Mối tình đầu

09:12, 22/12/2021
.
*Truyện ngắn của MAI BÁ ẤN
 
(Báo Quảng Ngãi)- Chị trở về sau gần mười năm xa quê. Mười năm, cảnh vật xưa giờ đã khác đi nhiều. Bờ tre xanh bên bờ bắc sông Trà líu ríu tiếng chim mỗi trưa hè, giờ không còn nữa. Đường mở lớn dọc theo hai bờ sông Trà, đèn đường sáng rực. Quê chị giờ đã là thành phố đang vươn mình phát triển. Có cố tìm lại chút cảnh vật xưa thì cũng khó mà tìm. Chỉ có kỷ niệm về mối tình đầu là hiện lên mồm một.
 
Năm học lớp 11, Phượng nhận được thư tỏ tình của Thắng - chàng trai học trên một lớp trong nỗi buâng khuâng kèm theo những rung động đầu đời. Suy nghĩ mãi rồi Phượng cũng gửi lại đôi dòng hồi âm cùng với bó hoa phượng mà Thắng gửi kèm  theo thư hôm trước. “Em rất cảm ơn về những tình cảm của anh, song bây giờ thì em đề nghị: Mình phải lo học đã!”, dòng thư ngắn gọn nhưng chứa đựng bao điều muốn nói. Từ đó, như để chứng minh cho Phượng thấy, Thắng lao vào học. Ngày nhận được giấy báo đỗ đại học ở TP.Hồ Chí Minh, Thắng vui mừng cầm ra lan can cầu chờ đợi. Nghe anh báo tin, Phượng mừng ra mặt. Dường như cảm nhận được cái “tình trong như đã…” của Phượng, Thắng vui mừng vào thành phố nhập học và đợi chờ năm sau Phượng sẽ vào thi...
 
Năm thứ nhất nơi giảng đường đại học trôi đi trong quay quắt nhớ thương về Phượng, hằng tuần anh đều gửi về cho Phượng những lá thư tình yêu cháy bỏng. Nhưng đáp lại, Phượng cũng chỉ gửi vào anh một chút kỷ niệm vừa mơ hồ vừa nhẹ nhàng như sương như khói. Không thất vọng, anh vẫn nôn nao chờ đợi ngày lên ga Sài Gòn đón Phượng vào thi. Đây sẽ là một ngày vui sau gần một năm chờ đợi. Nhưng năm ấy Phượng vào Sài Gòn thi cùng người anh trai, nên cô không thể báo cho Thắng biết. Thi xong, Phượng cùng anh lên Đà Lạt thăm người dì theo lời dặn của ba mẹ. Vậy là cái ngày chờ đợi đầy hy vọng của Thắng đã trở nên vô vọng. Năm ấy, Phượng không đủ điểm đỗ vào trường kinh tế. Cô buồn rầu và lại càng chú tâm vào việc học để năm sau thi lại.
 
Buồn vì không gặp được Phượng, càng nghĩ về Phượng, Thắng càng rạo rực muốn được yêu và được sẻ chia. Và có một người con gái đến sẻ chia cùng Thắng. Dần dần, họ gắn kết với nhau thành một cặp xứng đôi vừa lứa. Phượng chỉ còn mơ hồ trong tâm tưởng của Thắng. Em vô tư như làn gió, chân chất, thật thà như bờ xe nước cần cù quay sớm tối. Nhưng bờ xe nước bên dòng Trà giang giờ chỉ còn trong quá vãng.
 
Thi đại học lần hai nên Phượng không cần có anh trai theo nữa. Lá thư gần đây gửi Thắng, cô chỉ báo ngày vào chứ không mong Thắng đón. Bằng linh cảm của một người con gái, Phượng có cảm giác Thắng đã dần quên. Còn Thắng, khi nhận được thư Phượng, anh vừa vui mừng vừa lo lắng. Bảo quên Phượng thì rõ ràng anh chẳng thể quên vì hình bóng Phượng vẫn đi về trong anh vô tư như gió thổi. Chính vì thế, ngày hôm đó, bằng mọi cách đặt bày, anh chỉ lên ga một mình để đón Phượng mặc dù Loan-người yêu của anh, cố xin để được đi theo.
 
Những ngày ấy, Thắng đã sống trong sự giả dối của chính mình. Nhưng hình như Phượng đã nhận ra sự khác lạ ở anh. Không hiểu sao cô có cảm giác Thắng hôm nay không còn là Thắng của ngày trước đứng tựa lan can cầu Trà Khúc. Mới một năm gió bụi thị thành mà đã khiến con người đổi thay đến thế này sao? Đọc những lá thư gần đây của Thắng, Phượng đã dần dần mất đi cảm xúc. May mà Phượng chưa một lần hé lộ tình yêu của mình cho Thắng biết, mặc dù những phong thư của Thắng vẫn thường xuyên nhắc chuyện xa gần. Đôi ba lần, vào buổi tối,  Thắng có đến rủ Phượng đi chơi, song Phượng kiên quyết không rời khỏi bàn học để lo tập trung ôn thi.
 
