Chắp cánh cho bài chòi

01:06, 02/06/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Câu lạc bộ (CLB) Bài chòi huyện Mộ Đức trở thành nơi gắn kết những tâm hồn đam mê nghệ thuật dân ca bài chòi. Sau gần 1 năm thành lập, 57 thành viên trong CLB đã tham gia biểu diễn ở nhiều nơi, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem.

TIN LIÊN QUAN

Nơi hội tụ đam mê

Chủ nhiệm CLB Bài chòi huyện Mộ Đức Phạm Thị Lượng cho biết: Các thành viên trong CLB mỗi người mỗi việc, nhiều độ tuổi, nhưng có điểm chung là cùng đam mê hát bài chòi. Nhờ vậy, các thành viên đã góp phần gìn giữ nghệ thuật bài chòi vốn có từ lâu đời. Mới đây, CLB Bài chòi đã tham gia biểu diễn 3 ngày liên tiếp trong chương trình Liên hoan văn hóa - ẩm thực huyện Mộ Đức.

Đến bây giờ, các thành viên trong CLB vẫn còn tâm trạng lâng lâng, phấn khởi khi nhớ về những buổi biểu diễn đó. “Các tiết mục tại lễ hội ẩm thực thu hút hàng trăm lượt khách đến xem. Đứng trên sân khấu, nhìn xuống phía dưới thấy đông đảo khán giả hào hứng cổ vũ, chúng tôi như được tiếp thêm động lực để gắn bó với nghệ thuật bài chòi", chị Lượng bộc bạch.

Thành viên CLB Bài chòi huyện Mộ Đức biểu diễn dân ca bài chòi.
Thành viên CLB Bài chòi huyện Mộ Đức biểu diễn dân ca bài chòi.


Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (37 tuổi), hiện là giáo viên âm nhạc Trường THCS Nguyễn Trãi (Mộ Đức) đã gắn bó với CLB Bài chòi từ ngày đầu thành lập. Chị Hằng phấn khởi khi niềm đam mê âm nhạc của mình có điểm tựa để được trau dồi và phát huy.

Cô giáo dạy âm nhạc tâm sự: "Tôi mê hát những làn điệu bài chòi từ thời tấm bé. Những làn điệu ngọt ngào, du dương, vui nhộn làm cho tâm hồn dễ chịu. Khi huyện thành lập CLB Bài chòi, tôi đăng ký tham gia với hy vọng sẽ học hỏi từ các đàn anh, đàn chị, để giọng hát thêm hoàn thiện".

Có cùng đam mê hát bài chòi như chị Hằng, với giọng hát ngân nga, da diết, chị Phạm Thị Kim Hạnh là một trong số “cây hát” chủ lực của CLB. Chị Hạnh hiện là Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Đức Minh. Dù công việc bận rộn, nhưng với niềm đam mê, chị vẫn thu xếp thời gian cùng luyện tập các tiết mục hát, hô bài chòi. Chị Hạnh chia sẻ: “Khi được ngân nga làn điệu bài chòi cùng với các anh, chị em chung sở thích, giúp tôi giải tỏa phần nào áp lực trong cuộc sống”.

Hướng đến sản phẩm du lịch

Chị Phạm Thị Lượng cho biết: Nhận thấy nghệ thuật bài chòi được nhiều người yêu thích, huyện Mộ Đức đã tìm hướng đi để phát huy loại hình nghệ thuật dân gian này. Đặc biệt, để bài chòi đến gần hơn với lứa tuổi học sinh, huyện cũng đã có kế hoạch đưa bài chòi vào trường học.

Trưởng phòng VH-TT huyện Mộ Đức Võ Việt Cường cho biết: "Đưa bài chòi vào trường học nhằm giúp các em học sinh gần gũi, có niềm yêu thích với bài chòi. Chúng tôi đã phát động để những người có đam mê, có chuyên môn sáng tác, đặt lời mới phù hợp với lứa tuổi học sinh".

Huyện Mộ Đức cũng đã có định hướng đưa nghệ thuật hát dân ca bài chòi, chơi bài chòi trở thành một sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Huyện chọn xây dựng địa điểm biểu diễn nghệ thuật bài chòi ở Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, xã Đức Tân. “Huyện đã đầu tư hơn 100 triệu đồng mở lớp truyền dạy nghệ thuật bài chòi.

Hiện nay, do nguồn kinh phí hạn hẹp, nên huyện rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan để có thể tiếp tục gìn giữ, phát huy loại hình nghệ thuật dân gian bài chòi”, ông  Võ Việt Cường kiến nghị.

Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG



 


.