Rừng gọi

04:07, 10/07/2019
.

Truyện ngắn của SƠN TRẦN

(Báo Quảng Ngãi)- 1. Mờ sáng, ông Vinh đã chuẩn bị xong hành lý. Đó là chiếc ba lô cũ sờn, dây đai đã đứt, nối vụng bằng sợi dây dù. Ông đứng trước thềm, nhìn ra ngõ đầy sương. Bà Hoa, vợ ông, lúi húi sau chái bếp ám khói bụi. Bà chuẩn bị bữa sáng cho chồng. Mọi hôm, giờ này ông bà đã dắt nhau đi tập dưỡng sinh ở nhà văn hóa thôn.

- Xong chưa bà ơi, nhanh lên đi nào!

Ông Vinh chỉnh lại bộ quân phục cũ đã lâu chưa mặc, thắp hương  rồi  nói vọng vào bếp. Bà Hoa “ơi” một tiếng rồi bê mâm cơm đặt lên bàn ăn, phân bua:
 
- Ông lúc nào cũng lật đật, mới sáng sớm mà giục quá, tui làm không ngơi tay.

Ông Vinh cười hiền, nhìn mâm cơm tươm tất hơn so với mọi hôm. Hai vợ chồng ngồi đối diện nhau. Họ chưa vội ăn mà nhìn nhau. Ánh nhìn của bà Hoa, khiến ông Vinh giật mình bối rối, quay mặt. Trong lòng ông dậy lên niềm cảm xúc khó tả, như từng con sóng lăn tăn, dịu êm mơn man, như đợt gió ban mai trườn vào vườn cây xanh mướt, rì rào từng tán lá. Hình như mắt ông bỗng nhiên nhòa đi, mọi thứ trước mặt chập chờn...

Vậy là, đã hơn bốn mươi năm rồi. Những chàng trai cô gái năm xưa, những ai còn trở về từ chiến trường nay đã thành ông, thành bà ngấp nghé bảy mươi, tóc đã pha màu sương khói. Thời gian trôi nhanh, mỗi người mỗi nơi, mỗi số phận, nhưng khi có dịp gặp nhau họ lại sống về ngày trước, nghĩ nhiều về đồng đội, những người đã hy sinh. Ông Vinh trầm tư nghĩ suy nhiều về một đồng đội tên Tánh, quê ngoài Bắc, tăng cường cho đơn vị sau trận đánh lớn cuối năm bảy hai. Dù khác nhau vùng miền, nhưng chẳng hiểu sao hai người thân thiết như anh em, tâm sự cho nhau nhiều nỗi niềm, nhiều dự định tương lai. Họ kết tình huynh đệ, hẹn ngày chiến thắng sẽ về quê thăm nhau.

Một lần, giữa mùa khô, cánh rừng xơ xác. Ông Vinh được giao nhiệm vụ đi tìm nước. Giữa mênh mông núi rừng, lắng tai cũng không nghe tiếng thác chảy, thì làm sao định hướng mà tìm. Thêm nữa, máy bay địch thỉnh thoảng lại quần thảo trên không, ở khoảng cách gần. Cả đơn vị lo lắng khi thiếu nước. Rồi đêm xuống. Không gian vắng lặng, nên nghe rõ tiếng thác đổ từ xa. Ông Tánh đã chủ động đi cùng ông Vinh. Họ băng qua cánh rừng thưa mùa trút lá và sườn núi đầy cây gai và đá tai mèo. Con suối nhỏ rì rầm đưa nước về xuôi, lấp loáng dưới trăng mời gọi. Hai người háo hức ngụp lặn thỏa thuê. Dòng nước mát lạnh mơn man làn da rám nắng. Cứ thế, hai người thả lỏng cơ thể để dòng nước mát vuốt ve, xua tan mệt mỏi. Khi họ về tới đơn vị, gà cũng vừa báo sáng. Trăng cuối tháng nhạt mờ, chênh chếch phía tây. Có nước, đồng đội ai cũng tươi tỉnh hẳn lên, niềm vui lấp lánh trong những ánh nhìn biết ơn. Ông Vinh nhìn ông Tánh gật đầu, xúc động.

2. Ông Vinh đến cửa rừng trời chiều đã ngả bóng. Những mái nhà lô nhô rải rác ven rừng khói lam vờn chái bếp. Tiếng trâu cọ sừng vào bụi rậm xào xạc rồi nối nhau chạy về chuồng. Mấy người đi hái củi, bẻ măng thấy người lạ nhìn không chớp mắt. Ông Vinh gật đầu thân thiện rồi níu tay một người đàn ông đang cõng một bó củi to trên lưng. Người đàn ông đặt bó củi xuống đất, giơ bàn tay gân guốc trước mặt ông Vinh. Họ bắt tay nhau thân tình như hai người bạn lâu ngày gặp nhau. Ông Vinh muốn tìm về chiến trường xưa, cụ thể là phiến đá to giữa con suối lớn, nơi mà đồng đội mỗi lần nhắc đến đều rùng mình: “thung lũng chết”. Người đàn ông bản địa biết nơi ấy và tận tình chỉ đường. Rừng xưa giờ chắn lối. Cảnh cũ sau mấy chục năm đã đổi thay, nhưng linh cảm đã giúp ông Vinh định vị được hướng đi. Và cứ thế giữa đêm đen đặc, tiếng gió lùng sục giữa âm u rừng rậm, ông Vinh cứ dấn bước.