Thắng lủi thủi trở về và nhận ra sự vô lý của chính mình. Tại sao lại buồn? Mình đã yêu Loan rồi cơ mà! Mình vừa mới đi chơi với Loan về. Ôi tình yêu, cái thiết tha yêu, ước mơ hoài thì chẳng đến, cái hiển nhiên lại đến thật tình cờ, cứ như là có sẵn. Chẳng cần mơ mộng, dài dòng, chỉ những cử chỉ ân cần, săn sóc của Loan, Thắng đã nắm được tay nàng mà chẳng cần đến hoa hoè, thư từ gì hết. Và trong trạng thái vô lý ấy, đêm cuối cùng  anh rủ Loan đến nơi Phượng ở. Họ cùng nhau đến một quán cà phê dù rất ngượng ngùng. Buổi gặp mặt hôm ấy chủ yếu hai người con gái nói chuyện với nhau, còn Thắng ngồi im lặng. Càng nghĩ, Thắng càng cảm thấy xót xa thương lấy chính mình. Rõ ràng mình không thể xứng với tình cảm trong veo của Phượng. Hình như thứ tình yêu trong sáng, vô tư Thắng đã dành hết cho Phượng. Chia tay nhau ra về, Thắng chạy xe đi như tự thất lạc mình trong cơn mộng du cay đắng…  
 
Con tàu hú còi rời ga Sài Gòn để đưa Phượng về thi đợt 2 tại Đại học Quy Nhơn. Tiếng hú thảng thốt như chính ánh mắt của Thắng đêm qua ở quán cà phê. Tự nhiên, từ đôi mắt trong veo của Phượng, nước mắt cứ tự trào ra. Không chỉ có nước mắt buồn mà hình như trong hương vị mặn của nước mắt chen cả niềm vui, vì dù sao, Phượng cũng vừa lòng với chính mình là... đã cư xử đúng mực suốt hai năm quen biết. Năm ấy, Phượng đỗ cả hai trường. Và tất nhiên là cô đã chọn học ở Quy Nhơn như đã định, mặc dù Thắng đã bao lần viết thư đề nghị Phượng vào học ở TP.Hồ Chí Minh. Bức thư gửi không lâu sau kỳ thi, Thắng cũng đã báo tin rằng, tình yêu của anh và Loan đã kết thúc. Chóng vánh đến thế sao, ôi những cuộc tình!
 
Khi Phượng đang học năm thứ tư thì Thắng cũng vừa tốt nghiệp. Chán nản phố phường, anh về xin công tác ở quê. Về quê để tìm lại thứ tình cảm trong trắng ngày xưa mà mình đã tự đánh mất. Từ đó, Thắng chỉ sống bằng hoài niệm và chối bỏ tình yêu. Chiều chiều, anh thường chạy xe ra lan can cầu Trà Khúc để ngắm dòng nước lững lờ trôi và nhớ về mối tình đầu... Còn Phượng, nói quên Thắng đi thì rõ ràng Phượng cũng khó mà quên, nhưng nói trở về quê để sống lại những rung động đầu đời thì Phượng cũng không hề nghĩ đến. Cô quyết định ở lại Quy Nhơn cũng vì muốn trốn chạy khỏi mối tình đầu. Chính vì thế, dù Thắng gửi thư nhiều nhưng Phượng dường như không hồi âm. 
 
Có một lần duy nhất, khi biết tin Thắng đã về công tác ở quê, trong bức thư cuối cùng ấy, Phượng mong Thắng có được niềm vui trong cuộc sống. Thắng hãy quên Phượng đi vì thực ra chúng ta chỉ cảm nhận ở nhau những rung động đầu đời chứ chưa phải là tình yêu đích thực. Cuối năm đó, Phượng được trường cử đi làm nghiên cứu sinh ở Nhật Bản. Sống và học nơi xứ người, Phượng sẽ quên đi ký ức và Thắng cũng chẳng còn biết địa chỉ mà viết thư thăm Phượng. Làm xong luận án tiến sĩ ở nước ngoài, Phượng trở về quê. Ngôi nhà Phượng ngày xưa um tùm bóng mát, giờ đã trở thành một địa điểm lý tưởng trên mặt tiền thoáng đãng của đường đê bao bờ bắc sông Trà. Ôi ước gì được sống lại với tuổi thơ trong sáng, chiều chiều Phượng cùng chúng bạn đùa vui, ríu rít bên dòng sông. Phượng dạo bước trên triền đê nhìn về bờ nam. Những hàng điện đường cao áp nối dài từ đầu cầu Trà Khúc đến tận cầu Trường Xuân khiến cái bờ sông hoang vắng ngày xưa, bây giờ đã rộn ràng những ngôi nhà cao tầng và những nhà hàng sang trọng...
 
Hình như tất cả đã đổi thay, chỉ có hồn quê là còn mãi trong lòng. Quê hương trong Phượng là bờ tre xanh ríu rít tiếng chim chuyền và biết bao kỷ niệm, tất cả chỉ còn trong tâm khảm. Cả bóng người ngày xưa đã trồng cây si đợi cô bên lan can cầu, bây giờ cũng đã xa... Nghe đâu, khi hay tin Phượng đi học ở nước ngoài, anh từ biệt quê đi làm ăn xa, và đến mãi bây giờ, Phượng cũng không biết anh đang ở đâu và làm gì. Ra đi, âu cũng là một cách để cố tìm quên...
 
Gọi là để cố mà quên nhưng thực ra có lẽ đến hết cuộc đời cũng chẳng ai có thể nguôi quên. Ngược lại, khi tuổi càng lớn thì quá khứ càng sống lại rõ nét hơn. Với Thắng, có khi là cảm giác về sự ân hận, lỡ làng. Còn với Phượng, những rung động đầu đời ấy là nét điểm tô thêm để những kỷ niệm về quê hương, về tuổi thơ luôn ngự trị trong lòng và trở thành gia tài tình cảm đẹp trong niềm tin yêu cuộc sống.
 
Bất chợt, Phượng nhận ra mình đã dừng lại ngay chỗ lan can cầu mà ngày xưa Thắng thường đứng đợi. Cô lại đưa mắt xa xăm hướng về bờ bắc sông Trà - nơi chứa đựng kỷ niệm đẹp của một thời hồn nhiên, trong trẻo.../.
 

.