(Báo Quảng Ngãi)- Đó là chị Phạm Thị Sung, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ). Tốt nghiệp đại học, cô gái Hrê này tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch cộng đồng khi nghề dệt truyền thống của làng được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đưa văn hóa làng bay xa
Chiều cuối năm, đoàn làm phim của Bộ VH-TT&DL về Làng Teng để tìm hiểu về văn hóa của đồng bào Hrê nơi đây. Chị Phạm Thị Sung nhanh nhẹn hướng dẫn, giới thiệu với các thành viên trong đoàn về giá trị di sản văn hóa của địa phương.
Quày bán đồ thổ cẩm, văn hóa của đồng bào Hrê của chị Phạm Thị Sung, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ) luôn thu hút khách. |
Chỉ về mô hình nhà sàn Làng Teng, chị Sung giới thiệu: Trong không gian sinh tồn của đồng bào Hrê, ngày trước đồng bào làm nhà sàn thường quần tụ xung quanh sườn đồi. Mỗi nhà cách nhau chồ đựng thóc, chính giữa các nhà sàn có sân chung dựng cây nêu được trang trí nhiều màu sắc, vừa có tính hình tượng nghệ thuật kiến trúc, vừa là biểu tượng tâm linh gắn kết đất trời trong các nghi lễ truyền thống của đồng bào thiểu số nơi đây.
Ở một góc của làng luôn có bóng dáng của một cây lâu năm tuổi - là biểu tượng của sự vững chãi cho làng. Khoảng sân chung là nơi người dân trong làng tụ tập để nhảy múa, đánh đàn, kể chuyện làng, chuyện nước. Từ sân chung này mà những nét văn hóa nghề dệt thổ cẩm, các điệu múa ta lêu, ca choi, các nhạc cụ truyền thống được bảo tồn và phát huy...
Chị Sung giới thiệu rành rọt cho đoàn về các giá trị văn hóa của người Hrê. Chị Sung bảo: Thông qua mô hình nhà sàn này để thế hệ trẻ hiểu hơn về cội nguồn văn hóa làng mình; đồng thời muốn giới thiệu đến du khách. Tôi tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch cộng đồng để văn hóa của làng mình mãi được giữ gìn và bay xa.
Nâng niu giá trị văn hóa
Chính vì thấu hiểu giá trị văn hóa của đồng bào mình, nên sau khi tốt nghiệp đại học, chị Sung về quê nhà sưu tập tất cả các loại hình văn hóa vật thể của đồng bào Hrê để mở quày giới thiệu đến du khách gần xa. Ngoài ra, chị còn bán các đặc sản truyền thống của địa phương trên mạng.
Quày hàng của chị Sung chẳng khác nào một bảo tàng văn hóa của đồng bào Hrê thu nhỏ, nào là vải thổ cẩm, áo, váy, khố, tấm địu con cho đến các dụng cụ truyền thống của đồng bào Hrê dùng để sinh hoạt hằng ngày như rổ, rá, gùi, cung tên và cả các loại hình nhạc cụ truyền thống. Mỗi loại hình văn hóa vật thể, chị bố trí rất khoa học để du khách vào dễ dàng tìm hiểu, mua làm kỷ niệm.
Già Phạm Văn Sự, ở thôn Nước Lui, xã Ba Vinh (Ba Tơ) đến Làng Teng ghé thăm “bảo tàng” của chị Sung, phấn khởi bảo: “Con Sung nó sưu tầm các dụng cụ, nhạc cụ văn hóa của đồng bào mình, già ưng cái bụng lắm! Già có vài nhạc cụ chinh k’la, sáo... già cũng muốn tặng cho nó để giới thiệu đến mọi người”.
Ở Làng Teng, nhiều già làng khuyến khích việc làm của chị Sung, nên đã mang các dụng cụ như bộ chiêng, chiếc ché... đến trưng bày. Nhờ vậy mà các giá trị văn hóa của đồng bào Hrê được giữ gìn, trở thành điểm đến của nhiều du khách trên tuyến hành trình tìm hiểu về cội nguồn lịch sử, văn hóa Ba Tơ.
Thanh niên làm du lịch cộng đồng
Huyện đoàn Ba Tơ hiện đang khuyến khích thanh niên làm du lịch cộng đồng. Huyện đoàn đã thành lập đội ngũ cộng tác viên và hướng dẫn viên du lịch tại các xã Ba Động, Ba Vinh, Ba Trang, Ba Vì và thị trấn Ba Tơ; xây dựng các tour; phối hợp với địa phương cải tạo và bảo tồn các địa điểm du lịch… Các hướng dẫn viên quảng bá các sản phẩm du lịch, giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa địa phương đến với khách tham quan nhằm góp phần bảo tồn và phát huy, đồng thời qua đó tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
|
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN