Vang vọng tiếng cồng chiêng

10:09, 06/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cồng chiêng, đàn và hát dân ca là giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi trong tỉnh. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng lời ca, tiếng cồng chiêng vẫn được giữ gìn, tạo nên nét đặc trưng của mỗi dân tộc.

TIN LIÊN QUAN

Liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi lần thứ IV-2018 diễn ra mới đây tại huyện Minh Long đã thu hút 150 nghệ nhân, diễn viên đồng bào các dân tộc Cor, Ca Dong, Hrê tham gia biểu diễn. Mỗi tiết mục, mỗi thể loại cồng chiêng, đàn và hát dân ca đều khắc họa đậm nét bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc.

Tiết mục của đồng bào Cor huyện Tây Trà.
Tiết mục của đồng bào Cor huyện Tây Trà.


Trong đó, tiết mục để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhiều người xem là: Ru em, ngày lễ hội của đoàn huyện Minh Long; hay như các tiết mục cồng chiêng kết hợp múa cà đáo; độc tấu đàn brook và hát xà ru; đấu chiêng của đoàn huyện Trà Bồng... Phó Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Trà Bồng Huỳnh Văn Kiên cho biết, những tiết mục trình diễn tại liên hoan đều được bà con giữ gìn, tập luyện hằng ngày nên khi diễn khá nhuần nhuyễn.
 

Trong đợt Liên hoan Cồng chiêng, đàn và hát dân ca các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi lần thứ IV, năm 2018, Ban tổ chức đã trao đồng giải Nhất toàn đoàn cho đơn vị huyện Trà Bồng và Ba Tơ; đồng giải Nhì thuộc về đơn vị huyện Minh Long và Sơn Tây; đồng giải Ba cho huyện Tây Trà và Sơn Hà; đồng thời trao giải A, B, C cho 18 tiết mục đặc sắc.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Cao Văn Chư cho biết thêm: Các tiết mục của đồng bào dân tộc thiểu số Cor, Hrê khá độc đáo, biểu diễn tự nhiên, tựa như suối ngàn tuôn trào, tạo nên những âm thanh, giai điệu réo rắc trong lòng người xem.

Mỗi tiết mục đều mô phỏng được nguyên bản nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều tiết mục có sự tiếp biến, nhưng đều kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, làm cho người xem cảm nhận được nét văn hóa, tập tục của mỗi dân tộc qua các loại hình nhạc cụ, dân ca đặc trưng.

Người Hrê thì có các làn điệu dân ca ta lêu, ca choi hoà cùng với tiếng đàn brook, knâu, sáo tà lía, a mó, tà vố và tiếng chiêng bộ ba tạo nên giai điệu trong sáng, mượt mà và thanh âm phong phú. Tiếng đàn, tiếng hát đều mô phỏng âm thanh vui nhộn của thiên nhiên, núi rừng, với hy vọng sẽ có một mùa no đủ.

Còn các nghệ nhân người Cor thì thể hiện các làn điệu dân ca xà ru, a giới, a lát theo lối tự sự, hoặc theo giai điệu có sẵn, kết hợp với tiếng đàn brook, amáp, với tiếng chiêng trống, chiêng con tạo nên âm thanh độc đáo. Người Ca Dong cũng có những  nét văn hóa đặc sắc với những làn điệu dân ca, calêu... kết hợp với nhạc cụ truyền thống kloong pút, vrook và tiếng chiêng hnăng, chiêng hlênh tạo không khí vui nhộn.

Tiết mục hát múa của đồng bào Hrê huyện Minh Long .
Tiết mục hát múa của đồng bào Hrê huyện Minh Long .


Để những làn điệu, lời ca của đồng bào các dân tộc thiểu số được vang xa, Sở VH-TT&DL đã chọn các tiết mục tiêu biểu của đồng bào Cor để trình diễn tại Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III-2018.

Theo đánh giá của nhà văn hóa Cao Văn Chư, đây là những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc được kết tinh từ trong quá trình hình thành và phát triển của đồng bào các  dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi, được lưu giữ, bảo tồn qua nhiều thế hệ.

Tuy nhiên, đứng trước công cuộc hội nhập và phát triển, những giá trị nghệ thuật truyền thống của cộng đồng dân tộc có nguy cơ bị mai một, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ ngày càng ít phổ biến trong sinh hoạt, sản xuất. Các thế hệ nghệ nhân, diễn viên đang nắm giữ giá trị nghệ thuật truyền thống thì đã cao tuổi, trong khi thế hệ trẻ đồng bào dân tộc thiểu số thì chưa thật sự tâm huyết, nhiệt tình trong công tác gìn giữ, lưu truyền các giá trị nghệ thuật đặc sắc của cha ông.


Bài, ảnh: MAI HẠ


 


.