Hành trình về "địa chỉ đỏ"

03:04, 29/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ cửa khẩu Xa Mát, xã Tân Lập, huyện Tân Biên (Tây Ninh), đi qua con đường nhỏ thảm nhựa len lỏi giữa rừng nhiệt đới, Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam hiện ra trước mắt chúng tôi khá ấn tượng, với không gian xanh mát, những cây cổ thụ chi chít dây leo...

TIN LIÊN QUAN

Nơi rừng núi thiêng liêng này đã chứng kiến những sự kiện lịch sử trọng đại, là nơi sống và làm việc trong những tháng năm kháng chiến trường kỳ gian khổ của các nhà lãnh đạo lỗi lạc của Ðảng, Nhà nước và Quân đội ta. Nơi đây đã được Trung ương Cục chọn làm căn cứ để chỉ đạo cách mạng miền Nam từ năm 1961 đến đại thắng mùa Xuân năm 1975. Giờ đây, Khu căn cứ Trung ương Cục trở thành "địa chỉ đỏ" trong hành trình tìm về nguồn của du khách.

Báu vật của lịch sử

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam có diện tích khoảng 70ha, gồm ba phân khu chính là: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, căn cứ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong đó, khu Trung ương Cục có 2 khu vực chính: Khu di tích đã phục hồi và Khu tưởng niệm.

 Nhà làm việc của đồng chí Trần Nam Trung, người con quê hương Quảng Ngãi.
Nhà làm việc của đồng chí Trần Nam Trung, người con quê hương Quảng Ngãi.


Tại Nhà trưng bày di tích lịch sử hiện có khoảng 1.000 hiện vật, tư liệu, hình ảnh về đời sống sinh hoạt, chiến đấu của những chiến sĩ cách mạng năm xưa ở khu căn cứ như: Xe đạp của Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Thủ tướng Võ Văn Kiệt, súng tự tạo mang tên “ngựa trời”, lựu đạn, mìn tự chế, bàn làm việc, ba lô, đèn pin, bật lửa làm bằng vỏ đạn, dép lốp...

Trong khoảng thời gian 15 năm (1961 - 1975), dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp là các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt... Trung ương Cục đã cụ thể hóa được nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng miền Nam, từ đó cho ra đời nhiều chỉ thị, nghị quyết, định hướng đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam và triển khai thành công trong phạm vi toàn chiến trường miền Nam.

Theo con đường nhỏ quanh co uốn lượn chạy dài tới vài cây số dưới tán cây rừng là hầm hào trú ẩn và cơ động khi cần thiết; những căn nhà nhỏ, trạm gác, nhà trực, hội trường, nhà giao ban... vẫn được bảo tồn nguyên trạng. Đáng chú ý khu làm việc của các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục Miền Nam như: Nhà ở và làm việc của các đồng chí Nguyễn Văn Linh; Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Trần Nam Trung... được Ban quản lý Khu di tích thường xuyên tu bổ, tôn tạo và gìn giữ.

Điều đặc biệt là những ngôi nhà được phục dựng lại như thời kháng chiến và được lợp bằng lá trung quân - một loại lá rất dai, bền, khó bị mục bởi mưa nắng và đặc biệt không bắt lửa. Những vật dụng trong nhà như giường, tủ, ghế, bàn làm việc... đều làm từ tre, gỗ và được đặt đúng vị trí mà các đồng chí đã sử dụng trong những năm tháng chiến tranh.

Nơi giáo dục truyền thống cách mạng

Anh Nguyễn Hữu Lễ - Phụ trách hướng dẫn tại Khu di tích, cho biết: Tân Biên là địa bàn chiến lược quan trọng, với địa hình rừng nguyên sinh trải rộng, nối liền cực Nam Trung Bộ với đồng bằng Tây Nam Bộ. Đó là điều kiện thuận lợi để hình thành khu căn cứ kháng chiến, xây dựng hệ thống căn cứ liên hoàn, tạo thế vững chắc cho lực lượng kháng chiến.

Đã hơn 57 năm trôi qua kể từ khi hình thành khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam, đến nay Di tích lịch sử căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã được Nhà nước cấp bằng công nhận "Di tích quốc gia đặc biệt". Theo anh Lễ, trung bình mỗi năm Khu di tích đón tiếp gần 1.000 đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân miền Nam, về truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc.

Về thăm Khu căn cứ, chúng tôi có cơ hội hiểu thêm về những năm tháng chiến tranh ác liệt, hiểu hơn về lý tưởng và sự hy sinh của lớp thế hệ cha, ông. Họ sống và chiến đấu với lòng quả cảm đáng khâm phục và là tấm gương để thế hệ sau tiếp bước, noi theo. Mỗi người đều không khỏi xúc động, bồi hồi và cảm phục khi tận mắt thấy nơi ăn, chốn ở, những chứng tích, về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc trên chiến trường miền Nam. Truyền thống đó đã và đang được các thế hệ hôm nay phát huy, tiếp bước.

Bài, ảnh: THANH THUẬN


.