Nghề dệt vải thổ cẩm ở đại ngàn Trường Sơn: Cùng chung tay gìn giữ

09:11, 18/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nghề dệt vải thổ cẩm của các dân tộc miền núi có từ lâu đời, gắn bó với cuộc sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Đây là di sản văn hóa, tài nguyên nhân văn quý giá của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ.
[links()]
Sản phẩm đặc trưng
 
Các dân tộc sinh sống ở dọc dãy Trường Sơn đều bảo lưu nghề dệt vải thổ cẩm, tiêu biểu là dân tộc Hrê (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi), dân tộc Cơ Tu (Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), dân tộc Tà Ôi (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế)...  Cho đến nay, đồng bào các dân tộc miền núi các tỉnh miền Trung vẫn còn bảo lưu loại hình khung dệt indonesien - “khung dệt dùng sức căng của cơ thể”- kiểu khung dệt cổ xưa nhất của nhân loại. Sản phẩm làm ra như chiếc váy, tấm khố, cái tấm choàng, khăn, mũ... được định hình luôn trên khung dệt chứ không cần qua giai đoạn cắt may. Một số sản phẩm mang tính đa năng, có thể vừa là tấm choàng, vừa là tấm đắp, có thể vừa là áo, vừa là mũ, vừa là váy vừa là tấm địu em bé... 
Các thợ dệt trẻ dân tộc Hrê, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) bên khung dệt.              Ảnh: Văn Xuân
Các thợ dệt trẻ dân tộc Hrê, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) bên khung dệt. Ảnh: Văn Xuân
Đối với các tộc người, thổ cẩm là đồ vật quan trọng để duy trì cuộc sống, đảm bảo cái ăn cái mặc hằng ngày, làm nên sắc phục cổ truyền. Sau mùa nương rẫy hay những lúc nhàn rỗi, họ luôn cần mẫn bên xa quay sợi và khung dệt làm ra những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của gia đình, buôn làng, sáng tạo nên những bộ trang phục với nhiều kiểu hoa văn mang đậm dấu ấn văn hoá tộc người. Việc phổ biến, truyền nghề trồng bông, dệt vải cho con cháu luôn được đồng bào coi trọng. Nghề kéo sợi dệt vải, làm ra những bộ trang phục làm đẹp cho chính mình và làm sang cho chồng con chính là thước đo về công dung, đức hạnh của người phụ nữ.
 
Nghề dệt truyền thống đã giúp đồng bào các dân tộc ở núi rừng Trường Sơn như Cơ Tu, Hrê, Tà Ôi, Ca Dong, Bru - Vân Kiều... bảo lưu nhiều loại hình trang phục. Trang phục nam giới có áo choàng thổ cẩm, được tạo nên bằng một tấm vải lớn, tấm khố để che nửa thân thể phía dưới của nam giới. Chiếc khố là sản phẩm độc đáo, đặc trưng nhất của đồng bào các dân tộc vùng Trường Sơn. Chiếc khố hoa là sản phẩm chứa đựng nhiều giá trị về nghệ thuật trang trí hoa văn. Còn chiếc váy là sản phẩm thể hiện sự khéo tay của thợ dệt thủ công các dân tộc, nổi bật nhất là chiếc váy có hoa văn, màu săc rực rỡ, đẹp mắt trong bộ nữ phục các dân tộc.
 
Nguy cơ thất truyền
 
Loại hình di sản “làng nghề truyền thống” này của các dân tộc được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nghề dệt của đồng bào các dân tộc ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế đang có nguy cơ mai một, thất truyền. 
Thợ dệt vải thổ cẩm dân tộc Cơ Tu đang dệt vải tại Vinpearl Nam Hội An (Quảng Nam).             ẢNH: TẤN VỊNH
Thợ dệt vải thổ cẩm dân tộc Cơ Tu đang dệt vải tại Vinpearl Nam Hội An (Quảng Nam). ẢNH: TẤN VỊNH
Thực tế, nghề dệt của đồng bào các dân tộc ở vùng núi rừng Trường Sơn cũng như các tỉnh Tây Nguyên đang bị mất dần chỗ đứng. Việc sử dụng các sản phẩm thổ cẩm, trang phục truyền thống không còn phố biến, chỉ thấy xuất hiện trong các lễ hội. Sắc màu văn hóa thổ cẩm đang bị mờ nhạt dần theo thời gian và nghề dệt chỉ còn ở một số ít buôn làng. Tuy nhiên, nguyên liệu dệt đã thay đổi, không giữ được hồn cốt của thổ cẩm truyền thống, nhất là hoa văn và sắc màu. 
 
