Sản xuất gạch không nung từ nguồn xúc tác FCC

03:06, 12/06/2013
.

(QNg)- Tận dụng nguồn xúc tác FCC đã qua sử dụng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Công ty CP Cơ-Điện-Môi trường Lilama đã tái chế thành công sản phẩm gạch không nung phục vụ cho xây dựng dân dụng và công nghiệp, góp phần giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo việc làm cho người lao động, đồng thời mở ra hướng sản xuất mới cho ngành vật liệu xây dựng.
 

TIN LIÊN QUAN


Hằng năm, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thải ra khoảng 1.540 tấn chất thải xúc tác FCC. Chất xúc tác FCC đã mất hoạt tính sẽ trở thành chất thải thuộc loại nguy hại, bề mặt xúc tác đã bị đầu độc bởi các kim loại nặng, các hydrocacbon và bị cốc hoá. Kích thước hạt giảm do xúc tác bị vỡ vụn, vì thế bụi của chúng có khả năng gây bệnh bụi phổi silic, ung thư khi tiếp xúc và hít phải liên tục trong thời gian dài. Tuy nhiên, thành phần chính của chất xúc tác FCC đã qua sử dụng là Zeolit, pha nền (SiO2, Al2O3...) tương tự như các hợp chất aluminosilicat trong vật liệu xây dựng.

 

Nhận thấy có thể tái chế kết hợp với xử lý các tác nhân gây hại nêu trên và để tạo ra gạch không nung dùng trong xây dựng, Công ty CP Cơ-Điện-Môi trường Lilama cùng các nhà khoa học của Trường ĐH Quy Nhơn đã bắt tay vào nghiên cứu sản xuất gạch không nung (GKN) từ xúc tác FCC đã qua sử dụng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

 

 Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất gạch không nung từ xúc tác FCC đã qua sử dụng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất gạch không nung từ xúc tác FCC đã qua sử dụng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.



Công nghệ được lựa chọn để sản xuất GKN từ xúc tác FCC đã qua sử dụng là công nghệ hoạt hoá nước kết hợp với kỹ thuật nén ép GKN bằng máy ép gạch thuỷ lực, lực ép tối đa có thể lên tới 130kg/cm2.

Với công nghệ trên, sản phẩm GKN của công ty đảm bảo đạt các tiêu chuẩn về xây dựng và môi trường; đồng thời công nghệ này không chỉ phù hợp với xúc tác FCC thải ra từ cracking với nguồn nguyên liệu đầu vào hiện nay của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là dầu ngọt, mà còn đáp ứng được trường hợp Nhà máy thay đổi nguồn nguyên liệu khác (dầu chua, dầu nặng...)

Dây chuyền sản xuất GKN có công suất 2 triệu viên/năm, tương đương với lượng thải xúc tác FCC hằng năm là 1.540 tấn từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.  Hiện tại, sản phẩm đã được đưa vào sử dụng ngay trong các công trình xây dựng và cải tạo khu vực thu gom, xử lý và tái chế chất thải của Công ty CP Cơ -Điện-Môi trường Lilama tại Bình Sơn.

 

Thời gian tới, công ty sẽ cung cấp GKN cho thị trường trong tỉnh và khu vực; đồng thời  tiếp tục nghiên cứu sản xuất GKN từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau và thay đổi mẫu mã sản phẩm (kích thước, gạch đặc hoặc có lỗ...) để cung ứng cho nhu cầu của thị trường, ông Huỳnh Vĩnh Phúc - Phó Giám đốc Khu Liên hiệp xử lý và tái chế chất thải EME - Dung Quất, Công ty CP Cơ - Điện - Môi trường Lilama cho biết.

 

Bài, ảnh: Phương Dung
 


.