Thoại Văn, người thầy và nghiệp văn chương

03:09, 16/09/2022
.
 
Tác giả Thoại Văn.                    ẢNH: NVCC
Tác giả Thoại Văn. ẢNH: NVCC
(Báo Quảng Ngãi)- Gắn trọn đời mình với nghề dạy học, nhưng nghiệp văn chương lại đeo đuổi Thoại Văn. Thoại Văn tên thật là Nguyễn Văn Thoại, sinh năm 1954, quê xã Hành Thuận (Nghĩa Hành). 
 
Đến nay, Thoại Văn đã xuất bản 6 tập truyện, gồm "Kẻ nợ đời nhau", "Mùa lá dong", "Bóng đổ" và "Nắng bạc", “Mong manh sợi khói”, “Bóng chiều”. Truyện ngắn của Thoại Văn đề cập đến nhiều vấn đề của cuộc sống. Nhưng hình như nghề nào nghiệp nấy, anh cứ mãi đau đáu nghề dạy học và nghiệp văn chương. Người thầy và "người văn" cứ theo dòng truyện Thoại Văn san sẻ với người đọc rất nhiều về “đạo làm thầy” và “đạo văn chương”. Là thầy giáo gắn cả đời mình với học sinh ở vùng cao, vốn thực tế đã trở thành một thế mạnh của ngòi bút Thoại Văn.
 
Sự chỉn chu của nhà giáo giúp anh có những quan sát tỉ mỉ và biết chọn lọc những chuyện đời, chuyện người trên những vùng đất mà anh gắn bó đưa vào trang viết và dựng lên thành truyện. Nhưng với văn chương, đứng trước sự bề bộn của hiện thực cuộc sống, dù giàu có tư liệu mà không có sự rung động sâu xa trong tâm hồn thì nhất định không bao giờ sáng tạo nên những giá trị thẩm mỹ. Đọc ở trang viết nào chúng ta cũng nhận ra bóng dáng cái tôi của người thầy giáo Thoại Văn.
 
Nó cứ thấp thoáng sau từng câu chuyện để truyền vào hiện thực một hồn vía, biến tư liệu thành văn chương (Chuyện xóm bên cầu). Nếu không gắn bó với cái muôn vẻ của nghề dạy học, cái muôn màu của hiện thực trên vùng suối nước Cà Tang, thì dù là một nhà văn thực tài cũng khó có thể nhận ra “cái gió”, “cái cây” mang đặc trưng của thiên nhiên Cà Tang; khó nghiệm ra cái sự mâu thuẫn, nét đối lập giữa thiên nhiên với con người ở vùng đất ấy. Chưa đến Cà Tang, nhưng đọc những dòng miêu tả này của Thoại Văn ta mới hiểu vì sao anh buồn “muốn khóc” khi mới đặt chân lên dạy học nơi này: “Nói thiệt hồi mới lên tôi muốn khóc. Cà Tang không điện, không đài, không bạn bè chỉ có gió và cây” (Suối nước Cà Tang)...
 
Nỗi suy tư, trăn trở về cái đạo văn chương trở thành một nét nổi bật trong truyện của Thoại Văn cho dù truyện có đề cập đến bất kỳ chủ đề nào diễn ra trong cuộc sống. Có khi đó chỉ là câu chuyện một “Người đàn bà ở Bàn Cờ” tuốt tận Sài Gòn, hay là chuyện của những người mê đi câu cá đến nỗi tôn cái thú ngao du kia trở thành một tôn giáo: “Đạo câu”... Trong truyện, lời nói không sai vào đâu của người vợ: “A! Nghệ thuật thi ca! Ông càng hết mình thì mấy đứa con ông càng hết chỗ thở” (Ngộ). Ngộ ra rồi! Làm văn chương thiệt thòi là thế, nhưng nếu lại được chọn nghề, anh lại cũng theo cái nghiệp văn chương: “Bởi trong tôi còn một đam mê rất lớn đấy là mộng văn chương. Vâng, mộng văn chương đẩy tôi đi qua những tháng ngày nghiệt ngã” (Người đàn bà ở Bàn Cờ)... 
 
Có thể nói, niềm đam mê văn chương cùng những suy ngẫm về nghề văn thường xuyên xuất hiện trong truyện ngắn của Thoại Văn qua nhiều dạng nhân vật. Kể cả những nhân vật không liên quan đến nghề văn, anh vẫn cứ ẩn dụ để thể hiện những suy tư của mình về đạo văn chương. Chính vì xem đạo văn chương như một thứ “tôn giáo” mà mình là một tín đồ mộ đạo, nên Thoại Văn đã hết lòng chăm chút từng câu chữ văn chương, tạo nên những đoạn văn mượt mà, lấp lánh tình người: “Khi người ta yêu nhau say đắm thì thiên đường không xa. Mỗi viên sỏi cũng lấp lánh dưới chân. Mỗi chiếc lá bay đâu phải sự úa tàn, là nét bút phẩy qua bức tranh mùa thu lãng mạn” (Chợ chiều).
 
Đọc truyện ngắn của Thoại Văn, tôi còn nhận ra rằng, bên trong người thầy giáo nghiêm trang ấy còn có một người văn tinh nghịch và hài hước. Chính cái hài hước đã khiến truyện ngắn của anh có những đoạn đối thoại nhân vật vô cùng thú vị xen vào những đoạn văn tưng tửng, rất có duyên, dễ đi vào lòng người. Truyện ngắn Thoại Văn thường cấu trúc ngắn gọn, chuyển mạch đột ngột và có kết thúc bỏ lửng. Bỏ lửng kết thúc để khơi gợi người đọc tự suy ngẫm và đồng sáng tạo là nét hiện đại trong cấu trúc truyện ngắn đương đại... Với nhà văn, cái đạo văn chương là điều hệ trọng, mà điều này thì Thoại Văn đã đạt được rồi!
 
MAI BÁ ẤN
 
 
 

.