Trở về nơi mình và đồng đội từng hy sinh xương máu tuổi thanh xuân, người lính già mái tóc hoa râm, gương mặt sạm đen vì sương gió cuộc đời dường như trẻ lại. Gặp lại đồng đội, trở lại chiến trường xưa trong ngày “hội quân”, ông Vinh nói cười vui vẻ khi nhắc về kỷ niệm tinh nghịch của những chàng trai mười tám, đôi mươi năm nào.

Đến ngày thứ hai, ông Vinh cùng đồng đội băng rừng đến thăm những điểm mốc quan trọng. Từng phiến đá to, gốc cây cổ thụ hay khóm lau cỗi cằn lơ thơ bông trắng đều gợi cho ông nhiều cảm xúc. Ông Vinh đứng chôn chân trước dòng nước xiết, tiếng nước réo sôi như tiếng người kêu cứu. Và trong màn sương đầy hư ảo của vùng biên ải, ông Vinh mơ hồ trông thấy ông Tánh vẫy tay gọi mình. Ông Vinh gật đầu bước theo...

Tánh! Ông Vinh gọi trong vô thức. Rừng ầm ào tiếng gió, lá khô xào xạc, bay tung. Ông Vinh định thần, nhớ lại... Ông Vinh lục ba lô, lôi tấm ảnh cũ mà người phóng viên chiến trường đã chụp. Ông và ông Tánh khoác vai nhau, nụ cười lạc quan. Ông giữ tấm ảnh này như kỷ vật thiêng liêng về người bạn đồng ngũ thân thiết. Trong chiến tranh, chuyện sống chết không thể nào ngờ tới. Sự may mắn của người này có khi đánh đổi bằng mất mát của đồng đội. Ông Vinh ngậm ngùi.

Lẽ ra đêm ấy là phiên gác của ông ở đài quan sát, nhưng cơn sốt rét đã quật ngã ông, đồng đội khiêng ông lui về tuyến sau. Người thay ông không ai khác là ông Tánh. Dù đài quan sát được thiết kế vững chắc, pháo địch thường xuyên bắn trên đầu, nhưng đài không hề gì. Trên đài luôn túc trực bốn chiến sĩ. Họ quan sát mặt trận qua một lỗ châu mai. Và cái đêm định mệnh ấy, một quả pháo địch nhằm đúng vào lỗ châu mai khiến những chiến sĩ trên đài hy sinh. Nhận những kỷ vật của bạn mình, ông Vinh xúc động, khóc nấc. Đằng sau tấm hình cô gái tuổi đôi mươi là những dòng nhắn nhủ của ông Tánh, kèm theo dòng địa chỉ. Sau ngày chiến thắng, ông Vinh đã tìm về quê ông Tánh và luôn day dứt, nếu ngày đó ông không bị sốt, ông Tánh không thay ông làm nhiệm vụ thì người trở về trong niềm hạnh phúc hân hoan là ông Tánh...

3. Xế chiều, chiếc xe đưa ông Vinh về đến đầu dốc. Ông xuống xe, lững thững khoác ba lô theo con đường nhỏ dẫn về nhà. Bà Hoa đang tưới mấy luống rau, nhìn chồng. Ông Vinh nở nụ cười thật tươi. Ánh mắt lấp lánh niềm vui. Sống với nhau trên bốn mươi năm, bà Hoa rất hiểu tính chồng, đoán định được tâm trạng của chồng, nên ông Vinh khó lấp liếm được mỗi khi bị vợ truy vấn. Có lẽ ông Vinh đang rất thỏa mãn khi tâm nguyện về lại chiến trường xưa đã thành. Bà Hoa ném dây dẫn tưới nước, thả vội hai ống quần xuống, lật đật chạy vào nhà pha trà. Nhìn vợ một chặp, ông Vinh thủng thẳng, nói như thể ông Tánh còn sống vậy:Tui đã gặp anh Tánh, bà ạ!

Nghe chồng nói, bà Hoa giật nảy người, tay cầm ấm trà run run, nước lan mặt bàn. Ông Vinh mím môi, thành thật: Anh ấy linh thiêng, sẽ phù hộ cho vợ chồng mình!

Bà Hoa khóc nghẹn. Bà lập cập bước tới đứng trước bàn thờ. Di ảnh ông Tánh nhạt màu, ánh nhìn độ lượng.

Thấy vợ xúc động mạnh, ông Vinh kéo vai bà Hoa giục: Bà chuẩn bị cơm cho tui chưa, đói lắm rồi!

Bà Hoa không nói gì, lấy tay lau nước mắt. Ông Vinh kính cẩn thắp ba nén hương, cúi lạy bạn mình./.
 


.