Phiên họp tuổi học trò

02:09, 19/09/2021
.
*Truyện ngắn của MAI BÁ ẤN
 
(Báo Quảng Ngãi)- Một ngày cuối tháng Tám, sau những ngày hè vui vẻ cùng chuyến nghỉ mát với ba mẹ tận Đà Lạt, Mai dong xe về Tam Mỹ thăm Thương. Thăm để ổn định tinh thần chuẩn bị bước vào năm học mới vì Thương vốn là cô bạn học siêng năng, học giỏi mà không ít lần gặp những bài toán khó, Mai đã phải nhờ Thương giảng hộ. Nhà Thương nghèo, một chiếc đinh vô tình đóng vào tay người cha làm nghề thợ mộc của Thương như một định mệnh sinh nghề tử nghiệp, Thương chỉ còn có mẹ. Mẹ Thương tần tảo nuôi con bằng đôi tay lam lũ của một người phụ nữ nông dân. Các anh chị Thương đều phải nghỉ học sớm, rồi lập gia đình, rồi tiếp tục khó khăn với cuộc sống ruộng nương, con cái. Chỉ còn Thương được người mẹ cố gắng cho con ăn học vì Thương có chí và học giỏi. 
 
Sau giờ học, trong lúc bạn bè còn la cà, rong chơi, Thương đã tất bật đạp xe về để phụ giúp việc ruộng nương cùng mẹ. Nhớ lần cả lớp tổ chức đi chơi núi Thiên Ấn. Cả lớp đang ngồi hát dưới bóng cây, trời đột ngột nổi mưa dông. Thương đang đứng hát, bỗng nhiên dừng lại, sắc mặt tái xanh tất tưởi chạy về nhà. Cả bọn ngạc nhiên, rồi chạy xe đến nhà Thương. Hai mẹ con đang hối hả quét hốt cả sân khoai lang đang phơi trên sân gạch. Cả bọn ùa vào đứa xúc, đứa ôm đưa được hết số khoai đang phơi vào nhà, lúc ấy, Thương mới đưa tay gạt mồ hôi và mỉm cười xin lỗi. Càng nghĩ Mai càng thấy thương yêu và khâm phục người bạn gái của mình.
 
Vậy đó mà Mai với Thương lại thân nhau, ngồi chung bàn suốt cả năm lớp 10. Giờ cùng lên 11. Và nhất định, bằng mọi cách, Mai sẽ ga lăng lớp trưởng để được ngồi cùng bàn.
 
So với Thương, Mai và đám bạn thân cùng lớp còn nhiều diễm phúc. Ba mẹ đều là cán bộ nhà nước. Tuy không giàu có nhưng cuộc sống có phần thảnh thơi hơn. Về học hành, rõ ràng Thương khá nhất lớp, ai cũng công nhận. Về nhan sắc, Mai chỉ nhích hơn Thương ở cái nước da thiếu nắng và đôi tay thon thả, nhưng cái mà Mai và cả lớp phải ghen với Thương là giọng hát. Chẳng qua trường lớp gì, Thương cứ hát tự nhiên như vốn có. Mà Thương đã hát thì chỉ có hay thôi. Chính vì thế, tuy không bao giờ được gọi là hoa khôi trường lớp, nhưng về học lực và văn nghệ thì tập thể lớp, cả trường nữa đã bao lần được hãnh diện bởi tài năng của cô học trò nghèo.
 
Đến nhà Thương lúc trời đã xế chiều, Mai cố ý tắt máy xe tận ngoài ngõ để lặng lẽ dắt vào nhằm tặng cho Thương một chuyến thăm bất ngờ. Chắc là Thương vui lắm. Mai biết, trong lúc mình được ba mẹ cho đi chơi những ngày hè thì Thương lại phải cùng mẹ quần quật trên đồng và nhất định cứ mỗi chiều là ngồi chờ Mai và bạn bè thân đến. Mai tưởng tượng ra khuôn mặt rạng rỡ của Thương khi ra đón. Nào ngờ... cũng là Thương đó thôi, nhưng ra đón Mai lại là một khuôn mặt buồn mà Mai chưa bao giờ nhìn thấy. Hình như Thương đang khóc...
 