Đồng bào không còn trồng bông, kéo sợi, nhuộm màu như xưa mà thường mua len, chỉ ngoài thị trường để duy trì nghề dệt. Hầu như cả vùng núi Trường Sơn, chỉ duy nhất người Cơ Tu ở làng Công Dồn, huyện Nam Giang (Quảng Nam) còn biết dệt theo lối cổ xưa, phải qua nhiều công đoạn như trồng bông, xe chỉ, tìm lá cây, rễ cây, vỏ ốc để nhuộm sợi, dệt các loại hoa văn... Do đó, việc bảo tồn nghề dệt, giữ gìn di sản làng nghề cho đồng bào Hrê, Cơ Tu, Tà Ôi... là một việc làm cần thiết. 
 
Cần phát huy di sản quý
 
Để duy trì hoạt động nghề dệt truyền thống lâu đời của các dân tộc, chúng ta cần quan tâm hơn những yếu tố làm nên thổ cẩm, di sản trân quý của nền văn hóa tộc người. Đó là việc duy trì, bảo lưu nghề dệt của đồng bào đang sinh sống trong địa bàn của mình và một số địa phương lân cận.
 
Trong quá khứ, đồng bào các dân tộc vùng cao xứ Quảng và Thuận Quảng thường qua lại trao đổi vải vóc, trang phục, đồ trang sức, hình thành “Con đường thổ cẩm”. Vải zèng của dân tộc Tà Ôi đẹp nức tiếng, nên bà con Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang, Đông Giang rất ưa chuộng. Họ mua khố, váy, tấm choàng... làm trang phục vì dân tộc Tà Ôi và Cơ Tu giống nhau và mua vải thổ cẩm để trang trí nhà cửa, nhà cộng đồng... 
 
Phát huy truyền thống đó, các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế cần phối hợp thực hiện các dự án bảo tồn nghề dệt và trang phục cho đồng bào dân tộc. Với tiềm năng đất đai sẵn có, các tỉnh cần hình thành trung tâm trồng và sản xuất bông để cung cấp cho đồng bào địa phương nguồn bông vải thường xuyên và ổn định để đồng bào có nguyên liệu chế biến theo phương thức cổ truyền. Như gần đây, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An lần đầu tiên đã trồng được 2ha bông sau nhiều năm vắng bóng loại cây này ở vùng đồng bằng xứ Quảng. 
 
Một số thợ dệt Cơ Tu được mời đến Vinpearl Nam Hội An, làng lụa Hội An thao tác, trình diễn các công đoạn dệt thổ cẩm phục vụ du khách. Được sự hỗ trợ của Tổ chức cứu trợ quốc tế Nhật Bản (FIRD), đã hình thành “Mạng lưới dệt thổ cẩm”, kết nối các nhóm thợ dệt tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Làng du lịch miền núi hình thành, khuyến khích nghệ nhân, thợ dệt sáng tạo nên những sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa của từng dân tộc như màu sắc, mô típ hoa văn, các loại hình trang phục, các mặt hàng tiêu dùng và lưu niệm bằng thổ cẩm.
 
Ngoài ra, cần nghiên cứu áp dụng các mô hình thổ cẩm ứng dụng trong trường học, nhất là các trường dân tộc nội trú. Điển hình như huyện Tây Trà (nay sáp nhập vào huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi), từ năm học 2013 - 2014 đến nay đã đưa trang phục truyền thống người Cor đến trường cho các em học sinh trường THPT huyện. Thường xuyên tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu về di sản văn hóa thổ cẩm đến mọi người, nhất là khách du lịch trong và ngoài nước. Festival làng nghề truyền thống được tổ chức hai năm một lần ở Huế cũng đã thu hút các nghệ nhân dệt thổ cẩm dân tộc Hrê ở Ba Tơ, Tà Ôi ở A Lưới và các dân tộc ở nhiều vùng miền khác nhau trong nước giới thiệu những sản phẩm thổ cẩm độc đáo của dân tộc mình. Các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế cần phối hợp tổ chức Festival Thổ cẩm nhằm tôn vinh làng nghề, nghệ nhân và sản phẩm của đồng bào các dân tộc miền núi.
 
Nghề dệt truyền thống của đồng bào được duy trì cũng góp phần thay đổi diện mạo ở buôn làng, vừa giúp giữ gìn sắc phục dân tộc, vừa tạo công ăn việc làm, có thêm nguồn thu nhập ổn định, tạo ra các sản phẩm du lịch. Thông qua các hoạt động làng nghề, lễ hội truyền thống, hoạt động du lịch tuyên truyền cho người dân, nhất là thế hệ trẻ trân trọng sản phẩm thổ cẩm, trang phục dân tộc, cùng chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc.
 
TẤN VỊNH
 
 
 
 
 

.