Đôi điều về tiếng nói, chữ viết của dân tộc Hrê

03:09, 15/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dân tộc Hrê cư trú lâu đời chủ yếu ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long (Quảng Ngãi), huyện An Lão (Bình Định), một số ít ở huyện Kon Plong (Kon Tum). Để tiếng nói, chữ viết của người Hrê được duy trì và phát triển, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thì rất cần sự quan tâm biên soạn, xuất bản sách bộ chữ viết tiếng Hrê.
[links()]
 
Tiếng dân tộc Hrê được chính thức công nhận là ngôn ngữ của dân tộc thiểu số Việt Nam, thuộc nhóm Môn - Khmer, ngữ hệ Nam Á. Tỷ lệ từ chung khá cao cùng với một số biểu hiện tương đồng với tiếng Ba Na và tiếng Xơ Đăng. Trước đây, giọng nói và một số từ ở mỗi vùng mà người Hrê sinh sống cũng có khác nhau đôi chút.
 
Ngày nay xã hội phát triển và có sự giao thoa giữa các vùng miền, do đó một số từ đã “biến thể”, hoặc bị “thay thế”, xuất hiện nhiều từ mới lạ, trong đó sử dụng tiếng Việt (tiếng phổ thông) nhiều nhất. Đã biến thể từ, đương nhiên giọng nói cũng biến thể theo, nên tính đặc trưng của vùng miền ngày càng mờ nhạt, thậm chí khó phân biệt. Điều đáng nói nữa là, hiện nay nhiều con em người Hrê không biết nói tiếng mẹ đẻ, tiếng dân tộc mình, nhất là các gia đình ở thành thị, hoặc cha mẹ làm việc ở cơ quan nhà nước. Chúng tôi e ngại rằng, sự ít dần nhu cầu sử dụng của mỗi người (người Hrê), nó sẽ mất dần của cải vô giá của dân tộc, đó là tiếng mẹ đẻ!
 
Trước năm 1975, chữ viết tiếng Hrê ra đời bằng cách dùng hệ thống ký tự Latinh để phiên âm, được sử dụng khá rộng rãi trong cộng đồng người Hrê, đặc biệt là ở vùng địch tạm chiếm.
 
Đồng bào Hrê hát múa mừng đón xuân mới.                 Ảnh: T.Nhị
Đồng bào Hrê hát múa mừng đón xuân mới. Ảnh: T.Nhị
Sau khi tách tỉnh Nghĩa Bình thành hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định (năm 1989) đến nay, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi có phát chương trình tiếng Hrê trên sóng phát thanh và truyền hình. Những năm gần đây, Đài Truyền thanh các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long cũng có phát thanh chương trình tiếng dân tộc Hrê, nhưng hầu hết phát thanh viên tự dịch, soạn chữ theo cách viết riêng của mình, một số phát thanh viên dịch đọc trực tiếp trên văn bản tiếng Việt mà không cần dịch soạn chữ tiếng Hrê.
 
Thực hiện chủ trương của trung ương về đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi, Quảng Ngãi đã có chủ trương biên soạn tài liệu dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ người Kinh công tác ở vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có tiếng Hrê. Những người đã có công biên soạn chữ viết tiếng Hrê là ông Đinh Sơn Hải, bà Nga Ri Vê, ông Đinh Cơi và ông Rô Đăm Bình. Ông Đinh Sơn Hải và bà Nga Ri Vê biên soạn làm tài liệu đọc chương trình tiếng Hrê phát trên sóng phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi vào những năm 1990 - 2000; bà Nga Ri Vê, ông Đinh Cơi và ông Rô Đăm Bình biên soạn làm tài liệu dạy tiếng Hrê cho cán bộ, công chức, viên chức người Kinh đang công tác ở vùng có đồng bào dân tộc Hrê trên địa bàn tỉnh.
 
Năm 2008, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định xuất bản sách BÔQ CHÙ HRÊ BÌNH ĐÌNH (Bộ chữ Hrê Bình Định) do Sở KH&CN tỉnh Bình Định và Viện Ngôn ngữ học (thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) hợp tác thực hiện; người trực tiếp biên soạn là TS.Tạ Văn Thông (Viện Ngôn ngữ học) và ông Đinh Văn Thành (Sở GD&ĐT Bình Định). Sách gồm có ba phần, phương pháp thể hiện dạng từ điển Hrê - Việt.
 
Qua nghiên cứu các tài liệu, chúng tôi nhận thấy một số từ có cách viết khác nhau, chưa thống nhất, còn bất cập. Nguyên nhân cũng có thể do cách viết theo ngữ âm địa phương, hoặc tư duy cá nhân (?). Hiện nay, chữ viết tiếng dân tộc Hrê ở Quảng Ngãi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt công nhận chính thức, chưa được phổ biến rộng rãi, chỉ sử dụng trong phạm vi dạy cho cán bộ, công chức, viên chức người Kinh đang công tác ở vùng có đồng bào dân tộc Hrê trên địa bàn tỉnh, rất nhiều người dân tộc Hrê không biết chữ Hrê (!).
 
Thiết nghĩ, các cơ quan có chức năng, thẩm quyền ở tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện biên soạn, hoàn thiện chữ viết tiếng dân tộc Hrê, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, công nhận để phổ biến rộng rãi đưa vào trong chương trình giảng dạy ở cấp tiểu học đối với học sinh con em dân tộc Hrê trên địa bàn tỉnh. Trong công tác biên soạn nên có một số người Hrê có am hiểu về văn hóa Hrê, có trình độ sư phạm nhất định và biết nói tiếng Hrê tham gia thì mới có thể chuẩn xác bộ chữ viết tiếng Hrê, mặc dù được biết hiện nay có công nghệ, máy tính, phần mềm hỗ trợ kỹ thuật phân tích tiếng nói.
 
Minh Đát 
 
 
 

.