Nâng tầm du lịch Quảng Ngãi

07:12, 31/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử là hướng đi mới của ngành du lịch Quảng Ngãi. Nhờ đó, bức tranh du lịch của Quảng Ngãi trong năm 2018 có nhiều khởi sắc.

TIN LIÊN QUAN

Quảng Ngãi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, có bờ biển dài trên 130km, với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và di tích văn hóa, lịch sử có giá trị, tạo nên những dấu ấn đặc trưng cho sản phẩm du lịch của Quảng Ngãi.

"Cú huých" cho ngành du lịch   

Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững; và Nghị quyết 04 về phát triển dịch vụ, du lịch Quảng Ngãi, giai đoạn 2016-2020 được xem là cú huých để ngành du lịch Quảng Ngãi phát triển. Bởi lẽ, trên cơ sở các nghị quyết đó, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư trong lĩnh vực này và đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Năm 2018, toàn tỉnh thu hút được 1 triệu lượt khách, đạt 117% so với kế hoạch, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế đến Quảng Ngãi tăng 25% và lưu trú tăng 10%; doanh thu du lịch của tỉnh là 950 tỷ đồng, đạt 115% kế hoạch và tăng 33% so với cùng kỳ.

 

Du khách xem đồng bào dân tộc Cor ở thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn) trình diễn nghệ thuật văn hóa truyền thống.
Du khách xem đồng bào dân tộc Cor ở thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn) trình diễn nghệ thuật văn hóa truyền thống.


Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Bùi Đình Thời cho biết: Nghĩa Hành có 14 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh và nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Qua kêu gọi đầu tư, có một doanh nghiệp đăng ký đầu tư Khu du lịch Suối Chí, với tổng vốn đăng ký đầu tư 50 tỷ đồng. Huyện cũng đầu tư 2 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo Khu tưởng niệm Khánh Giang – Trường Lệ; xây dựng mô hình cây ăn trái ở xã Hành Nhân gắn với phát triển du lịch cộng đồng... Đây là những tiền đề quan trọng để huyện hình thành tour du lịch văn hóa, lịch sử gắn với sinh thái, miệt vườn.

Đối với Lý Sơn, huyện xác định, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nên đã triển khai đồng bộ các giải pháp để thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch.

 Khách du lịch tham quan tại Lý Sơn . Ảnh:  T.L
Khách du lịch tham quan tại Lý Sơn . Ảnh: T.L


Huyện đã đầu tư mở rộng 5 tuyến đường đến các địa điểm du lịch; trùng tu, sửa chữa các đình làng; khuyến khích 60 hộ dân làm dịch vụ homestay; hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng cho nhân viên quản lý, hướng dẫn viên du lịch tại 8 điểm di tích trọng điểm... Nhờ đó, năm 2018, Lý Sơn thu hút khoảng 230 nghìn lượt khách, tăng 15-20% so với năm 2017, góp phần tăng trưởng 20% doanh thu trên địa bàn huyện.

"Hiện nay, Quảng Ngãi đã quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang bản sắc văn hoá Quảng Ngãi, đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những điểm đến đạt mức trung bình khá của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và của cả nước".


Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL HUỲNH THỊ PHƯƠNG HOA


Hướng đến phát triển bền vững

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đầu tư hình thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững. Tại Bình Sơn, ngoài điểm du lịch ở Gành Yến (xã Bình Hải), trong năm 2018, huyện đã đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn và vẽ 33 bức tranh 3D và tranh phát sáng, mở lớp truyền dạy nghệ thuật truyền thống của đồng bào Cor ở Thọ An (xã Bình An)...

Ông Hồ Văn Minh, nghệ nhân cồng chiêng ở thôn Thọ An phấn khởi nói: "Du khách đến Thọ An ngày càng nhiều. Đây là niềm động viên để đồng bào Cor tích cực tham gia phát triển du lịch cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa".

 

 Đồng bào dân tộc Cor ở thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn) giới thiệu các sản vật.
Đồng bào dân tộc Cor ở thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn) giới thiệu các sản vật.


Tại huyện Ba Tơ, tỉnh cũng đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng Nhà văn hóa Làng Teng (xã Ba Thành), phục hồi nghề dệt; đầu tư phát huy các giá trị văn hóa của người Hrê gắn với phát triển du lịch.

Để hướng đến phát triển du lịch bền vững, huyện Lý Sơn đã ban hành bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh chia sẻ: "Nếu giá trị di sản văn hóa lịch sử, trầm tích núi lửa trên địa bàn huyện là phần xác, thì văn hóa ứng xử của người dân, cán bộ làm du lịch chính là phần hồn để níu chân du khách. Vì vậy, huyện luôn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng xử có văn hóa, nhằm tạo ấn tượng tốt đối với du khách".

Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ giải trí có quy mô lớn; đồng thời phê duyệt quy hoạch chi tiết công viên Trung tâm TP.Quảng Ngãi, cho chủ trương đầu tư công viên Hòa Bình Mỹ Lai, công viên Thiên Bút... Ngành văn hóa đã và đang phục hồi, phát huy các giá trị văn hóa trong các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh để phục vụ phát triển du lịch.


Bài, ảnh: MAI HẠ




 


.