(Baoquangngai.vn)- Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những nội dung giáo dục thiết thực mà Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây luôn chú trọng, nhằm mục đích giúp các em học sinh giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của người vùng cao nói chung và dân tộc Cadong nói riêng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cuối tháng 5, hoa phượng nở đỏ thắm sân trường Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây. Trong khung cảnh thơ mộng của sân trường, mặc trên mình bộ trang phục rực rỡ hoa văn thổ cẩm, các em học sinh thỏa thích chụp ảnh lưu niệm cùng thầy cô, bạn bè trong không khí vui tươi, phấn khởi, kết thúc một năm học với sự nỗ lực hết mình của thầy và trò.
Nữ sinh người Cadong trở nên dịu dàng, duyên dáng hơn với chân váy xoè, kiểu áo ghi lê. Riêng bộ trang phục dành cho nam thì gọn nhẹ và năng động hơn. Điệu đà trong bộ váy mùa hè, em Đinh Thị Mỹ Vân, lớp 9B, bày tỏ: “Khi mặc đồng phục bằng chất liệu thổ cẩm, đậm nét vùng cao này em thấy rất thoải mái và rất tự hào. Em thêm yêu mến văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, trong đó có đồng bào Cadong quê em”.
Các em học sinh Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây duyên dáng trong bộ trang phục thổ cẩm, mang đậm nét văn hóa vùng cao. |
Thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn, giáo viên Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây cho biết, cùng với bộ đồng phục quần xanh áo trắng, vào thứ 2, 4, 6 hàng tuần, các em đều đồng loạt mặc bộ trang phục này đến trường.
Bộ trang phục này không giống với nhiều trang phục truyền thống khác ở các trường học trong tỉnh, phải may theo đúng chuẩn trang phục mà đồng bào cao ở địa phương hay mặc. Vẫn là màu sắc thổ cẩm nhưng trường lại chọn một gam màu tươi sáng, mới lạ hơn, nhẹ nhàng và tinh tế, phù hợp với vẻ đẹp đáng yêu, dễ thương của lứa tuổi học trò.
"Kiểu dáng đơn giản còn giúp các em hết sức thoải mái trong học tập cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường. Mỗi em đều có hai bộ phù hợp với mùa đông và mùa hè", thầy Sơn nói.
Song song với việc đưa trang phục vùng cao thành đồng phục trong trường học, Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây còn đặc biệt chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bằng cách lồng ghép vào trong chương trình học, các hoạt động ngoại khóa, văn hoá, văn nghệ và mang đến hiệu ứng tích cực.
Mới đây trong tháng 5, lần đầu tiên, các em học sinh khối lớp 9 được các thầy cô tổ chức hoạt động đi tham quan, để các em thỏa niềm đam mê tìm tòi, nghiên cứu văn hóa truyền thống của dân tộc của mình.
Các em học sinh khối lớp 9, Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây đến với gia đình nghệ nhân để tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng. |
Rời bục giảng, lớp học, thầy và trò vượt đèo, lội suối để đến với từng “bảo tàng thu nhỏ” ở các bản làng. Cái nắng gay gắt của mùa hè trở nên dịu nhẹ bởi sự đón tiếp nồng hậu của gia đình nghệ nhân.
Các em được khám phá nét đẹp của các ngôi nhà sàn, hiểu sâu hơn về nguồn gốc, giá trị, vai trò của những vật dụng sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Cadong, gắn liền với nương rẫy như ché rượu cần, nỏ bắn chim, gùi, rổ rá...; những nhạc cụ truyền thống như chiêng, brooc-t’ru, brooc-krâu, brooc-jiêng, đàn t’rưng, đàn ra ngói (kèn môi), sáo tà lía; tìm hiểu những nghi lễ, phong tục tập quán tốt đẹp gắn liền với đời sống đồng bào Cadong; thưởng thức các làn điệu dân ca và các món ẩm thực đặc sắc.
“Là người Cadong, em vẫn thấy bà con mình chơi chiêng và nhiều nhạc cụ khác nhưng em vẫn chưa biết nhiều về giá trị của nó. Với em, hoạt động này không chỉ giúp mình được tìm hiểu, trải nghiệm mà còn hun đút trong em tình yêu với văn hóa dân tộc. Một ngành học về văn hóa là ước mơ em muốn hướng đến trong tương lai để có chuyên môn khám phá sâu hơn về văn hóa của người Cadong và góp phần bảo tồn cùng đồng bào quê mình”, em Đinh Thị Yến Linh, lớp 9B bày tỏ.
Hoạt động này chỉ kéo dài gần một tuần nhưng mang đến cho các em nhiều kiến thức bổ ích, những điều không có trong sách giáo khoa. Ghi nhận niềm đam mê văn hóa dân tộc của các em, nhiều nghệ dân, dân làng đã tặng một số nhạc cụ dân tộc, đồ dùng sinh hoạt có giá trị. Phần thưởng sau chuyến đi, thầy và trò nhà trường cẩn thận cất giữ để trưng bày trong phòng truyền thống.
Bản thiết kế không gian trưng bày văn hóa truyền thống của đồng bào Cadong tại Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây. Dự kiến, nhà trường sẽ hoàn thành trong dịp hè này. |
Hiệu trưởng Trường THPT nội trú THCS Sơn Tây Lê Hoài Thạnh cho biết, các trường phổ thông dân tộc nội trú luôn là môi trường gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa của các dân tộc một cách hiệu quả nhất.
Cùng với việc dạy và học, nhận thức được việc giáo dục truyền thống dân tộc vùng cao nói chung và dân tộc Cadong nói riêng cho thế hệ trẻ ở trường là việc làm hết sức cần thiết, trong năm học vừa qua, trường đã đặc biệt chú trọng đưa văn hóa truyền thống vào trong trường học bằng nhiều hình thức khác nhau; thu hút sự quan tâm đông đảo học sinh, giáo viên, phụ huynh và các nghệ nhân.
Qua đó, nhà trường muốn giáo dục cho các em về niềm tự hào với bản sắc văn hóa dân tộc, nhắc nhở các thế hệ trẻ hôm nay phải biết kế thừa và phát huy những tinh hoa mà cha ông để lại. Từ đó, nhận thấy trách nhiệm của mình, đó là cố gắng học hành thật tốt mới góp phần đưa được bản sắc văn hóa dân tộc mình được nhiều người biết đến hơn.
“Trong dịp hè này, nhà trường cố gắng hoàn thành phòng truyền thống với phần lớn không gian dành cho việc trưng bày các vật dụng mà người dân trao tặng trong những chuyến đi điền giả; xây dựng, tái hiện những nếp sinh hoạt độc đáo của đồng bào vùng cao để các thế hệ học sinh nhà trường đến tham quan, tìm hiểu; sử dụng trong các chương trình do nhà trường tổ chức trong các năm học đến...”, thầy Thạnh nhấn mạnh thêm.
Bài. ảnh: Thiên Hậu