Tết thuyền ở làng biển Quảng Ngãi

07:02, 06/02/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Trước khi vươn khơi, ngư dân sẽ sắm sửa một số lễ vật để cúng, tri ân tàu thuyền và những người đi bạn, cầu nguyện một năm thuận buồm xuôi gió, được nhiều lộc biển, mọi việc hanh thông. Ngư dân địa phương gọi đây là cúng thuyền hay còn gọi là Tết thuyền. Tục lệ này được thực hiện hai lần, vào thời điểm cuối tháng Chạp và những ngày đầu tháng Giêng.
 
[links()]
 
Tri ân tàu thuyền
 
Từ 3 giờ sáng, nhà của ngư dân Nguyễn Thanh (53 tuổi), ở xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) đã rì rầm tiếng nói cười. Ở làng biển, khi Tết đến, Xuân về, nhà nào đèn sáng vào thời điểm gà gáy, người dân địa phương biết ngay nhà này đang rục rịch chuẩn bị lễ vật để thực hiện tín ngưỡng cho tàu thuyền.
 
Gia đình ông Thanh nhiều đời vươn khơi xa, bám biển, giữ vững ngư trường truyền thống của cha ông. Đến nay, con cháu trong nhà có gần 10 người theo nghề, với những con tàu lớn có công suất từ 800CV trở lên. Sau một chuyến biển trở về, mỗi tàu thu về gần cả tỷ đồng từ sản lượng khai thác được. Trong hai năm vừa qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng thuyền trưởng và những lao động đi bạn bình an trở về từ khơi xa là điều mà ông Thanh vui mừng nhất.
 
“Vì lẽ đó, gia đình phải chuẩn bị tươm tất các lễ vật để cúng thuyền. Đây là một tục lệ thường niên đã ăn sâu vào tâm thức, trở thành nét văn hóa truyền thống đậm nét, khó phai nhạt của gia đình khi Tết đến, Xuân về. Chiếc thuyền cũng như ngôi nhà, phải quan tâm, chăm sóc mới tràn đầy sinh khí. Cúng kiếng cho tàu thuyền đầy đủ, năm mới sẽ rộn ràng, phấn khởi, hân hoan hơn. Trước đó, tôi đã tân trang lại tàu thuyền, sửa chữa các trang thiết bị hư hỏng”, ông Thanh bày tỏ. 
 
Ông Việt thực hiện nghi lễ cúng thuyền giúp con cháu trong gia đình.
Ông Việt thực hiện nghi lễ cúng thuyền giúp con cháu trong gia đình.
 
Cúng thuyền hay còn gọi là Tết thuyền, nghi lễ này được ngư dân thực hiện đồng loạt vào khoảng cuối tháng Chạp (cúng cuối năm) cho đến trước rằm tháng Giêng (cúng đầu năm). Sáng sớm từ 3 giờ đến 6 giờ là thời điểm đẹp, yên tĩnh và tốt nhất.
 
Ông Nguyễn Việt (61 tuổi), người anh cả trong nhà, dày dạn kinh nghiệm biển đảo, đảm nhận nhiệm vụ cúng bái, có mặt từ rất sớm để hướng dẫn con cháu sắp xếp lễ vật, thực hiện các nghi lễ cho đúng tục lệ.
 
Đến bây giờ không thể ôm vô lăng, chẻ từng đợt sóng mà hướng ra khơi xa như cách đây chục năm về trước, vậy nhưng chỉ cần nhắc đến tục lệ này, mắt ông lại sáng lên. Ông cho hay, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, dù bận rộn đến đâu, có hôm sức khỏe không đảm bảo, ông cũng cố gắng tới nhà, ra tàu thuyền giúp cho anh em, con cháu. Mỗi năm có hai lần duy nhất nên phải thực hiện chu toàn.
 
Lễ cúng thuyền đã ăn sâu vào trong tâm thức của ngư dân.
Lễ cúng thuyền đã ăn sâu vào trong tâm thức của ngư dân.
 
