(Baoquangngai.vn)- Nghề báo là nghề phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả. Thế nhưng đã chọn nghề báo thì hầu hết những người bước vào nghề đều chấp nhận “dấn thân” để cho ra đời những “đứa con tinh thần” ưu tú nhất.
Phóng viên Thanh Kỳ - Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao TX.Đức Phổ: "Thời “khẩu trang” và câu chuyện tác nghiệp đáng nhớ"
Với khả năng bám sát địa bàn và nhạy bén nắm bắt nguồn tin, phóng viên Thanh Kỳ thường đi đầu trong những thông tin, sự kiện “nóng” ở địa phương. Gắn bó với “nghề viết” nhiều năm, anh Kỳ luôn cố gắng thực hiện tốt nhất có thể những bản tin, những phóng sự phản ánh chân thực cuộc sống của người dân địa phương. Anh còn là cây viết phóng sự - ký sự, có nhiều bài viết hay về đất và người Đức Phổ. Anh bảo, mỗi lần tác nghiệp đều có những niềm vui và nỗi buồn, nhưng mỗi lần như thế, mình lại học được nhiều điều trong cuộc sống. Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, việc mang khẩu trang để phòng chống dịch khiến việc tác nghiệp trở nên khó khăn hơn và những câu chuyện tác nghiệp đáng nhớ cũng xuất phát từ đó.
Phóng viên Thanh Kỳ tác nghiệp tại đèo Bình Đê (nơi tiếp đón và kiểm tra y tế cho người dân các tỉnh, thành phía nam về Quảng Ngãi; Ảnh chụp đầu tháng 8.2021) |
Anh Kỳ kể, trung tuần tháng 6/2021, tôi điều khiển xe máy ngược dốc núi đến tổ dân phố Đồng Vân, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) để gặp ông Q, một cựu chiến binh sản xuất giỏi và có “tấm lòng vàng”, khi ông sẵn lòng tặng hơn 1.000 m2 đất để xây dựng đường giao thông, nhà sinh hoạt văn hóa và cho 4 hộ dân xây dựng nhà ở bên đường bê tông nối Quốc lộ 1. Đến nơi, tôi không tiện tháo khẩu trang che mặt, vì tuân thủ khuyến cáo phòng ngừa dịch Covid-19 của Bộ Y tế. Chủ nhà niềm nở tiếp đón, pha trà mời khách, nhưng mãi không nói gì. Lúc tôi chuẩn bị phỏng vấn, ông tổ trưởng tổ dân phố đi cùng cứ nằng nặc bắt tôi phải bỏ khẩu trang ra, ban đầu tôi không đồng ý và còn thầm trách, vì đang thời điểm dịch bệnh mà không có ý thức phòng ngừa. Nhưng rồi, tôi mới vỡ lẽ rằng, chiếc khẩu trang đã trở thành “vật cản” giữa tôi và ông Q. Bởi ông Q bị nặng tai, nên mặc dù nói được, nhưng ông phải dựa vào khẩu hình miệng mới đoán biết được những gì người khác nói. Chần chừ một lát, tôi đành tháo khẩu trang và chủ động ngồi cách xa để có thể trao đổi với ông. Sau một khoảng thời gian, cuộc phỏng vấn mới hoàn thành, nhưng ai cũng cảm thấy rất vui và hài lòng. “Có những chuyện như vậy, mình mới hiểu thêm, đồng cảm với người khuyết tật và cũng có thêm bài học khi ứng xử trong các tình huống tác nghiệp”, anh Kỳ nói.
Phóng viên Nhị Phương - Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện Trà Bồng: Phóng viên cơ sở “đa-zi-năng”
Xuất phát điểm là cử nhân sư phạm Văn, nhưng Nhị Phương lại lựa chọn gắn bó với nghề báo, đến nay, chị Phương đã có thâm niên gần 15 năm công tác ở Đài Truyền thanh huyện Tây Trà và Trà Bồng. “Người làm công tác truyền thông cơ sở, là không được “kiêng nể” bất cứ một việc gì, từ quay, viết, dựng, đọc phát thanh… cái gì cũng đều phải biết.Từ những ngày đầu bỡ ngỡ, vì không được đào tạo báo chí, phải vật lộn vừa làm vừa học, đến nay, nghề báo như đã thấm dần vào máu của tôi. Mình thấy vui vì không học báo chí, nhưng lại có “máu” nghề báo trong người”, chị Phương nói.
Phóng viên Nhị Phương. |
Nói vậy là bởi, khi có sự kiện, có vấn đề gì trên địa bàn cần phải đưa tin, chị đều xông pha đi đầu. Đặc điểm là huyện miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thường gặp mưa bão, thiên tai. Chị Phương cùng đồng nghiệp luôn cố gắng phản ánh kịp thời, để người dân biết nơi nguy hiểm mà tránh, cũng như đưa tin về những nơi thiệt hại, khó khăn để nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Tuy công việc còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng bù lại chị Phương rất vui khi những phản ánh của mình nhận được sự phản hồi tích cực. Đó là các mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân biết đến những hoàn cảnh khó khăn vùng bị thiên tai để hỗ trợ, giúp đỡ họ... Những bài viết có sức lan tỏa ấy, khiến cho phóng viên làm công tác truyền thông ở cơ sở thêm yêu và gắn bó với nghề hơn.
XUÂN HIẾU