(Báo Quảng Ngãi)- Sáng sớm thứ 7 tuần vừa qua, tức ngày 4.8 âm lịch, em Hồ Văn Sinh, cháu nội già làng Hồ Ngọc Hoàng, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng), gọi điện báo tin cho tôi biết, ông nội của em đã ra đi về với tổ tiên, ông bà.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dẫu biết trước việc sinh ly tử biệt, nhưng khi nghe tin già làng Hồ Ngọc Hoàng qua đời, tôi thật sự xúc động. Những năm tháng sống ở cõi trần, già Hoàng đã làm được nhiều việc có ý nghĩa cho bản làng Cor. Có dịp đến vùng đất quế Trà Bồng, hỏi thăm nhà già làng Hồ Ngọc Hoàng, làng Trà Dòn thôn 2 xã Trà Thủy, hầu như ai cũng biết, bởi già Hoàng là một trong những già làng sống hiền từ, mẫu mực, đam mê sưu tầm và biểu diễn các nhạc cụ cổ truyền của dân tộc Cor. Có lẽ chính cuộc sống hiền từ, giản dị và mẫu mực ấy, đã giúp cho cụ hưởng thọ tròn 100 tuổi.
Nhịp chiêng của già Hồ Ngọc Hoàng (bên phải) giờ chỉ còn trong ký ức. |
Anh Hồ Ngọc An, con trai già làng Hồ Ngọc Hoàng cho biết: “Cha tôi sinh năm 1917, năm nay ông vừa tròn tuổi 100. Tôi rất tự hào vì ông là một trong những cụ già thọ nhất vùng đất quế Trà Bồng. Ông cụ sống thọ vì nếp sống sinh hoạt của cụ rất giản dị, hằng ngày có thói quen đi chăn trâu trên nương rẫy. Khi có lễ tiệc gì thì chỉ dùng vài ly rượu cho vui. Những lúc không lên nương rẫy, ông ở nhà chơi đàn brooc và chỉ dạy cho con cháu biết kỹ thuật đánh chiêng...”.
"Từng đi rất nhiều vùng đất người Cor sinh sống ở Tây Trà, Trà Bồng, nhưng chưa thấy gia đình nào có được nhận thức về bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc như cha con già Hoàng". Nhà nghiên cứu văn hóa CAO CHƯ |
Cách đây hai năm, già làng Hồ Ngọc Hoàng và con trai Hồ Ngọc An được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú, vì có nhiều thành tích trong việc bảo tồn gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Cor. Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Chư nói với tôi, ông đi rất nhiều vùng đất người Cor sinh sống ở Tây Trà, Trà Bồng, nhưng chưa thấy gia đình nào có được nhận thức về bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc như cha con già Hoàng.
Thật vậy, trong những năm qua, nhờ sự tuyên truyền giáo dục, động viên cổ vũ của già Hoàng cho nên con cháu già Hoàng, ai ai cũng đam mê nhạc cụ dân tộc người Cor. Khi có lễ hội, gia đình già Hoàng trở thành đội văn nghệ của bản làng Cor. Già Hoàng, anh Hồ Ngọc An cùng con trai Hồ Ngọc Ninh biết chơi chiêng, đánh đàn brooc, hát xà ru, agiới, con dâu Hồ Thị Thới thổi kèn amáp, các con gái thì biết nhảy múa cà đáo... Gia đình già Hoàng trở thành hạt nhân tiêu biểu trong bảo tồn văn hóa dân tộc Cor ở làng Trà Dòn, thôn 2, Trà Thủy.
Có lần ngồi trò chuyện với già Hoàng thì được biết, ông biết đánh chiêng, đặc biệt là trò đấu chiêng của người Cor hồi 15, 16 tuổi. Thời ấy khi làng có lễ hội, ông và một vài người bạn khỏe mạnh trong làng thường thách đố thi đấu chiêng. Đấu chiêng vui, khỏe và rất sôi động. Ông mơ ước, mai này du lịch phát triển, trò đấu chiêng của người Cor sẽ trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách đến tham quan, thưởng thức ở vùng đất quế Trà Bồng.
Và tôi còn nhớ, có những đêm, ông ngồi với tôi hàng giờ, nhưng chẳng nói gì, chỉ nhìn về phía xa xăm rồi nói: Nhà báo nhớ tuyên truyền nhiều về văn hóa người Cor của mình cho các dân tộc khác biết, bà con mình còn nghèo về đời sống vật chất, nhưng không nghèo về văn hóa đâu. Mà nói thiệt, khi nói đến văn hóa các dân tộc trên đất nước mình, thì không có khái niệm giàu, nghèo. Ông còn đề nghị Nhà nước quan tâm hơn nữa đến đời sống các nghệ nhân ưu tú, già làng, người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Họ là những hạt nhân, góp phần đáng kể trong bảo tồn bản sắc văn hóa cổ truyền dân tộc.
Tiếc thương một già làng mẫu mực, uy tín, sống tròn một thế kỷ ở bản làng Cor, tôi nghiêng mình thắp hương viếng cụ và cùng dân làng hát Arua tiễn biệt cụ về với núi rừng thơm hương đất quế người Cor Trà Bồng.
Bài, ảnh: Đình Quang