Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương

07:02, 16/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, huyện Mộ Đức đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương như hát sắc bùa, bài chòi... Đồng thời, huyện bố trí kinh phí lập phương án xin phép khai quật di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, tại thôn Dương Quang, xã Đức Thắng trong năm 2022.
[links()]
 
Đưa bài chòi, sắc bùa vào đời sống
 
Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhiều làng quê của huyện Mộ Đức lại tổ chức các trò chơi dân gian, trong đó có lồng ghép hô hát bài chòi. Thể loại bài chòi là loại hình âm nhạc cổ, lời ca, tiếng hát, giai điệu đều gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân từ xa xưa. Vì vậy, bài chòi được xem là món ăn tinh thần, được người dân ở nhiều địa phương mong chờ mỗi dịp lễ, Tết. 
Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương, thời gian qua, thông qua các lễ hội do huyện tổ chức, Mộ Đức đã lồng ghép đưa hô hát bài chòi vào biểu diễn. Trước đó, năm 2018, huyện Mộ Đức đã tổ chức lớp dạy hô hát và cách thức chơi bài chòi cho 48 học viên đến từ các cơ quan, trường học trên địa bàn huyện. Đồng thời, đưa loại hình nghệ thuật bài chòi vào dạy trong các trường học. Đến nay, hầu hết các trường THCS trên địa bàn huyện thực hiện lồng ghép dạy bài chòi vào các tiết dạy âm nhạc địa phương.
 
Cùng với hô hát bài chòi, hát múa sắc bùa của huyện Mộ Đức cũng được nhiều người biết đến như một nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Đội hát sắc bùa của huyện Mộ Đức từng đi biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Trong đó, có một số nghệ nhân dù tuổi đã cao, nhưng vẫn miệt mài gắn bó, đam mê hát múa sắc bùa. Đây là hình thức diễn xướng dân gian tổng hợp, mang tính nghi lễ, cầu phúc, thường được tổ chức vào dịp tết Nguyên đán, hoặc các dịp sinh hoạt nghi lễ, vui chơi trong các gia đình và cộng đồng, tạo sự vui tươi nhưng gần gũi, thân thuộc.
 
Nghệ nhân Nguyễn Đức Tân, thành viên Đội hát sắc bùa xã Đức Phong (Mộ Đức) chia sẻ, do dịch Covid-19, nên Tết năm nay, đội hát sắc bùa của xã không tổ chức biểu diễn như mọi năm. Thế nhưng, để thỏa niềm đam mê, chúng tôi vẫn thường xuyên luyện tập với nhau, mong muốn giữ gìn một di sản văn hóa của cha ông, mang lại niềm vui cho người dân trong những ngày lễ, Tết.
 
Trưởng phòng VH - TT huyện Mộ Đức Võ Việt Cường cho biết, hầu hết thành viên trong Đội hát sắc bùa xã Đức Phong đều đã cao tuổi, nên khó có thể biểu diễn lâu dài. Do đó, huyện cũng đã khuyến khích, hỗ trợ để các nghệ nhân hát sắc bùa truyền đạt loại hình nghệ thuật này lại cho thế hệ sau. Có như vậy, văn hóa đặc sắc của địa phương mới có cơ hội được bảo tồn và tiếp tục phát triển.
 
Phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch
 
Bên cạnh bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, huyện Mộ Đức cũng đang chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể. Trong đó, di chỉ văn hóa Sa Huỳnh được xem là di sản văn hóa đặc sắc của địa phương. Xác định tầm quan trọng của bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, huyện Mộ Đức đã xây dựng phương án “Khai quật và phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh” tại thôn Dương Quang, xã Đức Thắng. Mục tiêu nhằm bảo tồn nguyên vẹn hố khai quật khu mộ chum và di chỉ cư trú của cư dân văn hóa Sa Huỳnh; xây dựng cơ sở pháp lý cho di tích khảo cổ để bảo vệ, bảo tồn và phát huy. Qua đó, xây dựng không gian trưng bày phù hợp, tạo điểm tham quan cho du khách...
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân, huyện đang đầu tư xây dựng thôn Dương Quang, xã Đức Thắng thành điểm du lịch nông thôn, với phương châm kết hợp du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với du lịch nghỉ dưỡng biển. Do vậy, việc khai quật và bảo tồn tại chỗ giá trị văn hóa Sa Huỳnh là hết sức cần thiết, nhằm phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh, trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu. Huyện đã bố trí kinh phí và sẽ phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh để thực hiện trong năm 2022.
 
Bài, ảnh: H.HOA
 
 

.