(Báo Quảng Ngãi)- Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào Cor ở thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn) nhằm hướng đến phát triển du lịch bền vững, thì ngoài việc tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, công tác bảo tồn không gian văn hóa là hết sức quan trọng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Không gian văn hóa đồng bào dân tộc Cor ở thôn Thọ An bao gồm môi trường, cảnh quan thiên nhiên và cả không gian sinh sống của cộng đồng dân cư ở vùng đất này, với nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.
Giá trị văn hóa bản địa
Trước đây, thôn Thọ An là khu căn cứ địa cách mạng. Sau năm 1975, nơi đây trở thành vùng kinh tế mới. Một bộ phận đồng bào dân tộc Cor từ xã Trà Giang (Trà Bồng) và ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đến lập làng. Họ đã mang theo những nét văn hóa, tập tục trong sinh hoạt, sản xuất truyền thống của đồng bào mình. Toàn thôn hiện có 194 hộ đân, với 676 khẩu là người dân tộc Cor.
Văn hóa cồng chiêng của đồng bào Cor ở thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn) hiện vẫn còn nguyên giá trị. |
Thôn Thọ An nằm dưới thung lũng của những cánh rừng xanh thẳm. Từ nhiều thế hệ qua, cứ đến ngày lễ, tết ngã rạ mừng mùa lúa mới, tết truyền thống của dân tộc, đồng bào Cor nơi đây đều tổ chức lễ, hội múa hát cồng chiêng, giao lưu văn hóa. Bí thư Đảng ủy xã Bình An Nguyễn Văn Vinh cho biết: Đồng bào Cor thường mang đến lễ hội các sản phẩm từ núi rừng hoặc tự tay mình sản xuất như con cá bắt dưới suối, con heo, con gà thả rông đến các loại rau ranh, rau dớn mọc ven suối, đồi nương. Đặc biệt, trong ngày lễ không thể thiếu món bánh nếp lá dong có hình mũi tên hay rượu cà rỏ...
Thọ An còn có thắng cảnh đẹp, không gian thoáng đãng, môi trường mát mẻ. Ở đây có thác Lò Xo còn nguyên sơ, bốn mùa nước chảy, có đập Tuyền Tung khá rộng, tạo nên bức tranh non nước hữu tình. Đồng bào dân tộc Cor sống chân chất, nghĩa tình. Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa nhận định: "Những giá trị văn hóa còn nguyên vẹn ở Thọ An là cơ sở để phát triển du lịch cộng đồng. Khi phát triển được du lịch cộng đồng, thì không gian văn hóa đồng bào Cor ở Thọ An sẽ được bảo tồn một cách bền vững”.
Sở VH-TT&DL vừa phối hợp với huyện Bình Sơn, các công ty lữ hành trong tỉnh tiến hành khảo sát điểm đến du lịch thôn Thọ An để tìm hướng liên kết kêu gọi đầu tư, khai thác sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương, qua đó bảo tồn cả không gian văn hóa vật thể và phi vật thể vốn có trên địa bàn để phát triển du lịch bền vững. |
Khẩn trương bảo tồn
Hưởng lợi từ Chương trình 134, 135, thôn Thọ An được đầu tư cơ sở hạ tầng khá đồng bộ. Tuy nhiên, đời sống của người dân nơi đây còn nghèo, có nguy cơ mai một dần bản sắc văn hóa. Trước thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa ở Thọ An, năm 2017 huyện Bình Sơn đã đầu tư kinh phí để xây dựng làng tranh bích họa 3D, nhằm thu hút khách du lịch.
Chủ đề của những bức tranh đều thân thuộc với người dân trong vùng. Từ dòng thác, con suối, điệu múa cà đáo, hình ảnh đánh cồng chiêng đến những cánh đồng lúa, đồng hoa... đều được nhóm họa sĩ khắc họa sống động trên những bức tường nhà dân. Cũng từ đó, đồng bào Cor ý thức hơn trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên.
Huyện Bình Sơn cũng đã quy hoạch 4ha, đầu tư khoảng 3 tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa đồng bào Cor, tạo suối hoa và hàng loạt các hạng mục khác. Ngoài ra, huyện đã mời các nghệ nhân ở huyện Trà Bồng dạy các làng điệu dân ca, dân vũ cho đồng bào Cor ở Thọ An; đầu tư trang phục, cồng, chiêng, trống và dựng cây nêu...
Trưởng Phòng VH-TT huyện Bình Sơn Huỳnh Kim Ngân cho biết, huyện đã mở lớp hướng dẫn đồng bào Cor thôn Thọ An biết cách vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn văn hóa ẩm thực. Ngoài ra, huyện khuyến khích người dân trồng hoa, cây kiểng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương; quy hoạch diện tích trồng mè, đậu phụng... để làm nguyên liệu sạch phục vụ khách du lịch.
Bài, ảnh: MAI HẠ