Theo chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam, gạch và chất liệu gạch ở di tích tháp Chăm vừa khai quật tại tỉnh Phú Yên có niên đại sớm, khoảng thế kỷ thứ 4 hoặc 5.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngày 11-7, tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông - trưởng phòng Khảo cổ học đô thị thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam - cho biết những thông tin về kết quả khai quật di tích khảo cổ học Đồng Miễu thuộc khu phố Định Thọ 1 (thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên).
Theo ông tiến sĩ Đông, sau 8 ngày khai quật, các chuyên gia của Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh Phú Yên đã phát hiện một kiến trúc đền thờ Chămpa.
Hiện vật phát hiện tại khai quật khảo cổ học Đồng Miễu - Ảnh: AN NGUYỄN |
Các nhà khảo cổ đã phát hiện hiện vật thể hiện đây là đền thờ thần Shiva, một trong ba vị thần của đạo Bà La Môn mà người Chăm tôn thờ. Các kiến trúc xuất lộ với hình ảnh trang trí giật cấp, giật ra vào, giật chéo, giật vuông, xây úp chậu… trên đế tháp.
"Đặc biệt là xuất lộ loại gạch, chất liệu gạch mà ban đầu chúng tôi nhận định có niên đại sớm, khoảng thế kỷ thứ 4, thứ 5. Ở miền Trung từ Quảng Nam đến Bình Thuận có rất nhiều di tích Chăm đã được phát hiện, nhưng chưa có kiến trúc nào còn gạch Chăm có niên đại từ thế kỷ 4, thế kỷ 5 còn tồn tại đến nay. Do đó, những phát hiện từ khai quật kiến trúc Chăm ở Đồng Miễu là vô cùng quý giá" ông Đông nói.
Ông Phan Đình Phùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cũng vừa đến hiện trường khai quật và ghi nhận các kết quả khảo cổ học được phát hiện tại đây.
Ông Phùng đề nghị đoàn khảo cổ ghi chép cụ thể về tư liệu, hiện vật và sớm hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nhằm phục vụ nghiên cứu và bảo vệ, phát huy các giá trị của di tích trong thời gian tới.
Phú Yên là nơi đã phát hiện nhiều di tích Chăm như tháp Nhạn, cảng Đà Diễn, thành Hồ…
Theo AN NGUYÊN/Tuổi Trẻ Online