Ngược về phía núi…

09:11, 13/11/2021
.
*Truyện ngắn của LÊ NGỌC PHƯỚC
 
(Báo Quảng Ngãi)- Hết những ngày nghỉ phép, Tâm lại thu xếp hành trang rong ruổi lên vùng cao để dạy học. Nơi công tác của Tâm là một xã xa xôi, hẻo lánh nhất huyện. Mùa này, mưa lớn kéo dài, những ngọn núi “no” nước dẫn đến sạt lở triền miên, gây chia cắt nhiều vị trí trên tuyến đường độc đạo dẫn đến trường.
 
Tâm cố băng qua những đống bùn non nhão nhoẹt, trơn trượt. Là nữ nhi nên dù cố gắng tới cỡ nào, Tâm cũng chẳng thể giữ vững được tay lái suốt quãng đường dài, cứ liên tục té ngã. Có đoạn, phải nhờ đến hai, ba thanh niên trợ sức, cô mới rút được đôi chân ra khỏi “bẫy” đất, đá vì lún sâu đến tận gối. Mặt mày nhem nhuốc, quần áo của Tâm ướt sũng... sau những lần “vượt ải” ấy khiến người đi đường cảm thấy xót thương. Nhiều lúc chột dạ, Tâm muốn quay đầu xe rời núi, nhưng rồi, nghĩ tới hình ảnh học trò thân yêu đang ngóng đợi mình, Tâm quên bẵng đi mệt nhọc, khổ sở và như có thêm động lực để chinh phục trở ngại đang chờ đón mình phía trước.
 
Mất cả ngày trời di chuyển, Tâm mới lên đến nơi. Đồng nghiệp thấy Tâm trong bộ dạng như vậy liền chạy xộc từ trong khu nhà tập thể ra hỏi han, an ủi.
 
- Có sao không Tâm? Tớ đợi bạn sáng giờ mà sốt hết cả ruột gan. Thiện, đứa bạn thân nhất ôm chầm lấy Tâm, xúc động đến phát khóc.
 
- Không sao đâu, mình chỉ bị trầy xước một tí thôi. Tâm vừa nói vừa chỉ cho Thiện những vết bầm, rướm máu trên cơ thể.
 
- Thôi bạn tắm, thay đồ, nghỉ ngơi tí cho khỏe nhé. Mình nấu vài món ngon để bạn ăn lấy lại sức. Dứt lời, Thiện mau chóng đi chuẩn bị nguyên liệu để trổ tài bếp núc.
 
Trong lúc chờ đợi, Tâm lật đật đẩy chiếc xe máy ra dòng suối cạnh trường, dội nước chà rửa kỹ cho sạch lớp bùn đất đang bám dày đặc. Tâm coi nó như “chiến mã” bởi nó đã gắn bó với cô ròng rã suốt chục năm qua, dọc ngang hết mọi nẻo đường. Nơi “khỉ ho cò gáy” này, chẳng có phương tiện nào thay thế được. Xong xuôi cả, Tâm mới nghĩ đến bản thân mình. Cô đun ít nước sôi bằng ấm siêu tốc, hòa với nước mưa hứng trong lu để tắm vì không chịu nổi cái lạnh về chiều ở miền sơn cước, giặt giũ toàn bộ số áo quần bị vấy bẩn, đem chúng đi hong khô để có cái mặc trong vài ngày tới.
 
- Xong chưa Tâm ơi, vào ăn cơm nè. Thiện réo to.
 
- Rồi, rồi, vào ngay đây. Tâm đáp.
 
Trời bắt đầu tối sầm lại, màn đêm nhanh chóng bao phủ tứ phía. Ánh điện leo lắt hắt ra từ căn phòng hai người đang ở như xua đi phần nào đó sự tĩnh mịch, im ắng đến đáng sợ. Bữa ăn hôm nay đơn giản chỉ có đĩa rau, vài con cá suối kho nghệ và bát canh được nêm ít gia vị, đúng hơn là nước luộc rau được tận dụng triệt để. Tuy khá đạm bạc nhưng ở nơi còn đầy rẫy khó khăn, thiếu thốn thì đối với Tâm và Thiện, đó là bữa ăn tươm tất, đầy đủ. Do thấm mệt nên Tâm ít nói chuyện, cô ăn vội rồi lên giường ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết. Thiện hiểu ý bạn nên nán lại dọn dẹp đâu vào đó rồi mới tập trung nghiên cứu soạn giáo án.
 
***
 
Tiếng gà gáy vang lên, đại ngàn dần bừng sáng. Tâm thức dậy sớm, phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn sắc xanh mờ ảo phía rừng già nguyên sinh bị sương mai che khuất, thoát ẩn thoát hiện. Cô khởi động cơ thể bằng một vài động tác thể dục cơ bản, rồi hít từng hơi thật sâu cho sảng khoái tinh thần. Chuông hẹn giờ lên lớp đã điểm, Tâm diện áo sơ mi trắng kết hợp quần tây đen, dáng người cao ráo, thanh mảnh. Ở lớp học tạm bợ được dựng từ tranh, tre, nứa, lá cách đó không xa, hàng chục em nhỏ đứng thành hàng cạnh cửa sổ chờ sẵn.
 
- Chào cô ạ. Thấy cô giáo tiến đến, cả đám đồng thanh hô lớn.
 
- Cô chào các em. Chúng ta vào trong thôi nào.
 
- Dạ!
 
