(Baoquangngai.vn)- Được ví như Maldives của Việt Nam, nhưng sức hút của huyện đảo Lý Sơn không chỉ đến từ khung cảnh đẹp như bước ra từ miền cổ tích, hòn đảo nhỏ nằm giữa biển khơi còn là nhân chứng sống cho cả một chiều dài lịch sử - văn hóa, quê hương của hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải anh dũng ngày nào.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, một địa danh trên con đường di sản miền Trung. Quảng Ngãi có đầy đủ yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch, với đường bờ biển dài, tài nguyên biển phong phú, hệ sinh thái đa dạng.
Vì thế, những năm gần đây, du khách thường kết hợp du lịch đảo Lý Sơn với vài danh thắng nổi tiếng khác của Quảng Ngãi, nhằm mang lại chuyến đi với đầy đủ cung bậc cảm xúc, đa dạng trải nghiệm. Di chuyển đến Quảng Ngãi có nhiều sự lựa chọn: Xe khách, các chuyến tàu Bắc – Nam, máy bay. Từ TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội có các chuyến bay thẳng đến sân bay Chu Lai, rút ngắn thời gian cho du khách so với các phương tiện khác.
Đảo Lý Sơn (ảnh Báo Quảng Ngãi)
|
Lý Sơn là một hòn đảo bình dị và thân thiện nằm cách đất liền khoảng 15 hải lý. Khác với những ồn ào và khói bụi phố xá, Lý Sơn tràn đầy nắng gió, sóng biển, những hẹn hò từ đại dương… Con đường duy nhất từ đất liền đến với đảo Lý Sơn là cảng Sa Kỳ, một trong năm cửa biển của Quảng Ngãi, thuộc khu kinh tế Dung Quất. Những chuyến tàu cao tốc cần mẫn nối liền khoảng cách giữa hải đảo và đất liền.
Tuy nhiên, giờ bay và giờ tàu rời cảng Sa Kỳ thường gây khó khăn cho du khách kết hợp lịch trình cùng ngày, vì vậy, đa số du khách lựa chọn nghỉ chân tại khách sạn The Harmonia – khách sạn ba sao quốc tế duy nhất tại tỉnh Quảng Ngãi có vị trí gần sân bay Chu Lai và cảng Sa Kỳ nhất trong khu vực. Lý Sơn có hai mùa mưa nắng rõ rệt. Thời điểm du lịch Lý Sơn bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, khi mùa mưa đã kết thúc, Lễ hội Khao lề thế lính bắt đầu.
Lý Sơn gồm hai đảo mà người dân quen gọi là đảo lớn và đảo bé. Người dân Lý Sơn sống chủ yếu bằng nghề biển và trồng hành tỏi. Dựa vào khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt, hành tỏi Lý Sơn cũng mang hương vị đặc trưng, thơm nồng và cay rõ rệt, là mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cho phần lớn hộ dân tại đây. Có lẽ vì vậy mà Lý Sơn còn được biết đến với tên “Vương quốc tỏi”.
Cổng Tò Vò |
Đến Lý Sơn dịp cuối thu đầu đông, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức món gỏi tỏi trứ danh từ những cây tỏi non mềm mại. Tuy nhiên, đó cũng là thời gian biển động, tàu bè hạn chế rời cảng để đảm bảo an toàn. Đáp ứng nhu cầu thưởng thức gỏi tỏi Lý Sơn do du khách không thể ra đảo, vào những ngày biển lặng, người nông dân thu hoạch tỏi non chuyển về đất liền. Món gỏi tỏi “đất liền” ngon nhất được chế biến tại The Harmonia Hotel, dưới bàn tay tài ba của vị bếp trưởng am hiểu tinh hoa ẩm thực vùng miền.
Lý Sơn là vết tích còn lại của 5 miệng núi lửa cổ đại, di tích nủi lửa hiện diện và kiến tạo nên hầu hết thắng cảnh tại Lý Sơn. Nhiều rạng đá ngầm vì thế mà hình thành, là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của sinh vật biển, vậy nên hải sản Lý Sơn phong phú với cua huỳnh đế, cua dẹt, nhum, ốc xà cừ, mực lừa và đặc biệt là sò tai tượng. Sò tai tượng là loài hải sản quý hiếm, nằm trong sách đỏ Việt Nam.
Với lợi thế về những bãi đá ngầm từ di tích núi lửa, Lý Sơn đích thực là “quê hương” của nhiều loài sò, ốc. Trong đó, có thể kể đến ốc xà cừ hay còn biết đến với tên gọi là ốc mặt trăng, một trong những loại hải sản đặc trưng của Lý Sơn. Việc khai thác ốc tương đối cơ cực, người thợ lặn phải ngâm mình trong nước từ 8-12 tiếng mỗi ngày, xung quanh những rạn đá ngầm, nhưng bù lại giá trị ốc xà cừ mang lại không hề thấp.
