Bài chòi, trò chơi và cuộc diễn

03:07, 20/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bài chòi là một trò chơi đồng thời là một loại hình diễn xướng dân gian khá phổ biến của cư dân các tỉnh ven biển miền Trung từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, thường được tổ chức vào các kỳ hội hè, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán.

TIN LIÊN QUAN

Vẫn chưa thể khẳng định thời điểm ra đời cụ thể của nghệ thuật bài chòi, song dựa vào sự xuất hiện của loại hình diễn xướng này trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, phát triển mạnh ở các tỉnh Nam- Ngãi - Bình - Phú, người ta có thể phỏng đoán bài chòi ra đời vào khoảng thế kỷ XIV - XV về sau, khi người Việt ở phía Bắc di cư vào khai phá và xây dựng vùng đất mới.

Dân ca bài chòi cần được đầu tư để bảo tồn và phát triển hơn nữa. Ảnh: TL
Dân ca bài chòi cần được đầu tư để bảo tồn và phát triển hơn nữa. Ảnh: TL


Có ý kiến cho rằng, bài chòi bắt nguồn từ nhu cầu thông tin, giao lưu giữa những người canh chòi, xua chòi đuổi chim thú phá hoại mùa màng. Để làm thay đổi không khí buồn tẻ, nhàm chán kéo dài suốt đêm hoặc từ ngày này sang ngày khác, những người canh chòi đã sử dụng các làn điệu dân ca quen thuộc để trao đổi thông tin, kể cho nhau nghe những câu chuyện thực, rồi thêm vào đó thái độ, tình cảm của mình, dần dần sáng tạo ra một điệu hát riêng gọi là câu hô thai bài chòi, làm nền tảng âm nhạc cho sự xuất hiện của trò chơi bài chòi về sau.
 

Vào hồi 15 giờ 15 phút ngày 7.12.2017, tại phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Một số nhà nghiên cứu lại nghiêng về ý kiến lý giải sự ra đời của bài chòi từ trò chơi “đố chữ” mà trong đó người chủ trò hát lên những câu đố, gọi là “câu thai” để người nghe theo đó mà đoán ra những con vật, đồ vật, hiện tượng có những tính chất đặc trưng về hình thức hoặc nội dung nói đến trong câu đố.

Dù theo ý kiến nào, các nhà nghiên cứu cũng đều nhất trí thừa nhận bài chòi là một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, mà trong đó các yếu tố âm nhạc, trò diễn, hội họa cùng hiện diện trong một chỉnh thể hài hòa, linh hoạt, sáng tạo và mang đậm tính cộng đồng.

Giữ vai trò trung tâm trong một cuộc chơi bài chòi là “anh Hiệu”. Hiệu có trang phục nổi bật giữa đám đông trong một cuộc chơi bài chòi: Mặc áo dài hoặc áo ngắn kiểu đi ngựa, đội khăn đóng, thắt dây lưng đỏ, mặt đánh phấn thoa son. Người này phải rành các điệu hát, điệu hò quen thuộc, nhớ nhiều thơ và ca dao, biết pha trò, giỏi ứng tác. Hiệu là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn của bài chòi.
 

Con bài chòi.
Con bài chòi.

Mỗi con bài chòi, được thể hiện thành 1 thẻ. Bộ thẻ bài chòi là dụng cụ chính trong một cuộc chơi bài chòi, gồm cả thảy 60 con bài, trong đó có 27 cặp pho (chia làm 3 pho Văn, Vạn, Sách) và 3 cặp yêu, gọi tên là Lão (Ông Ầm), Thang (Thái Tử), Chi (Bạch Huê).

Thẻ bài chòi thường làm bằng tre, hoặc bằng gỗ, dài chừng 30cm, chia thành 2 phần là cán và mặt bài. Cán để cầm tay hoặc cắm vào con cúi rơm, thân cây chuối. Mặt bài được nghệ nhân dùng mực tàu vẽ lên đó những hình vẽ theo phong cách dân gian, có tính tượng trưng, hài hước, giàu sức liên tưởng, gợi ý người xem nhớ đến tên con bài. Hình vẽ trên thẻ bài chòi cũng là một giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo, gắn liền với trò chơi bài chòi.

Câu hô thai bài chòi là lời ca tiếng hát phát ra từ miệng của Hiệu, vừa đóng vai trò dẫn dắt cuộc chơi, vừa là yếu tố ca nhạc tạo cho cuộc chơi bài chòi trở nên sôi nổi, hấp dẫn. Đây cũng chính là giá trị phi vật thể trung tâm của trò chơi - cuộc diễn bài chòi.

Cuộc chơi bắt đầu, trống chầu một hồi ba tiếng gióng lên, giàn nhạc tiếp theo phụ họa. Những người chơi lên ngồi trên chòi. Hiệu bưng khay đến từng chòi phát bài và thu tiền. Xong phần phát bài, thu tiền, lại thêm một hồi trống. Hiệu dùng hai tay bụm ống tre đựng thẻ lắc đều nhiều lần cho các con bài trộn lẫn vào nhau. Nhón tay rút một con bài rồi mới cất giọng hô điệu bài chòi bằng hai câu thơ hay cả bài lục bát. Lời hô có thể ngắn hoặc dài, câu hát có thể thâm trầm ý nhị hoặc hài hước, tếu táo, nhưng câu cuối bao giờ cũng có những từ chỉ định hoặc gợi ý tên con bài vừa mới rút được: “Hồi nào đói rách có qua/ Bây giờ nên xưởng, nên nhà thì lơ”... Là con Sáu Xưởng!

Rồi: “Biết đâu mà đợi mà chờ/ Tấm thân liễu yếu đào tơ gió lồng”... Là con Bảy Liễu!

Hát bài chòi vào mỗi dịp Tết.
Hát bài chòi vào mỗi dịp Tết.


Chòi nào có bài trùng với con bài ấy, đáp lại bằng ba tiếng mõ. Hiệu trao thẻ bài cho người chạy bài đem đến chòi trúng, rồi lại tiếp tục lắc ống rồi rút con bài khác, theo thủ tục hô bài như đã nói trên. Ban đầu trong ống có 27 thẻ bài, nhưng bớt dần theo mỗi lần rút thẻ, cho đến khi có một chòi trúng được ba lần, tức là bài “tới” thì mới chấm dứt ván bài.

Bài chòi là trò giải trí tao nhã, hào hứng, lấy vui làm chính, không vị chuyện sát phạt, đỏ đen. Sân chơi bài trở thành điểm vui xuân thu hút đủ mọi hạng người, mọi lứa tuổi. Nội dung câu thai bài chòi giàu tính nhân văn: Vừa vun vén cho điều hay, lẽ phải, đạo lý làm người, ca ngợi quê hương, đất nước, tình nghĩa đồng bào, vừa phê phán những thói hư tật xấu, nhắc nhở ai nấy sửa mình.

Câu hô thai bài chòi, hình vẽ trên các thẻ bài, ứng xử, biểu diễn của nhân vật Hiệu cũng như toàn bộ trò chơi- cuộc diễn bài chòi mang những giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo, góp vào kho tàng di sản văn hóa đang được gìn giữ trong ký ức nhân loại, làm phong phú đời sống văn hóa - tinh thần của mỗi con người và cả cộng đồng.


  Bài, ảnh: Lê Hồng Khánh

 


.