Xây dựng Quảng Ngãi thành điểm đến hấp dẫn

02:01, 11/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Đề án phát triển du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành du lịch và các địa phương đã đẩy mạnh phát triển 3 dòng sản phẩm chủ đạo là du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Đây là tiền đề để xây dựng du lịch Quảng Ngãi trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước.
[links()]
 
 Khám phá Quảng Ngãi
 
Quảng Ngãi là vùng đất của những biến động địa chất hàng triệu năm kiến tạo. Từ một Lý Sơn sống động về văn hóa, lịch sử, được hình thành từ những lớp nham thạch núi lửa, vùng biển đảo đến đồng bằng hay vùng núi cao đều chứa đựng những bí ẩn, kỳ thú. Quảng Ngãi cũng là vùng đất địa linh nhân kiệt, tràn ngập màu sắc văn hóa. Một nơi mà cổ đại và hiện đại nối tiếp, hòa quyện văn hóa giữa các tộc người sinh sống và cộng cư tạo nên những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc.
 
Vận động viên nhảy dù lượn trên bầu trời Lý Sơn. Ảnh: Kim Ngân
Vận động viên nhảy dù lượn trên bầu trời Lý Sơn. Ảnh: Kim Ngân
Cho đến hôm nay, tinh hoa của các nền văn hóa cổ của Việt Nam như Sa Huỳnh, Chămpa và văn hóa Đại Việt vẫn còn thấm đẫm trong từng di tích, di chỉ văn hóa, trong lối sống, phong tục, tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian, nghệ thuật ẩm thực của cư dân bản địa. Trong đó, nổi bật là Di tích Văn hóa Sa Huỳnh được phân bố ở 5 địa điểm là Long Thạnh, Phú Khương, Thạnh Đức, đầm An Khê và quần thể di tích Chămpa (TX.Đức Phổ). Quảng Ngãi được xem là cái nôi của Văn hóa Sa Huỳnh với 26 di tích được khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu...
 
Đầm An Khê là không gian sinh tồn của cư dân cổ Sa Huỳnh, tiếp nối là cư dân Chămpa và sau này là Đại Việt, xứng đáng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và trong tương lai có thể xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
 
Một điểm đến nổi tiếng khi đến Sa Huỳnh không thể bỏ qua, đó là làng Gò Cỏ ở phường Phổ Thạnh. Gò Cỏ được xem như "viên ngọc quý" của ngành du lịch Quảng Ngãi. Ngôi làng cổ nghìn năm tuổi vẫn giữ cho mình một diện mạo dân dã đã và đang được đầu tư phát triển thành du lịch cộng đồng, thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm... Tất cả những lợi thế ấy là điều kiện để Quảng Ngãi tập trung phát triển du lịch ở phía nam của tỉnh.
 
Cùng với đó, đảo Lý Sơn được ví như hòn ngọc giữa biển khơi, là bảo tàng sống động về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di sản địa chất núi lửa giữa biển và là nơi lưu giữ nhiều tài liệu quý giá về lịch sử xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông từ nhiều thế kỷ trước.  Hiện nay, trong định hướng của tỉnh và chỉ đạo của trung ương, đảo Lý Sơn đang được đầu tư phát triển để trở thành trung tâm du lịch quốc gia...
 
Quảng Ngãi còn là nơi có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút du khách trong hành trình tìm về lịch sử, về những giá trị văn hóa như Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Khu chứng tích Sơn Mỹ, điện Trường Bà, Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, chùa Hang, đình làng An Vĩnh, đình làng An Hải... Bên cạnh đó, việc hòa mình vào các lễ hội truyền thống như Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, đua thuyền tứ linh, nghinh ông, cầu mùa, lễ hội ăn trâu, tết ngã rạ... sẽ giúp du khách trải nghiệm cuộc sống tại đây với những người dân địa phương thân thiện và hiếu khách.
 
