*Truyện ngắn của
TRUNG ÂN
(Báo Quảng Ngãi)- Nhà chị Nam ở sát nhà cô tôi trong xóm Cầu. Đó là một tổ ấm lợp tạm bằng lá dừa và những miếng tôn chắp vá. Mùa mưa bão nhiều khi gió thổi bay cả nóc.
Lũ trẻ trong xóm ngồi chơi với nhau. Có đứa ước có chiếc xe đạp đi học cho đỡ mỏi. Có đứa ước được mua con búp bê mới. Chị Nam bảo: "Uớc gì hôm nay về nhà có gạo để nấu cơm". Từ hôm đó trở đi, cô tôi hay bảo chị Nam qua nhà chơi với tôi. Hai chị em ăn trưa cùng nhau. Tôi biết chị Nam làm bánh bò ngon nhất xóm từ dạo đó.
Cô tôi hay gọi hai chị em lại để kể chuyện. Cô kể chuyện về Văn Cao, về Trịnh Công Sơn... Rồi chúng tôi tụ tập ở quán nước mía của cô nghe chị Nam đọc sách. Chị sẵn sàng đi bộ nửa tiếng lên thư viện thị trấn để mượn sách về đọc, chịu trực nhật giùm bạn hai tuần lễ để mượn băng cát-sét nhạc Trịnh về nghe.
Những “Ru ta ngậm ngùi”, “Biển nhớ”, “Còn tuổi nào cho em”... luôn là những ca khúc quen thuộc mỗi buổi sáng chị Nam hay mở. Dù ngày ấy, tôi chưa hiểu hết những bài hát ấy muốn nói gì, nhưng nhạc Trịnh luôn nhẹ nhàng như thơ...
Hồi ấy, đám trẻ con trong xóm hay leo lên những tổ chim tìm trứng về luộc ăn. Có khi trứng đã nở thành chim non thì cũng bắt về nuôi. Nhưng đa số là chỉ nuôi được một vài ngày thì chim con chết, vì tụi con nít thường ham chơi hơn là quan tâm đến chuyện cho ăn và chim con thích ăn thứ gì. Hoặc mỗi lần tụi nhỏ bị trút giận những trận đòn roi bởi ông ba say rượu hay vừa đi đánh bài về, chúng nén nước mắt trong các viên sỏi ven đường và ném vào những tổ chim. Có khi những quả trứng rơi ra rồi vỡ tan. Có khi những chim bố mẹ bị đánh thức dang đôi cánh ra bảo vệ con mình.
Khi sỏi không đủ tạo nên điều gì, chúng bắt đầu ném những viên đá lớn, sắc nhọn hơn và hỉ hả cười khi đôi cánh của chú chim lớn không còn nguyên vẹn. Lúc phát hiện ra trò này, chị Nam chạy lại hét to vào đứa đầu đàn. Cả đám xông vào định đánh chị Nam thì cô tôi chạy tới cầm theo cây gậy gõ cộc cộc lên thân cây. Chị hỏi cô với khuôn mặt tái mét: “Chim có ăn cơm không ạ?”.
Hôm sau tôi thấy cơm được bỏ vào tổ chim thật. Mỗi ngày chiếc tổ nhỏ đều được bỏ vào chút thức ăn, cho đến khi con chim lớn đủ khỏe để lại tiếp tục nuôi con. Cánh vẫn còn yếu, thân hình lũ chim lảo đảo hết chỗ này đến chỗ khác như kẻ say rượu, nhưng chúng vẫn bay.
Hộc tủ chị Nam đầy những bài Văn điểm tám, điểm chín. Hôm cô giáo ra bài tập “Tìm những từ ngữ hay ca dao thành ngữ bắt đầu bằng chữ “ăn”, học sinh trong lớp chỉ tìm được ba mươi, chị Nam tìm được đến bảy mươi từ. “Giá mà bao nhiêu từ là từng đấy bát cơm để ăn thì hay!”, chị Nam chép miệng.
Ba chị làm ăn thua lỗ, nên tìm đến rượu chè, cờ bạc, chủ nợ đến đòi mãi. Thấy cảnh nợ nần chồng chất, mẹ chị cũng nản mà bỏ xứ đi làm, ban đầu vẫn gửi tiền về, sau im bặt. Cô giáo chủ nhiệm bị trường nhắc nhở vì để học sinh nợ học phí quá lâu. Rồi người chị giỏi Văn của tôi không bao giờ quay lại trường nữa...
Tôi đi học xa, tới hè mới về thăm quê một lần. Không năm nào tôi không thấy chị Nam tất bật làm việc. Mỗi lần sang nhà thăm cô tôi, chị Nam đều ôm theo một bịch bánh bò.
