(Báo Quảng Ngãi)- Tín ngưỡng thờ cúng cá Ông của ngư dân ven biển Quảng Ngãi thì nhiều người đã biết, đây là một loại hình tín ngưỡng từ thuở xa xưa đến nay vẫn còn vẹn nguyên. Nhưng chuyện lúc nào cũng lôi cuốn người nghe bởi sự linh thiêng hóa về cá Ông, vị phúc thần trong tâm thức của cư dân vạn chài, vốn được ghi chép từ trong sử sách và lưu truyền trong dân gian.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tình người sâu tựa biển khơi…
Hành động cứu người của các ngư dân giữa muôn trùng sóng dữ đã nhân lên giá trị tốt đẹp của tình người. Nơi biển cả mênh mông, cùng với tình cảm giữa người với người, ở đó còn có sự hiện diện của vị phúc thần trong tâm thức của các ngư dân, đó là cá Ông.
Mới đây, thuyền trưởng Bùi Văn Danh (34 tuổi), ở xã Bình Chánh (Bình Sơn), cùng các thuyền viên trên tàu đã không ngần ngại vứt hơn 2 tấn mực trị giá hàng trăm triệu đồng xuống biển, để cứu tàu của ngư dân Bùi Văn Quốc (42 tuổi), ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) cùng 41 thuyền viên đang gặp nạn.
Theo lời kể của ngư dân Bùi Văn Danh, thì “như một điều kỳ diệu”, khi tàu đang định vị hướng đi cứu các ngư dân đã xuất hiện đàn cá heo áp sát mạn tàu, như chỉ dẫn hướng để đến nơi con tàu gặp nạn. Các ngư dân tin là thế!
Lăng thờ cá Ông ở huyện Lý Sơn. |
Từ trong sử sách cho đến dân gian đều lưu truyền nhiều câu chuyện kể về cá Ông. Phó Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh, TS. Đoàn Ngọc Khôi cho biết: Gia Định Thành Thông Chí tập hạ của Trịnh Hoài Đức có chép: "Nam Hải tướng quân (cá Ông) thần là con cá nhân ngư, không có vảy, đầu tròn trơn láng, đỉnh trán có lỗ phun nước ra như mưa, môi voi, đuôi tôm, dài đến 2,3 trượng, ưa nhảy bơi trên mặt biển.
Ngư phủ giăng lưới đánh cá, cầu khấn thì nhân ngư đuổi cả bầy cá vào lưới. Ngư phủ rất cảm ơn, có khi nhân ngư nhầm vào trong lưới, thì ngư phủ mở một mặt lưới kêu mà dẫn ra, nhân ngư theo cửa ấy mà ra.
Lại có ghe thuyền trong biển gặp lúc sóng gió nguy hiểm, thường thấy nhân ngư dìu đỡ thân ghe bảo vệ đưa vào bờ bình an. Còn những ghe bị chìm úp thì cũng trong cơn gió sóng rầm rộ ấy, nhân ngư cũng đưa người lên bờ, sự hỗ trợ hiển nhiên rõ rệt".
"Quảng Ngãi hiện có 45 lăng thờ cá Ông, trong đó huyện Lý Sơn có 7 lăng, Mộ Đức: 5, Đức Phổ: 14, Bình Sơn: 14... Điển hình là các lăng Ông ở Lý Sơn, có rất nhiều bộ xương cá Ông được thờ cúng. Theo nghiên cứu, việc thờ cúng cá Ông trên đảo Lý Sơn có từ rất sớm, cư dân bản địa trước đó là người Chăm đã thờ cúng cá Ông. Tín ngưỡng thờ cúng cá Ông đã trở thành một loại hình tín ngưỡng phổ biến rộng rãi với niềm tin sâu đậm trong ý thức tâm linh về vị phúc thần biển cả Nam Hải của cộng đồng ngư dân Quảng Ngãi".
Tiến sĩ
ĐOÀN NGỌC KHÔI
|
Lưu truyền qua muôn thuở
Theo TS. Đoàn Ngọc Khôi, trong Toan Ánh, cuốn "Nếp cũ- Hội hè", đình đám (quyển hạ) đã ghi chép sự tích nhà Phật kể rằng: Khi Đức Quan Thế Âm Bồ Tát ngồi trên tòa sen lướt sóng trên biển cả, Bồ Tát đã chứng kiến cảnh đau lòng khi thấy muôn vàn sinh linh vật lộn với biển cả và phải bỏ mình khi gặp phong ba bão tố.
Bồ Tát liền cởi chiếc pháp y, xé tan thành trăm mảnh, ném xuống mặt biển mênh mông, mỗi mảnh vụn pháp y biến thành một con cá voi với trách nhiệm cứu ngư dân lâm nạn trước phong ba bão tố, kể từ đó cá voi là ân ngư của dân thuyền chài sống trên biển cả.
Truyền thuyết còn kể thêm, để tạo nên cá voi, Bồ Tát đã mượn xương của loài voi tạo nên bộ khung xương cho cá, nên từ đó cá được mang tên là cá voi; đồng thời Bồ Tát cho cá voi phép thuật thâu đường và lắng nghe thinh âm ở rất xa để kịp thời đến nơi ngư dân gặp nạn mà cứu hộ. Từ đó, những ngư dân sống bằng nghề biển đều cầu nguyện đến cá voi mỗi khi thuyền tàu gặp nạn.
Trong Đại Nam Nhất Thống chí thì chép rằng: Cá voi có tục danh là cá Ông Voi, đầu tròn, nơi trán có lỗ phun nước, sắc đen trơn láng, không có vảy, đuôi có hai chĩa như đuôi tôm, có tánh từ thiện, hay giải cứu cho người khi qua biển mắc nạn. Đầu niên hiệu Minh Mạng, vua đặt tên là nhân ngư, đầu niên hiệu Tự Đức đổi lại là Đức Ngư. Loại cá này trong biển Nam Hải thì linh, còn ở biển khác thì không linh.
Khu vực duyên hải miền Trung, cá Ông được xem như là vị phúc thần trên biển cả, luôn cứu người gặp nạn lúc phong ba bão tố và được ngư dân thờ cúng khắp nơi. Thần Nam Hải được ghi vào điển thờ của các triều vua Nguyễn. Hằng năm, tại các lăng cá Ông diễn ra lễ tế và hội hát bả trạo, đua thuyền... phản ánh ý niệm linh thiêng hóa cá Ông đối với đời sống của ngư dân vạn chài.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