(Báo Quảng Ngãi)- "Ngậm cọng rơm vàng" là tập thơ thứ ba của tác giả Nguyễn Tấn Hải. Anh là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, hội viên Câu lạc bộ thơ Trà Giang. Tập thơ "Ngậm cọng rơm vàng" như một bức tranh tổng thể về làng quê Việt với những gam màu tươi sáng.
Với bút pháp trữ tình và chân thật, qua một vài câu thơ khi đọc lên chúng ta nghe lòng rưng rức:
"Khi đời sống xoay vần cơm áo/ Theo bạn ta bỏ biển về rừng/ Đêm Ba Tơ thèm ly rượu gạo/ Giàn mướp nghèo con đom đóm rưng rưng...". Đời người muốn vượt nghèo khó là cả một quá trình nỗ lực. Hình ảnh người vợ hiền co ro trong căn nhà mùa đông không cửa khi đọc lên ai cũng nao lòng:
"Nhà không cửa cơn mưa nào cũng tạt/ Em co ro khi chớm đông về/ Giọt mồ hôi thấm đẫm giọt bùn quê/ Em vật vã giữa bộn bề cơm áo..."
(Đêm nghe tiếng đàn tranh).
Có lẽ trong cuộc đời có nhiều đổi thay, nên thơ Nguyễn Tấn Hải chất chứa nhiều tâm sự. Mỗi khoảng thời gian khác nhau thì anh lại đóng vai khác nhau và trong thơ cũng thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đọc thơ, chúng ta thấy có rất nhiều "gã" trong một Nguyễn Tấn Hải và đây cũng là điểm khác biệt giữa thơ anh với mọi người.
"Anh là gã thương hồ lang bạc/ Trở về đây với tiếng hót chim vườn/ Trở về đây với đụn rạ ngát hương/ Bờ tre cũ chiều ươm tia nắng nhạt..."
(Gã thương hồ). Rồi tác giả tự phong cho mình là "gã nhà quê" và được thể hiện qua những câu thơ ngọt ngào: "Tôi là cái gã nhà quê/ Ngác ngơ giữa chốn bộn bề sắc hương..."
(Gã nhà quê). Có khi anh trở thành "gã thất tình" được biểu hiện qua câu thơ: "Em là em của người ta/ Ta là ta của con ma thất tình".
Và còn nữa, tác giả hóa thân trong những vai diễn cuộc đời:
"Tôi là cái gã lạc đường/ Suốt đời đắm đuối làn hương thị thành", hay "Tôi là cái gã lỡ thời/ Dốc bầu rượu cạn đem mời nhân gian/ Tôi là cái gã lang thang/ Biết tìm đâu cánh hạt vàng ngày xưa"
(Gã nhà quê). Cho dù trong vai diễn nào đi nữa thì tác giả vẫn sống đúng với bản ngã của mình, là một Nguyễn Tấn Hải hiền lành, chất phát và chân thành.
Với ngôn từ nhẹ nhàng, mộc mạc và gần gũi, mảng thơ tình trong "Ngậm cọng rơm vàng" đã lắng sâu vào tâm hồn người đọc:
"Lặng lẽ chiều đi suốt phố/ Mùa thu cơi hết sắc màu/ Em ở bên trời có nhớ/ Bây giờ tháng Bảy mưa ngâu"
(Lặng lẽ chiều). Có khi thức giấc vào lúc nửa đêm, anh nhìn bầu trời, cảnh vật rồi liên tưởng, tự vấn, than trách:
"Nửa đêm thức giấc nhìn mây/ Nhìn trăng nhỏ giọt trên cây ngô đồng"
(Nửa đêm).
Mỗi bài thơ trong tập thơ
"Ngậm cọng rơm vàng" như một thông điệp vọng từ trái tim đa cảm của Nguyễn Tấn Hải, tạo nên cảm xúc ấn tượng khi chúng ta đọc, ngẫm nghĩ và cảm nhận.
Với cách sử dụng nhiều thi ảnh và biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa... tập thơ "Ngậm cọng rơm vàng" như một bức tranh tổng thể về làng quê Việt với những gam màu tươi sáng. Từng bài thơ như những bản nhạc đồng quê với những giai điệu nhẹ nhàng, lãng mạn và ấn tượng, mang đến cho người đọc cảm giác thoải mái và lắng sâu.
PHAN BÁ TRÌNH