Trường đầu tiên dạy làm báo

12:01, 16/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 10/2022, tôi có chuyến đi thăm tỉnh Thái Nguyên. Người nhiệt tình tiếp đón và làm “hướng dẫn viên” cho tôi trong chuyến đi này là nhà báo Phan Hữu Minh - người có công lớn tìm ra địa điểm đặt Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trước kia. 
 
Anh Phan Hữu Minh, nguyên là Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên, Giám đốc Đài PT - TH Thái Nguyên, sau đó công tác tại Hội Nhà báo Việt Nam, hiện đã nghỉ hưu. Tôi về Thái Nguyên được anh đưa đến thăm Di tích lịch sử địa điểm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, ở xã Tân Thái, huyện Đại Từ.
 
Tác giả và nhà báo Phan Hữu Minh (bên phải) tại Di tích lịch sử quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.                                          Ảnh: PV
Tác giả và nhà báo Phan Hữu Minh (bên phải) tại Di tích lịch sử quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: PV
Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Bác Hồ đặt tên. Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876, ở làng Thanh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Cụ đỗ đạt cao, không chịu làm quan cho Pháp, bị đày ở Côn Đảo 13 năm... Ra tù, con đường quan lộ của cụ Huỳnh thật thênh thang nhưng cụ chối bỏ. Năm 1927, cụ làm chủ bút tờ “Tiếng Dân”. Hầu hết các bài xã luận trên tờ báo này kích thích lòng yêu nước của độc giả đều do cụ viết. Bản lĩnh chủ bút ấy của cụ Huỳnh đã làm nên tên tuổi cụ. Năm tròn 70 tuổi, cụ Huỳnh được Bác Hồ mời tham gia Chính phủ Liên hiệp, giữ chức Bộ trưởng Nội Vụ. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô, cụ Huỳnh được cử làm Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 
Ngày 4/4/1949, đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Tổng bộ Việt Minh đọc diễn văn tại lễ khai trường. “Lớp mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng bởi ngoài các phẩm chất của người yêu nước, là đức tính căn bản của một ký giả”, đồng chí Hoàng Quốc Việt khẳng định. Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ có lớp đầu tiên và duy nhất, sau đó do điều kiện khó khăn nên không mở lớp. Lớp có 42 học viên, giảng viên gồm các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Quang Đạm... giảng dạy nhiều bộ môn mà người viết báo cần phải trau dồi. Thời gian đào tạo chỉ có 3 tháng nhưng học viên lĩnh hội một chương trình đồ sộ gồm 3 phần: Lý thuyết, chuyên môn và thực hành.
 
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên là nơi an toàn khu tuyệt mật. Chính vì điều này, ít người biết đến địa điểm của trường. Từ năm 1975, việc đắp đập dâng nước của hồ Núi Cốc đã bắt đầu, 20 hộ dân xóm ven sông này chuyển đi, một dải đồi núi cao thành rừng do người dân xóm Gốc Mít bảo vệ, canh tác, vị trí của trường còn đó và tên xóm Bờ Rạ là kỷ niệm đẹp một thời. Nhưng do thời gian đã lâu và các học viên của lớp đã cao tuổi, khuất dần, ít ai nhớ được địa điểm chính xác nơi đặt Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. 
 
Anh Phan Hữu Minh kể, bước sang thế kỷ XXI thì tất cả các địa điểm di tích liên quan đến báo chí, văn hóa, văn nghệ, điện ảnh... ở An toàn khu Thái Nguyên đều làm xong, duy chỉ có địa chỉ Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1949 vẫn còn mơ hồ trong hoài niệm. May là lúc làm phóng viên báo Đảng địa phương, chúng tôi thường tham gia các đoàn về nguồn, tìm hiểu kỹ về lịch sử... Nhiều học viên cũ của trường mà chúng tôi đưa đến đây đều nhớ rằng trường nằm tại địa điểm Bờ Rạ, và có lẽ một vài địa điểm đã chìm xuống lòng hồ. “Một người cháu gửi tặng cuốn “Đường tới Bờ Rạ” của tác giả Andrew Hardy do Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp xuất bản năm 2008. Đọc xong cuốn sách dày 122 trang, tôi thấy có nhiều thông tin quan trọng. Hơn nữa, cái tên Bờ Rạ, Gốc Mít đã gây sự chú ý, có một phần khác từ chính các học viên lớp làm báo duy nhất trong kháng chiến chống Pháp này để lại qua các trang viết và câu chuyện kể. Đến năm 2019, kỷ niệm 70 năm ngày trường ra đời, mọi việc tìm kiếm được khởi động lại trôi chảy. Cuối cùng thì bia di tích lịch sử quốc gia Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được dựng và là di tích cấp quốc gia thứ 49 của An toàn khu Thái Nguyên”, anh Minh nói.
 
HUỲNH DŨNG NHÂN
 
 

.