Chuyện về hổ trong dân gian

05:01, 27/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Từ thuở xưa, có rất nhiều chuyện kể về hổ được lưu truyền trong dân gian, không chỉ có ở miền núi, mà cả đồng bằng và ven biển.  
 
 
Người xưa thường kể, đến mùa chà là chín, người lên núi giũ chà là bằng cách lật ngửa chiếc nón lá, rung thân cây để chà là chín rụng vào, thường gặp cọp. Cọp cũng rung giũ chà là theo cách của nó, nằm ngửa há miệng và dùng chân trước rung cho chà là rụng vào miệng. Người đi giũ chà là không khéo cũng gặp cọp giũ chà là và làm mồi cho cọp.
 
 Tượng Bạch Hổ ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng).         Ảnh: Cao Chư
Tượng Bạch Hổ ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng). Ảnh: Cao Chư
Điều bất ngờ là ở vùng biển cách xa vùng đại ngàn Trường Sơn vẫn có dấu vết của cọp. Như ở xã Bình Đông (Bình Sơn) có địa danh Đá Hang tương truyền là hang cọp. Ở thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải (Bình Sơn) cũng có hang tương truyền là hang cọp. Còn ở vùng đồng bằng trở lên núi, chuyện về cọp thì có nhiều. Ngay trên đường Thiên lý Bắc - Nam, ở phía nam huyện Bình Sơn hiện nay có đoạn đường băng qua ba quả đồi rừng cây rậm rạp gọi là truông Ba Gò, xưa kia cũng có cọp dữ, nên dân gian có câu “Qua truông Ba Gò phải cho có bạn”. Sách chữ Hán kiêm họa đồ Quảng Thuận đạo sử tập của Nguyễn Huy Quýnh viết năm 1785 chú ở quãng đường này là “dương hành” (chỉ đi vào ban ngày)...
 
Trong dân gian, vì “kính nhi viễn chi” (kính mà xa lánh) đối với hổ, nên người ta chỉ mong hổ đừng về bắt người, bắt gia súc, nhưng trong nhiều trường hợp phải thờ. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi chép, ở núi Xuân Sơn huyện Bình Sơn thời vua Gia Long có một con hổ trắng, không làm hại người và gia súc, hễ có quân cướp bóc là hổ đuổi chúng, người làng kính trọng gọi là Kha Hổ (anh Cọp). Người đánh cá trên sông thấy hổ đi trên bờ, ném cá cho thì hổ ăn. Thấy con hổ khác, Kha Hổ bèn cắn xé, đánh đuổi, nên các con hổ dữ phải tránh xa. Người trong thôn bèn viết khoán thư dán ở trong núi, bảo cử Kha Hổ là Ông Lớn. Mỗi khi có tế lễ, lấy đầu con vật tế đem cho hổ, thì đêm ấy Kha Hổ đến ăn. Sau khi chết, Kha Hổ nhập vào cô đồng, báo là Hổ đã chết. Người trong thôn bèn dựng đền ở bên núi để thờ, gọi là đền Kha Hổ. Có lẽ chuyện liên quan đến đền thờ Bạch Hổ (hổ trắng) ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng), là tướng hộ vệ của nữ thần Thiên Y. Bạch Hổ là kẻ thần phục của nữ thần, đánh đuổi loài hổ dữ, để giúp dân lành. Trong các bức bình phong ở các đền thờ xưa cũng thường điêu khắc hình bạch hổ.
 
Ngoài chuyện thần hóa như vậy, hình ảnh hổ được thể hiện như biểu tượng của sức mạnh, biểu tượng của hữu dũng vô mưu. Dân gian thường nói, khỏe như hổ, hổ phụ sinh hổ tử ý nói cha dòng giống mạnh ắt sinh con cũng như vậy. Còn ở miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số thường có những chuyện cổ kể về con hổ ngu đần, bị các con vật nhỏ như con chim, con rùa lừa cho vào chỗ chết. Nói cho đúng thì những câu chuyện loại này là đề cao sức mạnh trí tuệ, nhằm động viên con người tin vào trí khôn của mình, chớ quá sợ hãi loài hổ mà xao lãng việc làm ăn sinh sống. Trong truyện cổ của người Cor có câu chuyện kể rằng, người Cor xưa vốn ở trong hang đá, có hai anh em nọ đi săn được con nai, hổ từ đâu nhảy ra giành phần bảo là của nó, đe dọa sẽ đến xé xác con người, nên người Cor mới nghĩ cách dựng cây làm nhà ở, cắm rào chung quanh để phòng hổ dữ.
 
Chuyện xưa cũng kể nhiều về việc diệt trừ hổ. Làng người Cor ở Trà Ót, xã Trà Tân (Trà Bồng) có nhiều hổ trong hang, dân làng bèn nghĩ cách làm cái cũi bằng tre to dựng ở cửa hang, đào gạt bớt đất đá, lấy dáo đâm vào hang cho hổ nhảy ra sập vào cũi. Còn ở vùng núi Eo Gió (Nghĩa Hành), tương truyền có ông Chủ Đề chuyên diệt hổ để cứu dân, được dân nhớ ơn đặt là núi Chủ Đề. Ở Trà Bình Trại nay thuộc xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) có Tú tài Nguyễn Văn Danh bỏ cả công danh của mình để diệt hổ báo thù cho cha, được vua Tự Đức ban tặng bức hoành “hiếu hạnh khả phong”, được ghi vào sách Đại Nam nhất thống chí.                     
 
CAO CHƯ
 
 

.