Khôi phục và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi

09:09, 13/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo thời gian, loại hình nghệ thuật bài chòi đã bị mai một. Để khôi phục và phát huy giá trị của nghệ thuật bài chòi tại địa phương, huyện Mộ Đức đã xây dựng kế hoạch đưa loại hình nghệ thuật này vào trong đời sống nhân dân.

TIN LIÊN QUAN

Khơi dậy niềm đam mê hát bài chòi

Đối với Mộ Đức, loại hình nghệ thuật bài chòi lâu nay vẫn được người dân ở các địa phương lưu giữ và biểu diễn trong các dịp lễ, Tết, song chỉ mang tính nhỏ lẻ, đa số người am hiểu loại hình nghệ thuật này đều đã lớn tuổi. Để tiếp tục gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, huyện Mộ Đức đã mở các lớp truyền dạy hát dân ca bài chòi, cách thức tổ chức chơi bài chòi cho người dân trên địa bàn huyện.

Lớp học đã thu hút 48 học viên là những giáo viên âm nhạc, giáo viên năng khiếu đến từ các trường mầm non, tiểu học, THCS; cán bộ, viên chức và cộng tác viên văn nghệ của Trung tâm VHTT-TDTT huyện, học sinh có năng khiếu âm nhạc...

 

Một tiết mục bài chòi được các học viên biểu diễn trong buổi tổng kết khóa truyền dạy dân ca bài chòi.
Một tiết mục bài chòi được các học viên biểu diễn trong buổi tổng kết khóa truyền dạy dân ca bài chòi.


Qua gần một tháng triển khai lớp học, dưới sự truyền dạy nhiệt tình của nghệ sĩ Thu Hương đến từ Đoàn Dân ca bài chòi tỉnh Quảng Nam, các học viên đã tiếp cận với loại hình nghệ thuật dân ca bài chòi, cách thức tổ chức chơi bài chòi và đã biết hát các bài hát, làn điệu bài chòi như Quảng Ngãi tình quê, Cô gái Ba Tơ dưới cờ khởi nghĩa, Ông Xã bà Đội, hò khoan, vè Quảng... Bên cạnh học hát, các học viên còn được biên đạo múa Như Hà đến từ tỉnh Quảng Nam hướng dẫn, truyền dạy kỹ thuật múa, góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật của các tiết mục bài chòi.

Thông qua lớp học đã phát hiện nhiều học viên có khả năng, kỹ năng để thực hiện việc truyền dạy lại cho những người khác. Cá biệt là em Trần Thị Diễm Phúc, học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Bá Loan, được nghệ sĩ Thu Hương ghi nhận có tố chất hát dân ca rất tốt. Đến nay, Phúc đã trình diễn thuần thục một số điệu lý và hát dân ca bài chòi, nhất là kỹ năng luyến láy.
 

“Sự thành công của khóa học dạy hát và tổ chức biểu diễn bài chòi lần này, là bước đệm để khôi phục loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này trên địa bàn huyện Mộ Đức trong thời gian tới. Theo kế hoạch, sau khóa học, huyện đã giao cho Phòng VH&TT tiến hành phối hợp với các địa phương thành lập các câu lạc bộ bài chòi, đồng thời đưa hát dân ca bài chòi vào trong các trường học”.


Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức PHẠM NGỌC LÂN

Phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi

Bài chòi là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian của cư dân lao động miền Trung nói chung. Lời ca, tiếng hát đều ngợi ca tình yêu cha mẹ, đạo nghĩa thầy trò, tình chồng vợ..., mang đậm tính nhân văn về giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, con người, về nhân cách, lối sống cao đẹp.

Tuy nhiên, để loại hình nghệ thuật này trở thành món ăn tinh thần của mọi người thì cần phải có thời gian. Trong đó, ngành văn hóa cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị nghệ thuật của bài chòi và truyền dạy loại hình này cho thế hệ trẻ, để kế thừa và bảo tồn giá trị di sản loại hình nghệ thuật này.

Trưởng Phòng VH&TT huyện Mộ Đức Võ Việt Cường cho biết, tuy gần gũi với đời sống người dân hằng ngày, nhưng bài chòi là loại dân ca khó, có nhiều làn điệu. Do đó, huyện Mộ Đức đã mời giảng viên chuyên nghiệp về truyền dạy, nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt để truyền dạy lại trong trường học, các tầng lớp nhân dân, phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân.


Bài, ảnh: AN NHIÊN

 


.