(Báo Quảng Ngãi)- Văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, do tác động bởi yếu tố khách quan, lẫn chủ quan, nên công tác này chưa được ngành văn hóa và các địa phương quan tâm đúng mức.
TIN LIÊN QUAN
Kỳ 1: Nhiều di tích lịch sử, văn hóa bị xâm phạm Thời gian qua, bên cạnh những di tích lịch sử, văn hóa được ngành văn hóa và các địa phương quan tâm đầu tư tôn tạo, nâng cấp, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ, phát triển du lịch, thì vẫn còn nhiều di tích chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến bị xâm hại, xuống cấp nghiêm trọng. |
Di tích nhà ở và nơi làm việc của cụ Huỳnh Thúc Kháng chưa có nhiều du khách đến tham quan. ẢNH: TRUNG ÂN |
Theo Sở VH-TT&DL, toàn tỉnh hiện mới có 20 di tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khoảng 60 di tích được cắm mốc giới. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích còn chậm là do công tác quản lý, kê khai hồ sơ chưa đảm bảo. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh có 5 di tích lịch sử quốc gia, 16 di tích lịch sử cấp tỉnh, 12 di tích có quyết định bảo vệ bị xâm phạm, lấn chiếm, xuống cấp nghiêm trọng. |
Bị xâm phạm nghiêm trọng
Núi Phú Thọ ở xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) được công nhận di tích lịch sử, văn hóa quốc gia năm 1993. Theo ghi chép của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, núi Phú Thọ có diện tích 11,9ha, cao khoảng 60m so với mực nước biển, còn có tên gọi là núi Đá, núi Thạch Sơn.
Sở dĩ gọi núi Đá là vì trên núi có nhiều khối đá granit xám có kích cỡ lớn, nhỏ khác nhau, trông rất đẹp. Theo hồ sơ lưu giữ, nơi đây từng là căn cứ quân sự, dân sự của người Chăm, với dấu tích thành Bàn Cờ, thành Hòn Yàng, cấm Bầm Buông...
Tuy nhiên, vẻ đẹp của di tích này giờ chỉ còn trong ký ức của người dân mà thôi. Theo chân anh Phan Phú, cán bộ văn hóa xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi), chúng tôi đến núi Phú Thọ và thực sự thất vọng với khung cảnh nơi đây. Từng bậc thang dẫn lên núi hầu như bị che lấp bởi đất, cỏ dại... và có rất nhiều ngôi mộ được người dân địa phương chôn cất tại đây.
Bên cạnh cổng tam quan đang xuống cấp là những ngôi mộ được xây dựng kiên cố, lối dẫn vào thành Bàn Cờ, thành Hòn Yàng không thể đi được do cây cối che lấp. Thực trạng đó cho thấy, di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia này đang bị lãng quên.
Lý giải về việc này, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú Phan Thành Sơn cho rằng: Do xã không có quỹ đất để quy hoạch khu nghĩa địa, nên người dân đưa người thân lên núi Phú Thọ để an táng. Chính quyền không thể ngăn cấm được. Trước đây, di tích này đã được cơ quan chức năng cắm mốc bảo vệ, nhưng theo thời gian, do không có người quản lý nên các cột mốc dần biến mất.
“Cha chung” không ai khóc
Di tích Trụ sở Ủy ban kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ, ở thôn Phú Bình Đông, thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) được công nhận là di tích lịch sử, văn hoá quốc gia năm 1994, tuy đã được tôn tạo, nhưng đến nay vẫn chưa phát huy hiệu quả. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã về sống và làm việc những ngày cuối đời tại căn nhà của ông Nguyễn Tương. Vì thế, năm 1988, nhà ông Nguyễn Tương được Nhà nước phục dựng phỏng theo kiến trúc nguyên bản và hiện do người cháu nội là ông Nguyễn Lãnh trông nom (do Bảo tàng Tổng hợp tỉnh thuê). Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết, nên ông Lãnh đã xây dựng trái phép khu nhà bếp trong khuôn viên di tích.
