Lao xao bãi Dừa

10:05, 31/05/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đến bãi Dừa, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) không chỉ nghe những câu chuyện về dấu xưa, hồn phố cổ mà du khách còn tha hồ tận hưởng làn gió biển trong lành, thưởng thức nước dừa tươi ngọt, các món ăn hải sản hấp dẫn trong tiếng lá dừa khua lao xao chẳng khác nào bản tình ca mà tạo hóa đã ban tặng.
TIN LIÊN QUAN

Từ đường Lê Trung Đình (TP.Quảng Ngãi) theo con đường trải nhựa về hướng đông chừng 9km, du khách sẽ đến bãi Dừa mát rượi. Đến đây, du khách sẽ có một cảm nhận đối lập giữa không gian thành thị và phố cổ xưa, hiểu hơn về đời sống, sinh hoạt của người dân.
Bãi Dừa nhìn từ trên cao.          ẢNH: BÙI THANH TRUNG
Bãi Dừa nhìn từ trên cao. ẢNH: BÙI THANH TRUNG
Dấu xưa còn lại đó là chùa Ông và nghề chiếu cói, chế biến kẹo gương... Điều khá rõ nét là nhịp sống ở phố cổ không mấy hối hả, cứ bình lặng trôi như dòng nước sông Vực Hồng, một dòng sông còn mang đậm dấu tích xưa. Sông Vực Hồng nối liền với cửa biển Cổ Lũy, Cửa Lở. Vào khoảng thế kỷ XIX, khi người Hoa theo đường biển đến Thu Xà lập làng đã tận dụng dòng sông này làm thương cảng để vận chuyển, buôn bán hàng hóa. Thuở trước nơi đây trên bến, dưới thuyền tấp nập người mua kẻ bán. Theo năm tháng, dòng sông cạn dần và tạo nên bãi bồi rộng lớn ở phía bắc. Sau năm 1975, xã Nghĩa Hòa huy động dân trồng dừa nơi bãi bồi. Phố cổ Thu Xà gắn liền với bãi Dừa từ đó.

 "Thuở trước nơi đây trên bến, dưới thuyền tấp nập người mua kẻ bán. Theo năm tháng, dòng sông cạn dần và tạo nên bãi bồi rộng lớn ở phía bắc. Sau năm 1975, xã Nghĩa Hòa huy động dân trồng dừa nơi bãi bồi. Phố cổ Thu Xà gắn liền với bãi Dừa từ đó".
Bây giờ, bến cảng Thu Xà xưa không còn, nhưng vùng Thu Xà, bãi Dừa và dòng sông Vực Hồng như bộ ba tạo nên một bức tranh thủy mặc hòa quyện trong không gian thoáng đãng nơi cửa biển, đó là bức tranh vừa động, vừa tĩnh. Từ sáng sớm cũng là lúc sau một đêm mưu sinh, thuyền chài cập bến. Cảnh mua bán diễn ra ngay ở ven sông.

Từ phía đông của bãi Dừa, mặt trời nhô lên xuyên qua những con sóng, những tán dừa xanh tạo nên màu sắc lung linh, huyền ảo. Cuối bãi Dừa có kè Hòa - Hà chạy vắt ngang như vành đai của biển, không chỉ ngăn mặn, giữ nước ngọt mà còn tạo lối đi dân sinh.

Ông Đinh Duy Pháp (70 tuổi), ở thôn Điện An 2, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) cảm nhận: "Cung đường trên mái kè này khá đẹp. Sáng nào, tôi cũng đạp xe tập thể dục qua đây, dừng lại 5 – 10 phút để hít thở không khí trong lành, ngắm mặt trời lên, mua vài con cá đối, tôm, cua tươi ngon".

Mặt trời lên cao cũng là lúc gió lao xao từ biển vào bờ tạo không khí thật mát dịu. Du khách hãy ghé các quán nước ven đường uống ly nước dừa ngọt dịu, thanh khiết.

Chính vì sự đặc trưng của bãi Dừa vừa cho trái giải khát, vừa tạo bức tranh nên thơ mà chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái bãi Dừa quyết định giữ nguyên vẹn rừng dừa hơn 200 cây. Cũng nhờ rừng dừa mà bãi bồi được giữ vững theo năm tháng, dân làng thôn Thu Xà được bình yên mỗi khi mùa mưa bão đến.

Bên bãi Dừa bây giờ còn có hàng quán được bố trí theo kiểu bè nổi dọc dòng sông Vực Hồng. Sau khi tham quan trải nghiệm, khi mặt trời đứng bóng, du khách hãy ghé các bè nổi để thưởng thức các món ăn được chế biến từ cá, tôm tươi ngon.
 Bình yên bãi Dừa.
Bình yên bãi Dừa.

 

Trong tương lai không xa, dự án cầu cửa Đại bắc qua sông Trà, kết nối tuyến du lịch ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh tạo thành tuyến du lịch vòng quanh TP.Quảng Ngãi. Với tiềm năng du lịch văn hóa, di tích, ẩm thực nơi phố cổ Thu Xà sẽ là một điểm nhấn cho du lịch Quảng Ngãi.


Bài, ảnh: MAI HẠ  


 

.