Hồi sinh văn hóa truyền thống người Cor

01:07, 01/07/2013
.

(QNg)- Mảnh đất Trà Bồng được biết đến không chỉ là mùi hương thơm của cây quế, mà nơi ấy còn có những điệu hò, câu hát, tiếng chiêng của người Cor vang lên mỗi khi có lễ hội, làm mê hoặc lòng người.

TIN LIÊN QUAN



Nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa truyền thống người Cor đã thật sự lo lắng trước thực trạng một bộ phận người dân bản địa không còn nhớ một cách sâu sắc về nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Một bộ phận giới trẻ thì không còn xem nét truyền thống ấy là linh hồn trong đời sống thường nhật của họ. Nhiều gia đình vì đời sống kinh tế khó khăn cộng với việc các đối tượng buôn bán cổ vật đến dụ dỗ để mua nên đã bán đi những hiện vật giá trị như: Chiêng, ché, cườm… để giải quyết khó khăn về  kinh tế trước mắt, khiến cho các giá trị đặc sắc về văn hóa người Cor dần bị lãng quên. Đây là hệ quả của sự thâm nhập ngày càng mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai đã len lỏi vào đời sống người đồng bào.

 

Một màn đấu chiêng của các nghệ nhân đánh chiêng.
Một màn đấu chiêng của các nghệ nhân đánh chiêng.



Trước thực trạng đó, huyện Trà Bồng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người Cor hiểu và yêu hơn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình. Từ chỗ lãng quên và không xem trọng họ đã biết gìn giữ, phát huy và tìm tòi, học hỏi. Các địa phương trong huyện đã ra sức sưu tầm các nhạc cụ dân tộc, tập huấn cho nghệ nhân, tổ chức lễ hội truyền thống… Đến nay, đồng bào Cor là một trong số ít dân tộc thiểu số trên địa bàn còn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, đó là các nhạc cụ, cồng chiêng, đàn Bro, đàn Katak, đàn môi, sáo Talía, kèn Amáp và các làn điệu dân ca Xà ru, A giới, Cà lu, Alát, Xaru – xalía; các trang phục, trang sức, đồ dùng sinh hoạt gia đình. Nhiều nghi lễ, lễ hội, như lễ ăn trâu, lễ mừng lúa mới, lễ ngả rạ... được phục dựng, bảo tồn, phát huy và trở thành ngày hội của cộng đồng.

Để văn hóa truyền thống thật sự trở thành “linh hồn” của đồng bào và không thể thiếu trong các mùa lễ hội, trong đời sống hằng ngày, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện chủ động mời những nghệ nhân có kinh nghiệm trực tiếp truyền dạy lại cho con cháu những kỹ năng, kỹ thuật đánh cồng chiêng, làm nhạc cụ truyền thống, các điệu múa. Vì vậy, những nhạc cụ, các làn điệu dân ca tiếp tục được ngân vang, lan tỏa trong cộng đồng, thấm sâu vào thế hệ trẻ hôm nay. Từ chỗ nét văn hóa truyền thống mang đậm giá trị vật thể và phi vật thể bị cuốn vào vòng xoáy thời gian và dường như bị lãng quên thì đến nay toàn huyện có hơn 600 hộ dân có bộ cồng chiêng với hơn 1.500 cái, số người biết đánh chiêng ngày một nhiều thêm…

Trên địa bàn huyện hiện có 36 đội văn nghệ quần chúng với hơn 600 diễn viên; 28 đội nghệ thuật cồng chiêng… Huyện đã đầu tư 400 bộ cườm, 125 bộ xà bol, cadọp, 10 đôi chiêng, xây dựng 15 nhà sinh hoạt cộng đồng theo mô hình nhà sàn truyền thống người Cor. Tổ chức trùng tu và khôi phục lễ Hội Điện Trường bà Thiên Y A Na. “Nhìn chung, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5, văn hóa truyền thống của người Cor đã dần hồi sinh, thể hiện qua các lễ hội trên địa bàn huyện… Người Cor đã ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa riêng của mình. Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Cor lên tầm cao mới” – ông Hồ Văn Thế, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng, cho biết.

Lê Đức

 


.