Tức giận vì thỏa thuận hòa bình bất lợi ở Nagorno-Karabakh với phía Azerbaijan, người biểu tình Armenia đã xông vào kiểm soát các tòa nhà chính phủ, thậm chí đánh ngất xỉu Chủ tịch Quốc hội.
Người biểu tình Armenia phản ứng giận dữ bên trong tòa nhà Quốc hội (Ảnh: Reuters) |
Theo Guardian, thỏa thuận hòa bình do Nga làm trung gian giữa Armenia và Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh đã gây ra phản ứng đối lập giữa 2 nước Liên Xô cũ khi nó đi vào hiệu lực hôm 10/11.
Trong khi người dân Azerbaijan ăn mừng vì họ đã giành lại quyền kiểm soát được những phần lãnh thổ quan trọng, người Armenia tỏ ra giận dữ và đã xuống đường biểu tình, chiếm các tòa nhà chính phủ trong khoảng thời gian ngắn.
Các cuộc biểu tình nổ ra ở thủ đô Yerevan khi hàng trăm người xuống đường, đột kích các cơ quan chính phủ hôm 10/11. Đám đông tiến vào tòa nhà cơ quan lập pháp, đập phá, ném đồ vật khiến Chủ tịch Quốc hội Armenia Ararat Mirzoyan bị đánh ngất.
Tại các nơi khác, cửa sổ bị ném vỡ, mảnh kính vương vãi. Người biểu tình hô: “(Thủ tướng Armenia) Nikol Pashinyan đã phản bội chúng ta”.
Azerbaijan tuyên bố "thỏa thuận lịch sử", Armenia nói “thỏa thuận đau đớn”
Thỏa thuận hòa bình được công bố vào đêm 9/11 kích hoạt việc Nga bắt đầu chuyển gần 2.000 quân nhân tới khu vực điểm nóng để làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev gọi đây là thỏa thuận lịch sử sau 6 tuần giao tranh quyết liệt với Armenia. Trong khi đó, Thủ tướng Pashinyan mô tả đây là “thỏa thuận đau đớn”.
Ngày 10/11, Tổng thống Aliyev cho biết ngoài Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ được phép triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Nagorno-Karabakh, nhưng Nga sau đó đã phủ nhận điều này. Giới chuyên gia đánh giá đây là một thành công của Azerbaijan, tuy nhiên nó không phải là hiệp ước hòa bình toàn diện vì một số điểm của lệnh ngừng bắn vẫn “mơ hồ”.
Ông Pashinyan và lãnh đạo ở khu vực Nagorno-Karabakh nói rằng họ buộc phải ký thỏa thuận hòa bình, trong bối cảnh Azerbaijan đã giành lại được khu vực chiến lược Shusha và có thể tấn công vào thành phố lớn nhất khu vực - Stepanakert.
Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan năm nay được xem là tồi tệ nhất kể từ năm 1994. Hàng nghìn người đã thiệt mạng và hàng trăm nghìn người khác buộc phải di dời khi 2 bên tấn công lẫn nhau kể từ ngày 27/9.
Theo Đức Hoàng/Dân Trí