(Báo Quảng Ngãi)- “Chim mía Xuân Phổ, cá bống sông Trà, kẹo gương Thu Xà, mạch nha Thi Phổ”, bốn món ăn nổi tiếng của Quảng Ngãi xưa vẫn còn in đậm trong tâm thức của nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên trên vùng đất này. Qua nhiều biến đổi thời cuộc, có thứ không còn, có thứ bị lãng quên, nhưng cá bống sông Trà vẫn còn nguyên hương vị thơm lừng, hấp dẫn khách phương xa khi ghé thăm Quảng Ngãi.
[links()]
Đội cơn mưa phùn gió bấc tháng Chạp lạnh cóng, tôi đi dọc vùng hạ lưu sông Trà để ngắm nhìn con sông quê đã gắn bó với tôi nhiều kỷ niệm. Mùa này dọc hai bên sông khá im vắng, bởi không phải là mùa chính khai thác cá bống và các loài thủy sản. Ghé vào xóm Ghe thuộc thôn Liên Hiệp, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), nơi ngày xưa được mệnh danh là “thủ phủ” chuyên nghề khai thác cá bống trên sông Trà nay còn lại chưa đến chục người làm nghề này. Ông Ngô Văn Thạnh đã gần 70 tuổi là cao thủ trong nghề thả ống bắt cá bống giọng nuối tiếc: “Ngày xưa cá bống nhiều vô kể, tha hồ mà thả ống. Sông bây giờ vào mùa nắng gần như khô cạn, nên cá không nhiều. Già như tôi đã làm mấy chục năm rồi, giờ gắn bó với nghề để kiếm ít tiền mà sống. Lớp trẻ bây giờ không làm nữa”.
Mang chút suy tư của những người sống bằng nghề sông nước, tôi xuôi về Tịnh Long, nơi ngày xưa có nhiều gia đình chuyên nghề khai thác cá bống trên sông Trà. Cũng như ở xóm Ghe, ở đây chỉ còn một số người lớn tuối thả ống, giăng lưới bắt cá bống làm kế mưu sinh. Ông Thanh đã mấy chục năm chuyên thả ống trúm bắt cá bống nhớ lại, ngày xưa từ tháng Giêng đến tháng 8 là quãng thời gian khai thác cá bống. Sau Tết âm lịch cá thài bai từ cửa sông bơi ngược dòng rồi lớn dần thành cá bống. Cứ chiều tối ra sông đặt chừng 100 ống trúm, thể nào sáng hôm sau dốc cũng được vài ký cá. Giờ thì may lắm kiếm được ký, còn thì chỉ vài lạng đem chợ bán. Dẫu có chút nuối tiếc, nhưng ông vẫn bám nghề thả ống bắt cá bống trên sông Trà.
Dọc vùng hạ lưu sông Trà từ Tịnh Giang, Tịnh Sơn đến Tịnh Hà, Tịnh An, Tịnh Long có nhiều gia đình sống bằng nghề khai thác cá bống và chế biến cá bống kho. Tìm đến thôn Tân Mỹ, xã Tịnh An mới hay cụ Thận là người đánh bắt cá bống nổi tiếng khắp vùng vừa mới mất. Nối nghiệp gia đình, chị Nam con gái ông vẫn bền bỉ với nghề kho rim cá bống để bán cho khách phương xa. Chị Nam kể: Từ lúc nhỏ đã theo cha ra sông Trà để xem cha đắp bờ, bỏ mẻ, thả ống bắt cá bống. Lớn lên lại cùng cha làm nghề này.
Đánh bắt cá trên sông Trà. ẢNH: TRÍ TÍN |
Nguồn lợi thủy sản trên sông Trà ngày càng ít, nên nhiều người ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) bỏ ghe, bỏ lưới đi tìm nghề khác mưu sinh. Riêng gia đình anh Thuần, chị Sương thì cố giữ lấy nghề. Anh vẫn miệt mài với công việc giăng lưới tìm bắt cá bống trên sông Trà, còn chị mua gom cá bống thật nhiều để kho rim. Nhờ có bí quyết riêng, nên sản phẩm cá bống kho của chị Sương khá nổi tiếng. Con gái đầu của chị cũng đang theo nghề của mẹ.
Cá bống sông Trà kho là món ngon đặc trưng của Quảng Ngãi đã được ca dao truyền lại: “Phải đâu chàng nói mà xiêu/ Tại con cá bống tại niêu nước chè”. Cá bống sông Trà cũng đã vào thơ vào nhạc, có mặt trong nhiều siêu thị, nhà hàng, khách sạn. Cá bống kho rim sông Trà theo các chuyến bay đến tận Châu Âu, Châu Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới, vào “top” 50 món ăn ngon nhất Việt Nam. Nổi tiếng là thế nhưng “số phận” con cá bống sông Trà cũng thật hẩm hiu.
Từ khi đập Thạch Nham chặn dòng, cộng với nguồn nước sông ngày càng bị ô nhiễm và nạn khai thác cát vô tội vạ đã thu hẹp môi trường sinh trưởng của cá bống. Là món đặc sản, nhu cầu của thị trường rất lớn, nên có không ít người quê ở ven sông Trà ra Quảng Nam đánh bắt cá bống trên hồ Phú Ninh và các con sông rồi mang về Quảng Ngãi bán. Cá bống Quảng Nam sống trên bùn đất mình rổ hoa hoặc xám đen, thân lép, thịt bở không ngon bằng cá bống sông Trà. Nếu trà trộn hai loại cá bống này để đánh lừa du khách, sợ rằng thương hiệu cá bống sông Trà sẽ khó đứng vững.
Sông Trà ngày xưa là vựa thủy sản nước ngọt, nước lợ lớn nuôi sống hàng vạn gia đình vùng hạ lưu ven sông. Cùng với các loại cá ngon như cá chát, cá dày, cá chình, cá úc ngày càng hiếm, cá bống trên sông cũng ít dần, để lại nỗi lo cho nhiều người. Làm thế nào để nhanh chóng tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Trà, nhất là loài đặc chủng cá bống đang là câu hỏi bức bách hiện nay.
THANH TÁNH