(Báo Quảng Ngãi)- Lý Sơn hôm nay có rất nhiều đổi thay, khiến ai đến đây cũng ngỡ ngàng. Hòn đảo xinh đẹp này đang trở thành “thiên đường du lịch” của du khách trong nước và thế giới.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Xa xôi, cách trở
Cách đây hơn chục năm, dường như những gì tấp nập nhất ở Lý Sơn chỉ diễn ra ở cầu cảng, còn ở bên trong đảo thì khá buồn tẻ. Là người từ đất liền ra công tác ở đảo Lý Sơn từ ngày đầu thành lập huyện và gắn bó đến nay, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Tài Luân nhớ lại: "Ngày ấy, những thứ cần thiết cho phát triển chỉ là con số không. Khí hậu khắc nghiệt, hạ tầng chưa có gì. Kinh tế chủ yếu là nông, ngư nghiệp, nhưng phương thức sản xuất lạc hậu, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, nên năng suất thấp và bấp bênh. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gần như không có gì. Thương nghiệp thì gần như tự cung, tự cấp...".
Lý Sơn là điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Ảnh: X.THIÊN |
Còn nhắc đến chuyện đi lại từ đất liền ra đảo, thì ai cũng ngao ngán. Ông Luân kể: Ngày ấy, từ đất liền ra đảo và ngược lại chủ yếu đi bằng tàu cá của ngư dân. Nếu thời tiết tốt thì đi mất 4 - 5 giờ đồng hồ. Còn biển động thì chịu. Mùa nắng, cán bộ trong đất liền ra đảo công tác mỗi tháng tranh thủ về thăm nhà một lần. Còn mùa biển động thì gần như ở luôn ngoài đảo. Tất cả lặng lẽ giữa biển khơi với tên gọi quen thuộc là Cù lao Ré.
Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của Lý Sơn thời điểm năm 1993 đạt hơn 93 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt 1.649 tỷ đồng (tăng gần 18 lần). Thu nhập bình quân đầu người năm 1993 đạt 2,1 triệu, đến năm 2018 đạt 25,7 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 12 lần). |
Những bước chuyển mình
Sau ngày thành lập huyện, để tạo nguồn lực cho địa phương đi lên, trung ương và tỉnh đầu tư xây dựng các công trình quy mô lớn ở Lý Sơn như cầu cảng, hệ thống giao thông, bệnh viện, trường học, nhà máy phát điện, rồi đến tàu khách cao tốc, vũng neo đậu tàu thuyền, kè chống sạt lở...
Đặc biệt, sự kiện quan trọng đối với nhân dân huyện đảo là từ năm 2014, điện lưới quốc gia được kéo ra đảo bằng hệ thống cáp ngầm xuyên biển. Công trình hoàn thành đã làm cho hòn ngọc giữa biển bừng sáng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Có điện lưới quốc gia là cơ hội để Lý Sơn cất cánh với những tiềm năng và thế mạnh riêng có của mình. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện đã xác định, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện và trong vòng 5 năm trở lại đây, du lịch Lý Sơn đã đạt những kết quả cực kỳ ấn tượng.
Việc thu hút những dự án đầu tư để phát triển du lịch như hạ tầng giao thông, khách sạn, cơ sở lưu trú... đã làm thay đổi diện mạo nơi đây. Lý Sơn đã trở thành điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước. Du lịch phát triển, kéo theo thương mại, dịch vụ đi lên. Một đô thị biển đang dần hình thành.
Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy cho rằng: Những năm trước, Lý Sơn còn là một địa danh xa lạ trong bản đồ du lịch Việt Nam, do tiềm năng du lịch của huyện chưa được “đánh thức”. Nhưng trong 5 năm vừa qua, cùng với việc huy động các nguồn lực khác nhau, nhất là nguồn vốn đầu tư của trung ương và tỉnh đã giúp Lý Sơn từng bước xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng trên đảo. Năm 2011, lượng khách du lịch đến Lý Sơn chỉ có 8.200 lượt; thì đến năm 2018 đạt trên 230 nghìn lượt khách. Đây là con số ấn tượng, khẳng định tiềm năng, lợi thế của du lịch biển đảo Lý Sơn.
Đảo Lý Sơn về đêm. ảnh: X.THIÊN |
Các loại hình dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, tham quan, trải nghiệm cũng phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách. Khoảng 10 năm trước, toàn huyện chỉ có cơ sở 2 dịch vụ lưu trú, với 13 phòng, thì hiện nay có hơn 110 cơ sở lưu trú, với 653 phòng, gồm khách sạn, nhà nghỉ và mô hình du lịch cộng đồng; 90 cơ sở kinh doanh ăn uống, ẩm thực; các loại hình ca nô nước, bơi thuyền, lặn ngắm san hô, câu cá cũng dần được đầu tư bài bản.
Giờ đây, mọi người ra Lý Sơn du lịch được đưa đón bằng những con tàu khách hiện đại, chỉ mất hơn 30 phút. Lên bờ, du khách có nhiều dịch vụ để lựa chọn, từ ô tô, xe máy, xe điện. Thậm chí có thể nghỉ ngơi tại khách sạn 4 sao, tương đương với khách sạn cao cấp nhất tại TP.Quảng Ngãi. Đến các nhà hàng, chợ đêm du khách được thưởng thức các loại hải sản tươi ngon. Khi về sẽ có các loại đặc sản như hành, tỏi, chả cá, hải sản khô... làm quà. Có thể nói, dịch vụ du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của huyện, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên đảo.
Xây dựng Lý Sơn thành đô thị biển hiện đại Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt cho biết: Huyện đang tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2030, với mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, đa dạng hóa ngành, nghề, sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao. Đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành có đóng góp lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện. Phấn đấu đến năm 2030, Lý Sơn sẽ xây dựng thành công đô thị biển theo hướng xanh, sạch, đẹp, hiện đại. |
XUÂN THIÊN