Đổi mới để thích nghi và phát triển

07:12, 19/12/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Tại Quảng Ngãi nhưng chúng tôi vẫn có thể tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội, đó là thông qua hình thức tham quan 3D. Trong thời buổi công nghệ 4.0, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của bảo tàng là tất yếu, để đưa bảo tàng đến gần hơn với mọi người, nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa, tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước.
 
Chuyến tham quan thú vị
 
Để trả lời nhiều câu hỏi về lịch sử, văn hóa mà con gái đang học tiểu học đặt ra, tôi đã cùng con tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thông qua hình thức tham quan 3D. Đây quả thật là chuyến tham quan thú vị ngay giữa mùa dịch, trong thời điểm mà học sinh cần được thoát ra khỏi không gian trong ngôi nhà phố chật hẹp, cần được giải trí sau những giờ học trực tuyến căng thẳng…
 
"Đi nhẹ, nói khẽ nhé mẹ!", cô bé căn dặn như thể mình đang có mặt tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội. Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng và thích thú khi được thưởng ngoạn bảo tàng với không gian rộng lớn, ánh sáng rực rỡ. Một cảm giác thật thoải mái khi tham quan bảo tàng trong tiếng nhạc du dương, đặc biệt là được trải nghiệm, lĩnh hội kiến thức rộng lớn về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam thông qua rất nhiều tài liệu, hiện vật, độc bản quý hiếm, trong đó có rất nhiều bảo vật quốc gia. Theo sơ đồ hướng dẫn, chúng tôi lần lượt tham quan bảo tàng, với các chuyên đề trưng bày thường xuyên gồm có: Việt Nam thời tiền sử; văn hóa Đông Sơn; Triều Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý, Trần; Ốc Eo - Phù Nam. Trưng bày chuyên đề gồm có: Linh vật Việt Nam; Di sản Văn hóa Phật giáo; Đèn cổ Việt Nam…

 

Tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bằng công nghệ ảo 3D
Tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bằng công nghệ 3D
Tham quan 3D rất tiện ích, ở mọi lúc, mọi nơi đều có thể tham quan, tìm hiểu kiến thức tại bảo tàng. Từng chuyên đề, từng hiện vật được thuyết minh cụ thể. Nếu muốn nghe lại thuyết minh, xem lại hình ảnh, thì chỉ cần nhấp chuột máy tính, điều khiển mũi tên hướng dẫn và ký hiệu trên màn hình. Tham quan 3D có thể xem chi tiết đường nét hoa văn tinh xảo trên từng hiện vật, và có thể xem lại nhiều lần, để hiểu rõ hơn về nét độc đáo của hiện vật cũng như các giá trị lịch sử, văn hóa. Vậy là không chỉ có một lần, mà hai lần, ba lần và nhiều lần như thế, chúng tôi tham quan bảo tàng qua ứng dụng công nghệ 3D để hiểu rõ hơn là lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam. 
 
 Đưa bảo tàng đến với mọi người
 
Việc ứng dụng công nghệ số tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã được thực hiện nhiều năm qua. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vừa ra mắt sản phẩm tham quan bảo tàng trực tuyến qua ứng dụng Zoom, thu hút rất đông khách tham quan; đồng thời đưa vào giảng dạy chương trình "Giờ học lịch sử online". Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc đổi mới hình thức hoạt động, trưng bày của bảo tàng thông qua ứng dụng công nghệ đã phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của khách tham quan trong nước và quốc tế. Đây cũng là điều mà hệ thống các bảo tàng trong nước cần nghiên cứu ứng dụng.
 
Nói đến hệ thống bảo tàng, tin vui là mới đây, Bộ VH-TT&DL công nhận Bảo tàng Quảng Ninh xếp hạng I trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Bảo tàng Quảng Ninh được thiết kế hiện đại, độc đáo, thu hút đông đảo khách tham quan. Đặc biệt, tại phòng trưng bày, bảo tàng trang bị màn hình Led lớn để chiếu những thước phim về bí ẩn của đại dương, cộng hưởng với hệ thống máy chiếu 3D mang đến cho du khách trải nghiệm như lạc vào giữa lòng đại dương mênh mông, tạo thích thú cho khách tham quan. Bảo tàng Quảng Ninh cũng đã đưa vào hoạt động thử nghiệm ứng dụng bảo tàng ảo 3D để giúp du khách khám phá trọn vẹn bảo tàng ở mọi lúc, mọi nơi.

 

Hình ảnh của hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Hình ảnh hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Đổi mới bảo tàng là tất yếu trong xu thế phát triển hiện nay. Đây cũng là chủ đề Hiệp hội Bảo tàng quốc tế nêu ra trong Ngày Quốc tế bảo tàng (18/5/2021): "Tương lai của bảo tàng: Phục hồi và đổi mới". Tại Quảng Ngãi, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh hiện đang lưu giữ hơn 20.000 hiện vật, tư liệu, hình ảnh quý giá, phản ánh giá trị di sản độc đáo của văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, người Việt; giá trị lịch sử, văn hóa của đất và người Quảng Ngãi… Trong đó, có nhiều bảo vật quốc gia. Nhưng điều trăn trở hiện nay là cơ sở vật chất tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã xuống cấp nghiêm trọng, hoạt động trưng bày chưa được đổi mới… nên vắng khách.
 
Để hiểu về cội nguồn, lịch sử, nét đẹp văn hóa của một địa phương, một quốc gia, dân tộc, thì bảo tàng là nơi cần được tìm đến. Di sản lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cần phải được phát huy, để góp phần giáo dục lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước. Muốn vậy, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cần phải chủ động đổi mới. Cùng với đó, tỉnh cần quan tâm đầu tư để Bảo tàng Tổng hợp tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn, là nơi giáo dục truyền thống của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

.