Ngày 20-8, Mỹ và Anh trừng phạt một số quan chức và tổ chức của Nga có liên quan đến vụ việc chính trị gia đối lập người Nga - ông Alexei Navalny - bị đầu độc một năm trước.
[links()]
Chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny - Ảnh: REUTERS |
Theo Hãng tin AFP, tất cả những cá nhân trong tuyên bố trừng phạt chung đều là thành viên của Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB), và bị cho là có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vụ đầu độc ngày 20-8-2020.
Đồng thời, hai nước cũng ra tuyên bố chung cảnh báo Nga về chương trình vũ khí hóa học của nước này.
Ngoài ra, theo Reuters, Mỹ cũng trừng phạt riêng hai quan chức và bốn thực thể của Nga có liên quan đến nghiên cứu vũ khí hóa học hoặc ý đồ ám sát ông Navalny.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab cho biết các biện pháp trừng phạt nói trên là thông điệp cảnh báo tới Nga.
"Chúng tôi đang gửi đi thông điệp rõ ràng rằng mọi hoạt động sử dụng vũ khí hóa học của Nga đều vi phạm luật pháp quốc tế", ông Raab thêm.
Ông Navalny đã được đưa đến Đức điều trị sau khi bị đầu độc ở Siberia hồi năm ngoái bằng chất độc mà các chuyên gia phương Tây kết luận là chất độc thần kinh Novichok.
Nga bác bỏ cáo buộc của phương Tây về vụ việc này.
Tại Matxcơva, ngày 20-8, Bộ Ngoại giao Nga đã lên án các biện pháp trừng phạt "đơn phương, bất hợp pháp" của Anh và Mỹ.
"Nga đã nhiều lần kêu gọi Anh và các đối tác của nước này đưa ra chứng cứ cho những cáo buộc của họ. Tuy nhiên Anh và các đối tác vẫn tiếp tục phớt lờ những lời kêu gọi đó", bà Maria Zakharova - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga - nói.
Theo AFP, ngày 20-8, Mỹ cũng đã đưa thêm 2 người Nga và 1 thực thể khác nữa vào danh sách đen trừng phạt do có liên quan đến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2).
Dự án Nord Stream 2 sẽ dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu nhưng không đi qua Ukraine, làm mất nguồn thu phí đường ống dẫn khí đốt của chính quyền Kiev. Mỹ cũng phản đối dự án này với cáo buộc dự án đe dọa an ninh năng lượng tại châu Âu.
Theo ANH THƯ/Tuoitre.vn