Lý Sơn nổi tiếng với các loại hải sản tươi sống |
Khác với ốc xà cừ có thể thưởng thức quanh năm, cua huỳnh đế lại là loài hải sản chỉ có thể thu hoạch từ tháng giêng đến hết tháng ba âm lịch. Cua huỳnh đế ở Lý Sơn ngon hơn hẳn vùng khác, thịt cua ngọt, đậm và chắc, gạch nở đầy mai. Bởi lẽ đó, người đầu bếp thường chọn cách hấp chín để giữ nguyên độ ngọt và hương vị thịt cua nguyên bản, tuyệt đối không “cải biên” thêm xào me, bơ tỏi…. Hoặc đem nấu cháo. Các nhà hàng tại Quảng Ngãi đều đưa cua huỳnh đế vào thực đơn mỗi mùa thu hoạch.
Đến Lý Sơn, nhất định phải đón bình minh trên đỉnh núi Thới Lới, ngắm hoàng hôn buông xuống cổng Tò Vò. Thới Lới là ngọn núi cao nhất tại đảo lớn, với độ cao 150m so với mặt nước biển. Trên miệng núi lửa đã ngừng hoạt động là hồ trữ nước ngọt cung cấp cho cả đảo lớn và đảo bé. Trên đỉnh Thới Lới, cột cờ Tổ quốc thiêng liêng với lá Quốc kì tung bay không chỉ đơn thuần là địa điểm “check-in” của du khách, đó còn là “cột mốc sống”, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam, cùng với ngọn hải đăng Mù Cu là điểm tựa cho ngư dân bám biển, dẫn đường cho ngư dân trở về sau những ngày ra khơi.
Cổng Tò Vò không phải là sản phẩm của bàn tay con người, đó là vòm đá nham thạch tuyệt tác của thiên nhiên nằm trên bãi cạn. Xung quanh cổng Tò Vò là bãi đá nham thạch đen bóng, ẩn hiện dưới làn nước trong veo . Khi hoàng hôn nhuộm ráng hồng trên bầu trời, nhìn mặt trời dần hạ xuống qua vòm cổng Tò Vò, phía bên kia là làng chài thanh bình, có lẽ là bức tranh đẹp nhất mà thiên nhiên dành tặng cho du khách đến với Lý Sơn.
Thắng cảnh Chùa Hang |
Lý Sơn còn có quần thể hang động tự nhiên, mà người xưa đã tận dụng để dựng nên hai ngôi chùa độc đáo là chùa Hang và chùa Đục. Chùa Hang nằm ở phía Đông bắc của núi Thới Lới, ở nơi ấy, núi và biển liền kề, nương tựa vào nhau. Không huyền bí như quần thể hang động Quảng Bình, các hang động của Lý Sơn mang vẻ đẹp phóng khoáng, tự do.
Hang động lớn nhất của Lý Sơn chính là chùa Hang. Dựa vào những nhũ đá tự nhiên hình thành do mạch nước ngầm, người dân khéo léo sắp xếp các ban thờ tự. Điểm thú vị của chùa Hang là sự hiện diện của những cây bàng vuông cổ thụ phía trước hang, vươn tán lá che chắn cho quần thể kiến trúc phía trong. Chùa Hang cũng là nơi núp thuyền của ngư dân thời xưa mỗi khi biển động.
Một địa điểm văn hóa lịch sử thiêng liêng không thể không nhắc tới trên đảo Lý Sơn là Nhà trưng bày hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Đây là nơi trưng bày, lưu giữ hơn 100 hiện vật của người lính Hoàng Sa cùng nhiều bản đồ và tư liệu cổ chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa là một phần không thể tách rời của Việt Nam.
Một góc đảo Bé |
Nhắc đến biển, bãi tắm đẹp nhất của Lý Sơn lại nằm ở đảo bé. Cách đảo lớn 3 hải lý, du khách có thể lựa chọn cano cao tốc hoặc thuyền gỗ để vượt biển. Hàng ngày, có rất nhiều tàu thuyền qua lại giữa hai đảo nên việc di chuyển và sắp xếp lịch trình tham quan tương đối thuận tiện.
Đảo bé không có bãi biển dài ngút tầm mắt, đảo bé hoang sơ với cát trắng mịn nằm xen giữa những bãi đá trầm tích, những vạt nước xanh ngọc trong vắt ẩn hiện giữa những vách đá hình cánh cung, chia bãi tắm thành hai mảng đối lập: Phía trong vách đá mặt nước dịu dàng phẳng lặng, phía ngoài bãi đá trầm tích ngày đêm tung bọt trắng xóa, nơi con sóng ngoài khơi tìm về.
Huyền Trang (Hà Nội)