- Có chuyện gì vậy Thương? Mẹ đâu rồi?
 
Thương cười. Một nụ cười buồn già hơn tuổi.
 
- Mẹ đang ở ngoài đồng. Chẳng có gì đâu Mai. Vào đây!
 
- Không! Nhất định là có. Sao Thương giấu Mai. Nói không mình bỏ về đây!
 
- Thì vào đây đã nào. Xưa nay mình có giấu Mai được cái gì đâu!
 
- Ừ! Thì vào. Tớ có quà Đà Lạt cho cậu nè. Xinh chưa!
 
- Ô! Đẹp quá. Thích quá. Cám ơn cậu...
 
Một thoáng lặng yên, rồi giọng Thương thoảng như hơi gió:
 
- Buồn lắm Mai ơi!
 
- Sao? Buồn sao?
 
- Chắc mình không đi học với Mai và các bạn được nữa rồi...
 
- Cái gì? Cậu mà nghỉ học há!  
 
Thương lặng im, nhìn xuống chân mình. Nói như khóc. Mà Thương khóc thật. Giọng Thương chìm trong nước mắt:
 
- Biết làm sao Mai. Hai bộ quần áo dài và... Rồi thì sách vở, học phí đầu năm... Bao nhiêu thứ đó, mẹ con mình dù có cần cù cũng đào đâu ra trên cái mảnh đất khô cằn này. Đành vậy. Mai thấy đó, anh chị mình có ai qua nổi cấp hai đâu. Mình như vầy là may quá...
 
- Nhưng mà...
 
- Tiếc lắm Mai ơi! Giờ mà có ai bảo mình đi rửa bát thuê trả đủ số tiền để mình được đến trường, chắc mà mình cũng sẵn sàng chấp nhận.
 
- Nhưng... cả cái hè vừa rồi, Thương làm lụng suốt kia mà...
 
- Ừ, thì lúa nhà mình đang làm đòng đấy, khoai đang trổ hoa kia, nhưng chưa đến mùa, lấy đâu mà bán! Vả lại, Mai chưa biết đó thôi, lúa khoai thì cũng chỉ đủ để ăn. Có bán thì cũng chẳng được mấy đồng. Mà thực ra, nếu đem lúa khoai ra mà so với hai bộ quần áo dài thì... với nhà mình hiện nay, nó còn xa xỉ lắm. Đời mẹ mình, suốt bốn mùa dầm thân mưa nắng mà có bao giờ...
 
Thương lại khóc. Và Mai cũng khóc. Phũ phàng đến thế này sao? Người muốn học thì chẳng đủ tiền, lại có kẻ dư tiền mà không chịu học. Vậy mà... bấy lâu nay, Mai cứ tưởng... Thương bạn quá nhưng Mai biết làm sao! Nhưng mà... Thương mà nghỉ học thì vô lý lắm. Gương mặt cô bé học trò đanh lại như vừa mới phát hiện ra lần đầu cái điều phi lý. Và cũng chính trong đầu óc thơ ngây kia vừa có một ý tưởng thoáng qua như lần đầu tiên cô trở thành người lớn. Mai quả quyết:
 
- Thương này, cậu bình tâm lại đã. Và từ bây giờ, cậu phải luôn nghĩ rằng, mình phải được đi học. Nhớ chưa? Tin là được! Đừng bi quan. Mình về đây, chiều mai mình đến. Nhớ đợi nghe! Cấm Thương khóc đó!
 
Dáng buồn bã... Và như có một cơn giận dữ vô hình vừa dấy lên trong tấm lòng bé dại. Mai rồ máy xe gấp gáp như đang diễn ra trong trí óc thơ ngây một quyết định rất tình cờ...
 
Chiều hôm sau.
 
Niềm mơ ước được đến trường khiến Thương cứ mãi đợi chờ từ lúc xế trưa, cho dù Thương không biết mình đợi chờ cái điều gì nữa. Một mớ bắp luộc đựng trong chiếc rá để trên bàn đang chờ Mai đến. Không biết cô bạn nhỏ tốt bụng có hóa được thành Tiên để huơ đôi đũa thần kỳ chỉ lối cho Thương đến lớp!...
 