Chị lấy chồng lúc tôi học năm nhất đại học. Chồng chị tên Dương, là con thứ trong một gia đình vốn khá giả. Nhưng điều đó không được bao lâu, mẹ anh lâm bệnh rồi mất, cha anh buồn bã rồi cũng đi theo bà không lâu sau đó. Anh em tranh giành gia tài, rồi không ai nhìn mặt ai.
Gia tài cha mẹ để lại, anh Dương góp vốn làm ăn với người bạn thân lâu năm. Ban đầu anh cũng chần chừ, nhưng thấy anh ấy là bạn thân lại nhiệt tình, anh Dương đồng ý. Anh Dương dốc hết vốn vào vụ làm ăn đó, nhưng mọi việc không suôn sẻ. Vụ làm ăn thất bại và thua lỗ rất nặng. Người đàn ông ấy phải trốn sang nước ngoài, còn anh Dương sắp sửa phải phá sản.
Thời khắc khó khăn ấy, anh đã gặp chị Nam, người đã cảm thông, thấu hiểu và cùng nhau xây dựng tổ ấm. Trước ngày dự sinh vài tuần, chị Nam bị chủ nợ của chồng đến đòi tiền, rồi xiết luôn chiếc nhẫn cưới được giấu sâu trong tủ. Khi cả xóm kéo lại trước cửa nhà, máu chị đã ướt đẫm cả váy. Em Kim sinh non. Lúc ra khỏi bụng mẹ chỉ thở thoi thóp. Anh Dương ôm con trên tay, rơi nước mắt.
Những tháng ngày cùng cực, đói khổ trôi qua cũng chậm hơn. Tiền lãi nợ lớn đến mức chẳng nhớ nổi. Dạo đó trong nhà, ngoài ngõ đều đồn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài có tiền. Có người đi rồi gửi tiền về xây cả nhà lầu cho gia đình. Trước hôm anh đi Nhật, chị Nam ôm chồng, đầm đìa nước mắt.
Chị Nam ở nhà đành bỏ hẳn nghề bán bánh bò ngoài chợ, chuyển sang làm công nhân phụ hồ và bưng bê sắt thép cho nhà máy, một công việc tưởng chừng chỉ phù hợp với đàn ông. Số tiền kiếm được dành dụm trả nợ, nuôi gia đình được bữa ăn no nào là đã vui mừng bữa ấy.
Cái đĩa những bài hát về nhạc Trịnh, bé Kim thuộc đâu bốn, năm bài, thì anh Dương về. Tiền anh mang về đã trả được hết nợ cũ, nhưng chuyến này anh đi mong có tiền lo cho con cái ăn học. Chị Nam hy vọng về chuyến đi thứ hai của chồng.
Tôi hay dắt Kim đi ăn hàng quán mỗi bận về quê. Con bé vừa ăn bánh bột lọc, vừa tâm sự ước mơ sau này làm cô giáo. Kim đi học chẳng ai chịu chơi “vì nhà con nghèo, con không có tiền”, nó nói nhẹ tênh.
Hoàng hôn yếu ớt dần tắt, xóm nhỏ đã trở lại màu xanh xám như miếng sắt nguội. Tôi nhận tin anh Dương trong lúc làm công trình bị điện giật, rơi từ trên cao, khi còn hai tuần nữa là Tết.
Chị Nam bế thằng bé con chưa cai sữa mẹ, cắn chặt môi đến tím rịm, không để ý con mình đang quẫy đạp vì đói. Bé Kim đang ăn dở chiếc bánh bò, mắt thao láo nhìn vào khoảng không. Nó nắm tay tôi, bảo: “Cô ơi, hôm nay mình đi ăn món gì vậy?”. Người ta bảo trước khi ngã gục, đã hai ngày anh Dương chưa được một bữa no. Bài tập làm văn đi tìm chữ “ăn” từ thuở nào của chị Nam vẫn còn ám ảnh mãi!
Những con chim bố, chim mẹ, dù đang bị thương vẫn cất đôi cánh lặt lìa đi tìm thức ăn, thậm chí trong cả đêm tối, với hy vọng về thứ ánh sáng huyền diệu chiếu rọi khắp chiếc tổ của mình.
Hẳn trong những tháng ngày khổ nhọc nơi xứ người, đôi cánh đầy thương tích của anh Dương vẫn đau đáu hướng đến cái tổ nhỏ, cho tới khi nó không còn có thể giương lên để trở về. Nhưng hai đứa bé con anh vẫn còn đang thiêm thiếp trong cái tổ của mẹ, với những đôi cánh luôn hướng về phía Mặt Trời, hy vọng một ngày nào đó sẽ sải rộng trên bầu trời thật cao, thật xa...