Đường về nhà...

09:11, 02/11/2021
.
*Truyện ngắn của Ý THU
 
(Báo Quảng Ngãi)- Miên không còn nhớ đã bao lâu rồi mình chưa về quê.
 
Nhà Miên nghèo nhất nhì xóm Mù U. Nghèo tới nỗi ba mẹ Miên bảo chỉ dám sinh một mình Miên chứ không dám có thêm đứa con thứ hai, vì sợ không lo nổi cho con. 
 
Ba Miên cào don, nhủi hến trên sông, còn mẹ Miên thì làm ruộng. Ngày ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", nhưng năm nào ba mẹ Miên cũng phải đi mượn tiền để đóng học phí cho con.
Ngày mà Miên báo tin mình đậu lớp 10 với số điểm cao, Miên không thấy ba mẹ cười, chỉ thấy họ lặng lẽ rớt nước mắt.
 
"Ba mẹ sợ sẽ không lo nổi cho con học hành đến nơi đến chốn. Ba mẹ buồn khi con phải thua thiệt bạn bè, vì nhà mình nghèo", Miên nhớ mãi câu nói ngập ngừng và ánh mắt xót xa của mẹ khi tâm sự cùng Miên.
 
Thấy ba mẹ gánh gồng cực khổ, Miên tự nhủ, sẽ cố gắng học thật giỏi để lớn lên có thể lo cho ba mẹ một cuộc sống đủ đầy. Nhưng nào có ngờ đâu, Miên chưa kịp thực hiện ước mơ, đã trở thành đứa trẻ mồ côi khi vừa bước sang tuổi 15.
 
Vào cái ngày định mệnh ấy, Miên tưởng lòng mình cũng đã trôi theo ba mẹ, khi hay tin ba mẹ đang cào don, nhủi hến thì bị nước cuốn. Cái tuổi 15 tưởng đâu là trăng tròn vành vạnh với bao khát vọng, vậy mà với Miên lại là năm mất đi một mái ấm gia đình.
 
Ba mẹ mất. Họ hàng Miên thì nhiều, nhưng chẳng có ai dang tay lo thêm cho đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi học như Miên. Vậy nên, Miên bỏ học giữa chừng, rồi bôn ba vào miền Nam. 
 
***
 
Đất Sài Gòn hoa lệ dang tay đón Miên vào lòng. Miên cứ thế như cây lục bình, trôi tới đâu lại tìm cách sinh tồn, lớn lên ở đó. Từ một đứa trẻ lóng ngóng, bỡ ngỡ với mọi thứ mới lạ nơi phồn hoa đô thị, Miên dần dà bắt nhịp với cuộc sống, rồi cần mẫn như một con nhện giăng tơ. 
 
Là con gái, ấy thế mà Miên cày cuốc cả hai việc, vừa bán vé số vào ban ngày, vừa bốc vác thuê vào ban đêm. Từ ước mơ lo cho cha mẹ một cuộc sống không lo toan về già, Miên đau đớn chuyển thành nỗi khát khao vượt qua cái đói, cái nghèo để ba mẹ yên tâm nơi chín suối. Vậy nên Miên cứ làm quần quật, không cho bản thân mình thảnh thơi giây phút nào.
 
Không cha, không mẹ, không có lấy một người thân thích nơi đất khách, nên cuộc sống của Miên là những chuỗi ngày mặn chát mồ hôi và đôi khi còn có cả nước mắt. Miên khóc tức tưởi vào cái lần người ta quẹo xe lại giả vờ mua rồi giựt luôn cả xấp vé số trên tay Miên. Miên khóc rấm rứt vì nhớ ba nhớ mẹ, khi Miên đang ngồi trệu trạo nhai hộp cơm ngay trước công viên thì chợt thấy nụ cười rạng rỡ của những đứa trẻ khác khi được cha mẹ dẫn đi chơi. Miên gào khóc đến khản cổ vào cái đêm đi làm về và thấy người bạn cùng phòng đã biến mất cùng với toàn bộ số tiền mà Miên tích cóp được...
 
Nhưng Miên chẳng khóc lâu. Miên khóc đó, rồi cười đó. Bởi Miên tự nhủ với mình: "Trời ơi, mày lớn rồi! Với mày, khóc thì cũng có ai thương đâu?".
 
Những ngày "chân ướt chân ráo" rồi cũng qua. Bán sức làm nghề bốc vác thuê và bán vé số được 3 năm, Miên bắt đầu biết nghĩ xa hơn. Miên xin làm nhân viên phụ bếp cho một quán ăn, rồi ngày ngày tích lũy dần kinh nghiệm nấu ăn. 
Miên cứ thế lớn lên, cứng cáp dần và từ từ "quên" luôn cách khóc. Lắm lúc, nhìn những đứa trẻ con đến ăn ở quán rồi làm nũng, khóc nhè, Miên cũng ước: "Ước chi mình lại được trở về cái thuở mau nước mắt, để những lúc cảm thấy mệt nhoài, cảm thấy bơ vơ... thì những nỗi lòng ấy sẽ trôi theo nước mắt rồi tự khô đi...". Nhưng rồi, Miên lại tự gạt đi suy nghĩ đó, vì Miên sợ nước mắt sẽ làm mình yếu mềm. Miên lo, nước mắt sẽ làm Miên vội vã chuyển đến chỗ trọ khác an toàn hơn, thay vì ở chỗ xóm trọ xa tít mù trong con hẻm toàn dân nghiện hút để tiết kiệm chi phí như bây giờ...
 
***
 
Trời không phụ người chịu khó. Sau 4 năm học hỏi, mày mò kinh nghiệm nấu ăn và tằn tiện, tích cóp, Miên tự mở cho mình 1 quầy hủ tiếu gõ ngoài vỉa hè.
 
Trong khi hầu hết các quầy hủ tiếu khác đều có hai người bán, thì Miên mới chân ướt chân ráo lập nghiệp nên không dám bỏ tiền ra thuê người. Tự mình cáng đáng, bưng bê, chạy bàn như con thoi trên đôi dép nhựa giá 10 nghìn đồng cứng ngơ cứng ngắt, tối về chân Miên phồng rộp cả lên. Những nốt phồng ấy, đến hôm sau lại vỡ ra khiến Miên đau buốt. Nhưng chẳng nghe Miên kêu ca, xuýt xoa gì.
 
Miên nấu hủ tiếu rất ngon, giá cả phải chăng, nên dần dà nườm nượp khách ra vào. Miên từ một mình cáng đáng, giờ đã thuê thêm hai người mới kịp phục vụ khách
 
Khi việc buôn bán của Miên bước đầu thuận lợi thì cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát. 
 
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Miên cũng như những người kinh doanh khác, đành tạm gác lại việc buôn bán để cùng thành phố chống dịch.
 
Thoạt đầu, Miên nghĩ, thành phố sẽ sớm ổn thôi, rồi Miên sẽ sớm đẩy chiếc xe hủ tiếu thơm sực nức mùi nước lèo, mùi hành phi, mùi tóp mỡ ra vỉa hè và thoăn thoắt múc từng tô, từng tô mang ra cho khách. Nhưng rồi, sau hơn hai tháng nằm dài trong phòng trọ chật chội, dõi theo tin tức, Miên biết rằng, "cuộc chiến" với dịch bệnh hãy còn dài.
 
Thoạt đầu, Miên nghĩ, dù có phải chờ đợi bao lâu đi nữa, Miên cũng sẽ bám trụ lại thành phố này. Nhưng rồi, mòn mỏi chờ đợi, chứng kiến nhiều gia đình sống cạnh bên khu trọ Miên ở, người còn, người mất vì dịch bệnh; lòng Miên chợt bùng lên khao khát muốn về quê...
 
***
 
Miên mới nghĩ đến chuyện về quê đêm hôm trước, thì sáng hôm sau, mọi người ở dãy trọ đã thấy Miên khăn gói rời đi.
 
Vừa rời địa phận Sài Gòn, Miên chợt thấy một quầy mang tên "Trạm tiếp tế cho người hồi hương" đặt ngay trên quốc lộ. Rồi cứ thế, cứ cách quãng cỡ 100 cây số, Miên lại thấy một trạm như vậy, nhiều người đứng cầm bánh mì, trứng gà... tiếp sức cho người về quê. 
 
Nhưng Miên không ghé lại!
 
"Mình vẫn còn bánh mì và nước trong ba lô", Miên tự nhủ.
 
Miên cứ lặng lẽ đi trong cô độc như thế rồi cũng về đến quê. Nhưng oái oăm thay, khi chỉ còn cách nhà khoảng 70 cây số, thì xe Miên bị nổ lốp ngay giữa lúc trời mưa như trút nước.
 
Vừa dắt xe lội bì bõm qua cung đường ngập, Miên may mắn được một bác đẩy giúp xe đến một trạm tiếp tế ven đường.
Tới nơi, chưa kịp nghe Miên nói, mọi người đã đãi Miên một tô mì tôm và trứng gà luộc nóng hổi. 
 
"Ăn đi cho ấm người. Còn xe của bạn, tụi mình sẽ chở tới tiệm để người ta sửa cho bạn và trao trả lại bạn ngay trong đêm", thành viên nhóm tiếp tế an ủi Miên.
 
Miên nghe xong, chợt nghẹn ngào trong lòng. Miên lặng lẽ ngồi ăn mì mà nước mắt cứ chảy dài trên má. "Đã lâu lắm rồi, mình mới lại "được" khóc đấy ư!", Miên rưng rưng tự hỏi lòng./.
 

.