Lễ an táng cá Ông và chuyện kết nối cộng đồng

02:06, 05/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ hàng trăm năm nay, trong tiềm thức của bao thế hệ ngư dân ven biển luôn xem cá voi như một vị thần linh thiêng cứu hộ trên biển. Vì thế, mỗi khi cá voi dạt vào bờ, dân chài gọi là cá Ông hay cá Bà lụy, nên cùng nhau tổ chức lễ an táng rất nghiêm trang. Nhờ niềm tin này đã kết nối cộng đồng dân chài sống gắn bó, đoàn kết bên nhau.

TIN LIÊN QUAN

Vào một sáng cuối tháng 5, một con cá voi dài 3,8m, nặng chừng 8 tạ lụy vào bờ biển Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn). Chúng tôi đã chứng kiến một cuộc tiễn đưa đầy cảm động, linh thiêng và kính cẩn của những ngư dân làng chài.

Niềm tin

"Bà lụy rồi"! Thông tin từ gành biển Hải Ninh dội về, làng chài như bừng tỉnh. Những con tàu tạm ngừng rẽ sóng ra khơi. Ngư dân trong làng từ trẻ đến già đều vội ra bãi biển. Cả làng xôn xao, bàn tán như nghe tin buồn. Họ đã tìm mọi cách đưa cá Bà vào bờ làm lễ an táng theo nghi thức truyền thống. Sau khi cá Bà đưa vào lăng vạn Hải Ninh, bà Trần Thị Thiêu bảo: “Từ khi cá Bà đưa vào đây, dân chài luôn có ở bên để cầu mong Bà phù hộ cho làng chài bình yên, đánh bắt được nhiều cá tôm”.

Ngư dân xem cá Bà, cá Ông như vật linh thiêng và gần gũi.
Ngư dân xem cá Bà, cá Ông như vật linh thiêng và gần gũi.


Bà Thiêu năm nay đã 80 tuổi, sống từ nhỏ ở làng chài Hải Ninh, nên đã chứng kiến bao lần cá Bà, cá Ông lụy vào bờ, rồi nhiều lần dân chài vui mừng nghe tin ngư dân vượt nạn nhờ cá Ông, cá Bà cứu. Cũng theo bà Thiêu, cứ mỗi lần thấy cá Ông, hay cá Bà lụy vào bờ, dân làng an táng chu đáo, thì những mùa biển sau luôn được mùa.

Ngư dân Đỗ Hoa (67 tuổi) ở thôn Vinh An, nghe tin cá Bà lụy vào bờ cũng đã có mặt tại lăng vạn Hải Ninh khá sớm, để tiễn đưa và cầu mong phù hộ cho ngư dân được bình an khi làm ăn trên biển. Ông Hoa kể: “Cách đây chừng 40 năm trước, dân chài ra khơi bằng thúng nan, thuyền nhỏ. Thông tin thời tiết không kịp thời như bây giờ, nên thuyền đang đánh bắt thì gặp mưa bão ập đến. Con thuyền chòng chành, lắc mạnh, ông và một bạn thuyền đã rớt xuống biển sâu. Chủ tàu chỉ cứu được một người, còn ông bị sóng cuốn trôi ra khơi xa. Trong lúc tuyệt vọng giữa dòng nước sâu, tôi được sóng đánh dạt vào bờ trong niềm vui của gia đình và bạn chài. Vì thế, tôi  luôn có niềm tin đối với cá Ông".   

Gắn kết cộng đồng

Hôm nghe cá Bà lụy vào bờ, hơn 70 người đàn ông, phụ nữ bất chấp sóng nước ra tận ngoài gành đón cá Bà như một người thân gặp nạn. Khi cá Bà đưa sát vào bờ, một chiếc chiếu hoa nhanh chóng được trải ra bãi biển. Cá Bà được đặt nằm ngay ngắn, bình hoa, dĩa quả, ly hương được lập lên. Chủ vạn lăng Hải Ninh Lê Văn Khương lập tức khấn vái và đưa cá Bà vào lăng vạn.

Ông Vũ Huy Bình, thành viên Ban trị sự lăng vạn Hải Ninh cho hay: Lễ an táng theo nghi thức truyền thống: Có dàn nhạc bát âm, đại cổ, tiểu cổ, có ban nghi lễ gồm tư văn, tư lễ đọc văn tế. Sau khi đầy đủ thì chọn giờ để khâm liệm và an táng. Một cuộc tiễn đưa cá Bà đầy cảm động. Tuy không ai rơi nước mắt, nhưng đều ngầm gửi vào thanh âm rì rào của sóng biển một sự bình yên, gửi vào lòng đất với niềm tin về sự sinh sôi, vươn dậy của làng chài. Chủ vạn lăng Hải Ninh Lê Văn Khương cho rằng: “Theo quan niệm làng chài, mỗi khi cá voi lụy vào bờ, ngư dân xem như cá Ông, cá Bà chọn nơi để an nghỉ, làng chài sẽ gặp những điềm lành trong những chuyến ra khơi”.

Ông Khương cho biết thêm: Cá Bà lụy vào làng biển Hải Ninh vừa qua là con thứ ba được chôn cất trong khu lăng vạn. Mỗi cá Ông, cá Bà lụy vào bờ đều mang những câu chuyện riêng và cảm động. Vì vậy, hằng năm trước khi ra khơi, hay gặp điều không may trong cuộc  sống, ngư dân đều chọn lăng vạn làm nơi linh thiêng để tổ chức lễ cầu ngư và thần Nam Hải, nhằm cầu nguyện bình an cho dân chài trong những chuyến đánh bắt trên biển, mùa màng bội thu.

Chính những thời khắc linh thiêng của lễ cầu nguyện hay lễ tiễn đưa đã gắn kết ngư dân xích lại gần nhau, gắn bó ngoài biển khơi... Bởi lẽ, giai thoại về cá Ông, cá Bà cứu người tồn tại trong làng chài qua bao thế hệ. Nó đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa tâm linh của ngư dân, giúp ngư dân vững tin, bình tĩnh trước sóng gió trùng khơi.

Bài, ảnh: TRƯỜNG AN

 


.