Và như một giấc mơ, không phải chỉ một cô Tiên, mà cả một bầy Tiên trai, Tiên gái đã giáng trần. Họ đang tung tăng trên đồng ruộng. Tiên đang qua ngõ nhà Thương. Tiên trai thì có Tuấn -  Vịt đực, Đoàn - Thi nhân, Khôi - Đờn, An - Hít, Thạnh - Dừa, Tâm - Ống Túm. Tiên gái, ngoài tiên Mai- Hùng biện, còn có cả Ánh - Mắt nai, Phượng - Hay hờn, Hồng - Tiểu muội, Sâm - Làm dáng. Ôi những cái tên biệt danh nghịch ngợm chả một chút Tiên nào... Và giờ thì, chúng ta thử xem bầy Tiên con ấy đã mang gì đến với cuộc đời cô Lọ - Lem - Thương!
 
- Vầy nhé! - Phượng cao giọng. 
 
- Chiều qua, nghe Mai báo tin buồn, bọn mình đã tổ chức một cuộc họp quan trọng. Bây giờ, thay mặt đoàn chủ tịch, tôi xin trân trọng giới thiệu bà Ngọc Mai - Chủ tịch đoàn chủ tịch cuộc họp diễn ra vào lúc 19 giờ 2 phút 5 giây, tại gốc ổi sẻ vườn nhà ông Nguyễn Anh Tuấn - sẽ tuyên bố kết quả cuộc họp.
 
Mai đứng lên, gương mặt rạng rỡ niềm vui:
 
- Nhân danh Chủ tịch đoàn chủ tịch cuộc họp, tôi - Dương Thị Ngọc Mai, xin tuyên bố: Công dân Trần Thị Thương Thương vốn là một công dân cần cù, siêng năng, học giỏi, hát hay... Với ngần ấy những phẩm chất tốt đẹp, công dân Thương Thương không được quyền nghỉ học vì bất kỳ một lý do gì. Cho nên, cuộc họp đã thống nhất:
 
 - Một nhỏ: Hai công dân Ngọc Mai, Ngọc Ánh, mỗi người đã được ba mẹ may cho ba bộ quần áo dài, vì "sự nghiệp" chung sẽ dành tặng cho Thương Thương mỗi người một bộ. Xin mở ngoặc là... vì hai công dân này có số đo kích cỡ vừa với Thương Thương.
 
 - Hai nhỏ: Sáu công dân trai dành dụm tiền ba mẹ cho để phân công nhau mua đủ sách vở cho công dân Thương Thương tiếp tục sự nghiệp học hành vĩ đại của mình.
 
- Ba nhỏ: Ba công dân gái: Phượng, Hồng và Sâm, ngay bây giờ, cùng cả bọn chở Thương Thương lên thị trấn mua gấp hai đôi giày loại xịn... vừa để Thương Thương đến lớp. Tuyên bố giải tán.
 
Thương Thương hốt hoảng, quá xúc động, đôi mắt long lanh, nói như bị ríu lưỡi, nói với bạn mà hình như đang nói với chính mình:
 
- Cám ơn các bạn! Các bạn tốt với Thương Thương quá. Cám ơn các chàng Tiên và cô Tiên đã giáng thế kịp thời. Chao ôi! Mẹ....
 
Thương gục vào lòng Mai và lại khóc. Sợ bọn Tiên gái khóc theo, Tuấn - bằng một giọng trầm rè vịt đực hét lên:
 
- Thôi thôi các bà. Khóc à! Trong cuộc họp hôm qua đâu có ai bàn về cái tiết mục khóc này đâu! Đừng nên khóc. Bạn bè giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn, đó là nghĩa vụ, là tình cảm. Nè! Thương ơi! Tuấn chia bắp luộc nhé! Đây, mỗi người một quả vừa gặm vừa lên đường tiến về thị trấn.
 
Và tất cả cùng lên xe...
 
Lúc này, ba mẹ họ đâu có ai ngờ họ vừa tổ chức một phiên họp bất thường đầy ý nghĩa...
 
Và bà mẹ già vẫn còn đang xót xa vì sự học đứt đoạn của con, lúc này, vẫn còn đang khom mình trên ruộng lúa.../.
 

.