Hay như di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Ông, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) đã được đo đạc, cắm mốc, nhưng đến nay việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn chưa thực hiện được, do chưa có sự thống nhất giữa họ Minh Hương với UBND huyện Tư Nghĩa trong công tác nhân sự Ban Quản lý chùa Ông. Ngoài ra, việc di dời hai hộ dân làm nhà ở trong khuôn viên di tích cũng chưa thực hiện, do chưa có kinh phí đền bù.
Hiện trạng di tích lịch sử, văn hóa quốc gia núi Phú Thọ, ở xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi). ẢNH: ĐĂNG SƯƠNG |
Còn di tích chùa Diệu Giác ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) hiện bị một hộ dân lấn chiếm làm nhà và lấp giếng Vệ làm nơi chứa củi sinh hoạt, cơi nới công trình trong khuôn viên di tích. Di tích chùa Đục (Lý Sơn) thì vừa bị sạt lở, vừa bị lấn chiếm xây dựng các công trình trái phép, làm ảnh hưởng đến cảnh quan và kiến tạo địa chất tại khu vực Giếng Tiền.
Di tích Nhà lưu niệm đồng chí Trần Toại (Ba Tơ) thì bị cưa, chặt cây vú sữa trong khuôn viên di tích. Các di tích Thành cổ Châu Sa, di tích Trường Lũy (đoạn qua huyện Đức Phổ và Nghĩa Hành), di tích thắng cảnh suối Huy Măng (Sơn Tây)... cũng đang trong tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Đâu là nguyên nhân?
Theo Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, các di tích quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh thì cơ bản có hồ sơ đầy đủ (gồm lý lịch di tích, bản đồ khoanh vùng bảo vệ, biên bản khoanh vùng bảo vệ, bản vẽ mặt bằng tổng thể di tích...), đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện bảo vệ di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Còn 112 di tích có quyết định bảo vệ đăng ký, thì hồ sơ còn khá sơ sài, chưa đủ cơ sở để trình UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Việc cắm mốc giới bảo vệ di tích thực hiện chưa đồng bộ. Công tác xây dựng nội quy bảo vệ di tích và gắn biển nội quy bảo vệ di tích còn ít. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 108 di tích có biển chỉ dẫn, bảng giới thiệu di tích... Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến các di tích bị xâm phạm.
Mặt khác, kinh phí tỉnh và các địa phương cấp để tôn tạo, nâng cấp các di tích cũng còn nhiều hạn chế. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 66 di tích được nâng cấp, 3 di tích được tôn tạo lần thứ hai; 2 di tích được tôn tạo, sửa chữa lần thứ ba... với tổng kinh phí hơn 69 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Cao Văn Chư cho biết thêm: Nguyên nhân dẫn đến nhiều di tích bị xâm phạm là do các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở chưa quyết liệt trong công tác bảo vệ, quản lý di tích. Toàn tỉnh hiện có 11/14 huyện, thành phố và 91 xã, phường, thị trấn thành lập Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Một số địa phương tuy có thành lập Ban Quản lý di tích, nhưng hoạt động không hiệu quả, do thiếu kinh phí; chưa thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn di tích còn yếu, thường xuyên bị thay đổi, nên ảnh hưởng nhất định đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.
Chúng tôi cũng trăn trở lắm chứ! Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú Phan Thành Sơn kể: Lúc đầu chỉ có vài mộ, nhưng sau đó người dân mặc nhiên coi đây là nghĩa địa, nên có người mất là đưa vào đây mai táng. Vì thế, di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia này đã bị biến dạng, mất dần vẻ đẹp vốn có. Thực trạng đó cũng làm chúng tôi trăn trở lắm, nhưng chưa biết phải làm thế nào!”. |
T.ÂN – Đ.SƯƠNG- M.HẠ
Kỳ 2: Giải pháp phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa