Thông điệp từ những con tàu đắm

08:07, 13/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại Trung tâm Phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi nằm trong khuôn viên Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Công ty CP Đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương trưng bày gần 4.000 hiện vật từ 9 con tàu cổ bị đắm  trên vùng biển Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN

Mỗi con tàu, mỗi cổ vật có giá trị di sản đặc sắc của các nền văn hóa khác nhau, được giao thương giữa các quốc gia qua “Con đường gốm sứ trên biển”.

Hành trình đi tìm tàu đắm cổ

Các nhà nghiên cứu và khách tham quan khi đến Trung tâm Phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi sẽ được chiêm ngưỡng hàng nghìn cổ vật được trục vớt, sưu tầm từ những con tàu đắm cổ dưới lòng đại dương. Để có được những cổ vật này là cả một quá trình tìm kiếm, sưu tầm công phu.

Năm 2013, Công ty Đoàn Ánh Dương phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi tiến hành khai quật khảo cổ học tàu cổ đắm cách bờ khoảng 200m, tại vùng biển Vũng Tàu, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn).

Du khách tham quan khu trưng bày hiện vật tại Trung tâm Phát huy giá trị văn hóa đa năng Quảng Ngãi.
Du khách tham quan khu trưng bày hiện vật tại Trung tâm Phát huy giá trị văn hóa đa năng Quảng Ngãi.

Đến đầu năm 2007, Công ty Đoàn Ánh Dương trực tiếp tham gia phiên đấu giá tại Amsterdam (Hà Lan) để mua 1.000 cổ vật thời nhà Thanh, thế kỷ XVIII. Con tàu này được khai quật tại Cà Mau vào năm 1998 - 1999. Tiếp đó, công ty đã sưu tầm hiện vật trên tàu cổ  đắm ở Phú Quốc - Kiên Giang (thế kỷ XIV) từ ngư dân địa phương. Hiện vật gồm có dòng gốm Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, đặc biệt là gốm Chu Đậu (Hải Dương).

Ngoài ra, công ty cũng sưu tầm rất nhiều cổ vật khác từ trong ngư dân. Năm 1991, hiện vật từ con tàu cổ Hà Tiên - Kiên Giang được công ty sưu tầm từ các ngư dân địa phương, với hơn 200 hiện vật. Số hiện vật này được Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh giám định là cổ vật ở thế kỷ XVIII.

Những cổ vật từ tàu đắm cổ Bình Thuận (thế kỷ XV) cũng được công ty sưu tầm từ ngư dân địa phương, với gần như toàn bộ hiện vật của con tàu cổ bị đắm ở độ sâu 63m tại Lagi (Bình Thuận). Đặc biệt, trong lần khai quật tàu cổ đắm ở Cù Lao Chàm - Quảng Nam, trên 15.900 hiện vật được tìm thấy ở độ sâu 72m, chủ yếu dòng gốm Chu Đậu, có niên đại vào khoảng nửa cuối thế kỷ XV.

Giá trị di sản từ những con tàu đắm

Việc khai quật, tìm kiếm và sưu tầm những hiện vật từ 9 con tàu đắm tại các địa điểm khác nhau dưới đáy đại dương của Công ty Đoàn Ánh Dương không chỉ mang lại giá trị về mặt khảo cổ học mà còn mang giá trị văn hóa đặc sắc. Mỗi con tàu, mỗi cổ vật chứa đựng những thông điệp văn hóa đa dạng của mỗi quốc gia.

Cùng với “con đường tơ lụa” trên Biển Đông, thì “con đường gốm sứ trên biển” cách đây mấy trăm năm đã hiện dần qua từng cổ vật. Những cổ vật có dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí... khác nhau, tất cả mang đậm giá trị truyền thống, tín ngưỡng, triết lý và tâm hồn, toát lên bản sắc, tinh hoa văn hóa của từng quốc gia. Gốm Chu Đậu của người Việt cũng không ngoại lệ. Đến nay, gốm Chu Đậu vẫn được ca ngợi “Đẹp về dáng, sáng về men, hoa văn họa tiết làm lay động trái tim người”.

Không dừng lại ở tinh hoa, những con tàu đắm còn mang trong mình sứ mệnh của sự giao thương văn hóa giữa Việt Nam và thế giới qua đường biển. Ví như hiện vật tàu đắm khai quật được ở Cù Lao Chàm có chiều dài 29,4m, rộng 7,2m, trong lòng chia 19 khoang. Cấu trúc tàu cổ Cù Lao Chàm có những nét tương đồng với các con tàu cổ Trung Quốc hoặc Đông Nam Á từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII.

Loại gỗ tếch được dùng để đóng tàu từ khoảng thế kỷ XVIII trở về trước, chỉ có ở khu vực Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar và Lào... Anh Trương Thế Vinh (37 tuổi) đến từ tỉnh Cao Bằng ngạc nhiên: “Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chiêm ngưỡng các hiện vật từ nhiều tàu cổ bị đắm. Không ngờ cách đây hàng trăm năm mà con người đã làm nên những đồ gốm sứ với hoa văn sắc sảo đến vậy”.       

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


.