Quảng Ngãi còn là nơi hòa hợp của những dòng sông xen lẫn núi đồi, ghềnh thác cùng với đường bờ biển trải dài hơn 130km có nhiều bãi tắm thơ mộng, các tuyệt tác thiên nhiên độc đáo, tạo nên tiềm năng du lịch sinh thái đa dạng như bãi biển Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Gành Yến, thác Trắng, suối Chí, bàu Cá Cái, rừng dừa nước Cà Ninh...
 
Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Tiến Dũng, Quảng Ngãi đã hoàn thành logo nhận diện thương hiệu du lịch "Khám phá Quảng Ngãi", dựa trên 2 giá trị cốt lõi là biển đảo và văn hóa Sa Huỳnh. Việc cần làm để đưa du lịch Quảng Ngãi phát triển là đánh giá khả năng đáp ứng cho du khách trong từng phân khúc thị trường của Quảng Ngãi so với các tỉnh, thành phố trong vùng. Trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch thu hút đầu tư và tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng, giá trị gia tăng cao và chú trọng vào dòng khách chuyên biệt để tạo nên sức cạnh tranh, từng bước đưa du lịch Quảng Ngãi phát triển.
 
Tiếp tục đầu tư phát triển du lịch
 
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định: “Phát triển du lịch biển, đảo trở thành loại hình du lịch chủ đạo, lấy Lý Sơn làm hạt nhân. Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh trên cơ sở nâng tầm giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh, Trường Lũy Quảng Ngãi, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể”. Cùng với đó, hạ tầng ven biển của tỉnh và đảo Lý Sơn được quan tâm đầu tư, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn như đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh; cầu Cổ Lũy; hạ tầng Khu du lịch Sa Huỳnh, Khu du lịch Mỹ Khê, Khu văn hóa tâm linh Thiên Mã... Đây là những điều kiện thuận lợi để ngành du lịch phấn đấu đến năm 2025 thu hút trên 1,8 triệu lượt khách (riêng khách quốc tế đạt 145 nghìn lượt), tốc độ tăng trưởng khách quốc tế giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5%/năm và khách nội địa tăng 8,5%/năm.
 
Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận (Bình Sơn) là điểm du lịch sinh thái thu hút du khách trong thời gian gần đây.    ẢNH: ANH TRUNG
Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận (Bình Sơn) là điểm du lịch sinh thái thu hút du khách trong thời gian gần đây. ẢNH: ANH TRUNG
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh, theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy và Đề án phát triển du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Ngãi sẽ tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dịch vụ du lịch, tạo động lực cho phát triển kinh tế đa ngành. Cùng với đó, thực hiện bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di chỉ khảo cổ, công trình kiến trúc nghệ thuật... phục vụ cho phát triển du lịch.
 
Quảng Ngãi đang tập trung thu hút đầu tư, phấn đấu đến năm 2030 có 2 khu du lịch cấp quốc gia là Khu du lịch Mỹ Khê và Khu du lịch Lý Sơn; 4 khu du lịch cấp tỉnh và 6 điểm du lịch. Đồng thời, phát triển mạnh 3 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo, trong đó lấy du lịch biển, đảo làm mũi nhọn, du lịch văn hóa làm trọng tâm và du lịch sinh thái làm nền tảng cho phát triển du lịch bền vững. Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại huyện Lý Sơn, làng Gò Cỏ, trải nghiệm văn hóa Hrê tại huyện Ba Tơ; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tham gia làm du lịch, kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch theo mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn...
 
Quảng Ngãi đang xây dựng và triển khai Đề án “Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch”, đáp ứng nhu cầu của du khách; phát triển các sản phẩm công nghệ 4D, VR360 phục vụ trải nghiệm cho du khách tại một số điểm du lịch trong tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường liên kết với các địa phương trọng điểm về du lịch, nhất là các tỉnh, thành phố trong liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tạo thành chuỗi liên kết phát triển du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
 
 KIM NGÂN 
 
                                                                                                                                        
 

.