Một cơn mưa bất chợt đổ ầm xuống, tưởng chừng không thể mang lễ vật ra con tàu đậu ở cảng cá Bình Châu để cúng. Thế nhưng, ngày giờ đã tính, mọi việc chuẩn bị xong, mỗi người trong gia đình ông Thanh một việc, họ vẫn tiếp tục việc nhà theo tâm đã định. Giăng tấm bạt che mưa, mâm lễ được bày biện thịnh soạn trên mũi tàu như gà tréo chân, cháo, trái cây, rượu, gạo, muối, bánh tráng, bánh tét, trái cây, cùng những món ngon là lễ vật từ biển cả như tôm, cá, mực…
 
Ông Việt không quên dặn dò chị em phụ nữ chỉ xuống tàu sau khi cúng xong. Ông kính cẩn cầu khẩn theo đúng các nghi thức; rải gạo và muối, nghiêng chén đổ rượu xuống mặt biển, mời các vị thần về chứng giám và chung vui. 
 
“Tết thuyền mang ý nghĩa về mặt tâm linh. Tục lệ này nhằm tri ân tàu thuyền, người bạn đồng hành trong suốt năm qua đã cùng nhau vượt qua bao sóng dữ, tai ương, tôm cá đầy khoang khi trở về. Sau đó, gia đình muốn tạ ơn các vị thần đã bảo vệ con người, tài sản trong quá trình vươn khơi xa, cầu mong vong hồn của những ngư dân xấu số không may gặp bão, gió và mất trên biển được siêu thoát. Cùng với mâm cúng tại thuyền, ngư dân cũng sắm lễ vật cúng tại nhà, ngoài gành biển, tạ ơn ông bà tổ tiên và vùng đất này đã phù hộ cho họ. Sau phần lễ, chủ tàu và bạn thuyền sẽ ngồi lại với nhau, thể hiện tình cảm gắn kết keo sơn của ngư dân làng biển”, ông Việt chia sẻ.
 
Ước nguyện đầu xuân
 
Chuyến biển đầu năm là chuyến biển quan trọng của ngư dân, với hi vọng việc ra khơi thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được mùa màng bội thu trong cả năm. Nếu như cúng thuyền cuối năm mang ý nghĩa tổng kết một năm cùng bạn thuyền, tạ ơn các vị thần thì ngư dân sẽ bày tỏ nhiều ước nguyện, mong muốn trong dịp cúng thuyền vào những ngày đầu năm mới.
 
Vừa lo chu toàn lễ cúng thuyền trong mùng 5 Tết, anh em ngư dân Nguyễn Thanh Biên (39 tuổi) tất bật sửa soạn lại tàu thuyền thêm lần nữa, chuẩn bị nhiên liệu, phí tổn, ngư lưới cụ để chạy chuyến biển đầu tiên trong năm. Không khí tất bật, nhộn nhịp, rộn ràng cả một vùng biển.
 
“Hai năm qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19, những chuyến biển hạn chế, hải sản tiêu thụ khó khăn. Ngư dân cầu mong một năm mới với những chuyến biển thuận buồm, xuôi gió, gặp sóng êm gió lặng, anh em trên tàu bình an, trúng nhiều mẻ tôm cá và được tiêu thụ mạnh khi vào bờ”, anh Biên bày tỏ.
 
Ngư dân thường treo lá cờ Tổ quốc sau mỗi lễ cúng thuyền và trước khi vươn khơi xa.
Ngư dân thường treo lá cờ Tổ quốc sau lễ cúng thuyền đầu năm và trước khi vươn khơi xa.
 
Không khí tất bật trước mùa biển mới.
Không khí tất bật trước mùa biển mới.
 
Sau cùng của lễ cúng thuyền, ngư dân trịnh trọng treo lá cờ Tổ quốc lên trụ gỗ trước mũi và mui thuyền, một biểu tượng không thể thiếu của mỗi tàu thuyền trước khi vươn khơi xa. Xuân về, mặt biển thôi những con sóng bạc đầu và trở nên hiền hòa để ngư dân vươn khơi, bám biển. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió càng tăng thêm ý chí cho ngư dân vững tâm đạp sóng ra khơi, đặt nhiều kỳ vọng trong vụ biển mới.
 
Tết thuyền, một tục lệ mang đậm tín ngưỡng của ngư dân miền biển, cứ thế góp phần tạo nên hương sắc làng biển trong mỗi mùa xuân mới, tiếp thêm tinh thần để ngư dân tiếp tục bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Bài, ảnh: THIÊN HẬU
 
 

.