Du lịch Quảng Ngãi: Định hình bản sắc riêng

02:07, 04/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 30 năm, ngành công nghiệp không khói của Quảng Ngãi đã có bước phát triển vượt bậc. Bây giờ, về Quảng Ngãi du khách dễ dàng lựa chọn các sản phẩm du lịch phù hợp với sở thích của mình. Bên cạnh những sản phẩm du lịch tâm linh, lịch sử, danh lam thắng cảnh, nghỉ dưỡng, sinh thái, Quảng Ngãi còn có du lịch biển đảo Lý Sơn, du lịch địa chất núi lửa. Mỗi sản phẩm du lịch đều có những nét đặc trưng riêng.  

TIN LIÊN QUAN

Chuyển động từ Nghị quyết chuyên đề

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa cho rằng: Quảng Ngãi là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử kiên cường, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp... Thế nhưng, du lịch Quảng Ngãi vẫn chưa có sắc thái riêng, bởi sau ngày tái lập tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn. Cả hệ thống chính trị vào cuộc lo kiến thiết quê hương. Vì thế, giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh gần như "ngủ yên".

Mô hình du lịch cộng đồng đang được đầu tư phát triển tại thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn).          Ảnh: MAI HẠ
Mô hình du lịch cộng đồng đang được đầu tư phát triển tại thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn). Ảnh: MAI HẠ

Để phát huy những lợi thế đó, tỉnh đã có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Các địa phương và ngành chức năng trong tỉnh đã mạnh dạn kêu gọi đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch. Năm 2016, Tỉnh ủy có Nghị quyết 04 về phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết chuyên đề này như "kim chỉ nam" định hướng cho các địa phương tiếp tục phát triển du lịch toàn diện.

Để khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ở mỗi địa phương, bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, kêu gọi đầu tư, UBND tỉnh đã có kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại 4 huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, Bình Sơn và Lý Sơn. Song hành với đó, Quảng Ngãi đã mời các chuyên gia địa chất đầu ngành khảo sát, phát hiện các giá trị núi lửa hàng triệu năm còn nguyên vẹn  trên đảo Lý Sơn, khơi dậy văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa...

“Khi Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu, Quảng Ngãi sẽ gia nhập "câu lạc bộ” các địa phương di sản kết nối con đường di sản miền Trung, nhằm thu hút du khách đến với Quảng Ngãi”.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL HUỲNH THỊ PHƯƠNG HOA

Đánh thức tiềm năng  

Đưa du khách đến tham quan những trầm tích núi lửa ở đảo Bé (Lý Sơn), anh Lê Văn Lập - con trai của một chủ homestay ở thôn Đông, xã An Vĩnh bộc bạch: "Khi các nhà địa chất vào cuộc thì người dân mới biết những giá trị về địa chất, địa mạo ở nơi đây. Là người dân đất đảo, tôi luôn muốn những giá trị văn hóa của quê hương được nhiều người biết đến". Hiện nay, Lý Sơn đã trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch của tỉnh, hằng năm  thu hút hàng trăm nghìn du khách đến tham quan trải nghiệm. Vùng đất Lý Sơn và vùng phụ cận đang được tỉnh ta xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Ở đất liền, nhiều nhà đầu tư cũng đã vào cuộc khai thác giá trị tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch. Ông Nguyễn Hữu Hoa - chủ Khu du lịch sinh thái Suối Chí, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) cho hay: Suối Chí đã thu hút tôi ngay từ lần đầu khảo sát. Bởi nơi đây không chỉ có dòng suối mát, mà còn có cánh rừng nguyên sinh gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng của người dân nơi đây.

Bà  Huỳnh Thị Phương Hoa phấn khởi cho biết: “Sau 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, ngành du lịch Quảng Ngãi đã có bước phát triển vượt bậc. Từ chỗ chưa định hình, bây giờ đã có sắc thái riêng, ngày càng có nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, trong đó du lịch biển đảo, du lịch địa chất như lát cắt mới cho hình ảnh du lịch Quảng Ngãi. Nhờ đó, lượng khách đến tham quan tăng qua từng năm”.

Trong thời gian đến, ngành du lịch Quảng Ngãi xác định phát triển du lịch gắn với việc bảo vệ môi trường, tài nguyên, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bền vững, tạo ra sản phẩm du lịch cộng đồng, nhằm giúp người dân có việc làm và phát triển du lịch bền vững.

Đạt doanh thu gần 1 nghìn tỷ đồng

Nếu như năm 1989, Quảng Ngãi có khoảng 14 nghìn lượt khách đến tham quan, doanh thu chỉ 3,2 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2018, Quảng Ngãi đón hơn 1 triệu lượt khách, doanh thu gần 1.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 13.000 lao động trực tiếp và gián tiếp tại địa phương.

MAI HẠ
 


.