(Báo Quảng Ngãi)- Trong những thứ ánh sáng của tuổi thơ, thì ngoài ánh trăng còn có ánh sáng của đèn dầu, mà một thời người dân quê tôi luôn gắn bó mật thiết trong mọi sinh hoạt lúc đêm về. Cho đến khi có điện thắp sáng, đèn dầu vẫn được các gia đình lau chùi, cất kỹ dự phòng vào những đêm mất điện.
[links()]
Quê tôi vừa xảy ra một trận bão lớn khiến cả hệ thống lưới điện gặp sự cố, phải ngừng cung cấp điện. Ấy thế là chiếc đèn dầu từ lâu nằm rúm ró trong góc tủ để chờ đợi những khoảnh khắc “cúp điện” lại có dịp để trưng dụng. Khi trời vừa nhá nhem, ba tôi kiểm tra hết mấy cây đèn dầu trong nhà, châm thêm dầu vào đèn, sẵn sàng để thắp sáng. Dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu, khuôn mặt ba má hiện lên nỗi khắc khổ, bàn tay nhiều nếp nhăn. Tôi thương ba má, thương những ngày ấu thơ bên ngôi nhà vách đất, bên ngọn đèn dầu ê a đọc chữ. Để rồi, ký ức tuổi thơ lại ùa về trong tôi.
Đèn dầu còn rất mới lạ, thích thú với trẻ em ngày nay. Ảnh: MỸ DUYÊN |
Nhớ những ngày còn bé, cứ mỗi buổi hừng đông chị em tôi ngồi ôn bài với chiếc đèn dầu, thì bên chái bếp má lui cui chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà và cũng cho bọn trẻ chúng tôi kịp lội bộ đến trường. Ở cái xứ đèn dầu thì có cầu kỳ gì đâu, bữa ăn sáng đơn giản chỉ với nồi khoai luộc nóng hổi, bữa nào sang hơn một chút thì nồi cơm rang để ăn cho chắc bụng. Chiếc đèn dầu cũ kỹ với ánh sáng leo lắt ấy đã gắn bó gần suốt cuộc đời của ba má và theo suốt thời thơ ấu của chúng tôi, cũng như của biết bao người chân quê.
Thuở trước muốn bắt được con cá, con tôm “ăn đêm”, ba tôi phải làm những chiếc lồng đựng đèn dầu. Khổ nỗi hồi đó không có vật dụng gì để làm lồng đèn, nên người ta thường nghĩ ra cách dùng chiếc mo cau và tre đóng lại. Những vật dụng này trông ngộ nghĩnh, nhưng đầy tính sáng tạo. Chiếc đèn dầu chui vào mái nhà của mình vừa để tránh gió vừa hắt ra ánh sáng theo những bước chân trần len lỏi trong lau sậy, kênh suối để kiếm được con cá, con tôm. Đi “soi” bằng đèn dầu thì cực nhọc rồi, nhưng chắc chắn đó là một kiểu bắt cá tôm thú vị nhất đối với những ai từng một thời lam lũ, gắn bó với ruộng đồng. Trong đêm tối của làng quê những đốm sáng le lói, chập chờn của những người đi soi cua, soi cá cũng đủ tạo nên bức tranh sinh động trong ánh mắt trẻ thơ.
Tôi còn nhớ như in, mỗi khi đêm xuống, má ngồi cần mẫn bên khuôn đổ bánh thuẫn để bán, còn ba lo khâu lửa than. Chị em tôi thích nhất là lúc ngồi chờ đợi những mẻ bánh đầu tiên để thưởng thức.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi, đèn dầu đã được thay bằng đèn điện từ rất lâu rồi. Bất chợt những ngày mất điện, tôi lại có dịp trở về với cuộc sống rất đỗi dung dị, mộc mạc. Bởi với những người sinh ra và lớn lên bên gốc rạ, khó có thể quên ký ức về chiếc bóng của má, của cha lam lũ in trên vách bên ngọn đèn dầu, như câu thơ trong bài thơ “Đèn dầu của mẹ” của tác giả Văn Nguyên Lương: “Giờ bên đèn điện sáng lòng/ Đèn dầu mẹ mãi rực hồng trong tim...”.
MỸ DUYÊN