạo là yếu tố then chốt cho sự thành công của ứng dụng CNTT. Giống như bất kỳ cuộc cải cách phương thức làm việc nào, quyết tâm cải tổ là yếu tố cần có, nếu có sự năng động tích cực, cộng với nguồn tài chính và sự phối hợp trong và ngoài thống nhất, dự án CNTT sẽ duy trì được lâu.
Tại hội thảo "Giải pháp công nghệ một cửa cửa điện tử hiện đại phục vụ xây dựng chính quyền điện tử" được tổ chức gần đây, nhiều đại biểu cho rằng: Khó khăn lớn nhất trong công tác ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính hướng đến xây dựng chính quyền điện tử không phải là vấn đề hạ tầng kỹ thuật và phần mềm, không phải vấn đề về quy trình thủ tục hành chính mà vấn đề lớn nhất hiện nay chính là cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về CNTT chưa hoàn thiện và đồng bộ.
Phấn đấu đến năm 2015, có tối thiểu 12 dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 4; đảm bảo tối thiểu 60% người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thế qua mạng; 30% số hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng được nộp qua mạng; 80% cấp huyện triển khai một cửa điện tử; hơn 50% sở ban ngành có ứng dụng CNTT hoặc một cửa điện tử tại bộ phận một cửa; xây dựng và hình thành trên 30 cơ sở dữ liệu trọng điểm. 100% cơ quan nhà nước tham gia vào hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng. |
Bên cạnh đó, với thói quen thủ công và ngại thay đổi phương thức làm việc của một bộ phận cán bộ công chức, nếu không có quy chế bắt buộc, không có sự tham gia của lãnh đạo thì chắc chắn CNTT dù nỗ lực đến mấy cũng đứng ngoài cuộc và triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính sẽ mãi ở điểm khởi đầu.
Để chủ trương về ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Giám đốc Sở TT& TT cho biết: "Trên cơ sở kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện, Sở sẽ tổ chức các đợt thanh kiểm tra các cơ quan thực hiện các vấn đề ứng dụng CNTT và Sở cũng đang đề xuất UBND tỉnh ban hành việc đánh giá chỉ số Index của Quảng Ngãi hằng năm để qua đó lưu ý các sở, ngành, địa phương về ứng dụng CNTT của mình như thế nào. Đồng thời, đưa việc ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính là một tiêu chí để xét thi đua khen thưởng đối với tập thể, cũng như cá nhân".
PV