Chờ học sinh ổn định chỗ ngồi, Tâm điểm danh sĩ số trước khi dạy. Cô nở nụ cười thật tươi khi thấy lớp học hôm nay đông đủ hơn so với mọi hôm. Tâm lấy trong túi sách ra hộp phấn màu, chọn một viên trong số đó viết lên bảng bài giảng về đạo đức. Những nét chữ tròn trịa lần lượt hiện ra đều tăm tắp. Bên dưới, các em nhỏ thi nhau ê, a đánh vần rồi phát âm theo. Sự rộn rã dường như lấn át cả chốn núi rừng u tịch. Thi thoảng, Tâm đảo quanh một vòng qua các dãy bàn được xếp ngay ngắn, chăm chú quan sát, xoa đầu khích lệ khi thấy em nào chuyên cần, có tiến bộ rõ rệt và tận tình chỉ bảo các em chậm tiếp thu. Dần dà, những cái xoa đầu ấy như một phần thưởng, trò nào cũng ra sức học tập để được cô khen. Những tiết dạy như thế cứ đều đặn diễn ra. Sổ chủ nhiệm của cô giáo trẻ ngày càng “dày” thêm những bút tích, chiếm đa số vẫn là những điểm cộng cho những học trò có thành tích tốt, đáng biểu dương.
 
***
 
Thời gian trôi nhanh, thoáng chốc lại đến cuối tuần, việc đứng lớp tạm ngưng. Nghe đài báo có mưa bão, Tâm hủy kế hoạch về xuôi thăm gia đình như thường lệ và quyết định ở lại. Nhân dịp mới nhận lương, Tâm chạy xe tới quầy hàng nhỏ ven đường mua ít “đặc sản” của rừng như rau dớn, ốc đá, rau ranh... về tự tay nấu nướng thiết đãi Thiện và vài đồng nghiệp khác cho bớt thời gian rảnh rỗi. Họ trải chiếc chiếu sờn cũ ra giữa phòng, bày biện mọi thứ đâu vào đó rồi ngồi quây quần bên nhau, tâm sự chuyện đời, chuyện nghề. Cao hứng, Tâm với lấy cây đàn guitar gảy những điệu bolero nhẹ nhàng, sâu lắng. Thiện bắt nhịp hát theo, chất giọng trong trẻo, cuốn hút khiến mọi người liên tục vỗ tay tán thưởng.
 
***
 
Bỗng dưng tiếng đàn chợt ngưng, tiếng hát chợt lắng. Những người có mặt hôm ấy ngoái đầu nhìn quanh tỏ vẻ tò mò và không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến những dòng lệ chảy xuống gò má của Tâm và Thiện. Có lẽ, câu từ trong bài hát đã chạm đến những tổn thương sâu kín mà hai người phải chịu đựng, muốn “cất giấu” bấy lâu cho riêng mình.
 
- Tâm có bao giờ nghĩ, một ngày nào đó mình sẽ xin luân chuyển công tác về dưới xuôi không? Thiện hỏi.
 
-Tất nhiên là không.
 
- Vì sao?
 
-  Vì mình thương những đứa trẻ ở đây. Mình lo lắng cho tương lai của tụi nó. Mình muốn dạy cho tụi nó cái chữ để sau này có cơ hội vươn xa, đổi đời.
 
- Thế Tâm không lo lắng cho tương lai, cho hạnh phúc của mình sao?
 
-  Điều đó không còn quan trọng đối với Tâm nữa. Hơn chục năm nay rồi, cuộc sống tuy có đôi chút vất vả nhưng mình thấy đủ là được. Thiện không thấy đó sao, mình trang điểm cũng chỉ để mình tự ngắm đấy thôi. Còn ắt có duyên số thì nửa kia sớm muộn cũng sẽ đến, che chở phần đời còn lại, hà cớ gì phải bận tâm chi cho mệt. Tâm chia sẻ.
 
- Ừm, đúng. Cái nghề cao quý này cần những con người như chúng ta, mạnh mẽ, quyết đoán và quan trọng là biết chấp nhận số phận.
 
Không muốn cuộc vui bị ngắt quãng, Tâm và Thiện đứng bật dậy, rủ nhau lên đỉnh đồi đối diện, ngồi ngắm rặng cây Pơ-niêng đang chao mình, đung đưa trước gió. “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”- Tâm cất giọng vu vơ khi nhớ về Quý, người cô đã từng rất mực yêu thương. Tâm chọn rời xa anh bởi cả hai chưa tìm được “tiếng nói chung”. Quý một mực bắt Tâm phải xuống phố mới chịu tính đến chuyện trăm năm, chung quy cũng là để gần nhà, gần gia đình hai bên. Còn Tâm thì ngược lại, chỉ muốn gắn bó với “quê hương thứ hai” này, bởi cô đã cống hiến tuổi thanh xuân tràn đầy nhựa sống cho hành trình “cõng chữ” lên non. Ở đây, cô thật sự hạnh phúc...
 
Nhưng, điều khiến Tâm hãnh diện nhất chính là thế hệ măng non của vùng đất này đang được “tiếp lửa”, được phổ cập tiếng Việt, được nâng cao vốn hiểu biết. Minh chứng rõ ràng nhất là những trò cưng của Tâm luôn tỏ ra vượt trội, đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Thành quả ấy như một sự trả ơn đúng nghĩa cho sự nghiệp “trồng người” của những cô giáo trẻ, cho sự hy sinh thầm lặng, cao cả mà mấy ai có thể làm được.../.
 

.